Jose Simms, 29 tuổi, được cho là đang ẩn náu ở thành phố New York, đối mặt với 7 lệnh bắt và bị truy nã với nhiều tội danh sau khi không trình diện ở tòa án, theo AP.
Trung úy Brett Johnson thuộc sở cảnh sát Torrington, bang Connecticut, thông báo rằng Simms đã liên lạc với cảnh sát và đồng ý ra trình diện trong điều kiện bài đăng thông báo truy nã hắn trên Facebook có đủ 15.000 lượt thích.
Johnson cho biết anh đã thương lượng để có được con số này trong khi "cái giá" mà tên tội phạm ban đầu đưa ra là 20.000 lượt "like".
Jose Simms trong bức ảnh truy nã được đăng lên Facebook của cảnh sát. Ảnh: Cảnh sát Torrington. |
"Điều này sẽ khó khăn nhưng có thể thực hiện được", Trung úy Johnson nhận định, anh cũng không quên nói thêm rằng nếu bất cứ ai biết nơi ẩn náu của Simms, họ cần thông báo cho cảnh sát ngay lập tức, để cảnh sát "đỡ hồi hộp".
Tuy nhiên, bà Maki Haberfield, chuyên gia về đạo đức nghề nghiệp và quy trình chuyên môn của cảnh sát tại Đại học Tư pháp Hình sự John Jay, cho rằng Simms đang sử dụng mạng xã hội để thao túng cả truyền thông và cảnh sát.
Theo bà Haberfeld, không có lý do gì mà cảnh sát lại phải đi thương lượng với một nghi phạm đang bị truy nã, hơn nữa lại là thương lượng về số lượt thích trên Facebook.
"Điều này đã trở thành một trò đùa. Và mọi người sẽ coi các hành vi phạm pháp giống như trò chơi", chuyên gia Haberfield nói.
AP đã thử liên lạc với Simms qua Facebook, và tên này cho biết mình hoàn toàn nghiêm túc trong lời đề nghị với cảnh sát.
"Tôi muốn cho họ một chút động lực với tất cả những công sức mà họ bỏ ra để bắt tôi", Simms nói.
Nghi phạm chia sẻ những cáo buộc đối với mình xuất phát từ các vấn đề gia đình, và Simms đã mệt mỏi với việc trốn chạy.
"Luôn phải nhìn trước ngó sau trong mỗi 5 giây có thể gây rất nhiều mệt mỏi", nghi phạm chia sẻ và cho biết mình sẽ thực hiện đúng như những gì đã cam kết, vì Simms là "người biết giữ lời".
Chuyên gia Haberfield cho biết Simms rõ ràng đang nhận được nhiều sự chú ý, chính xác là thứ hắn mong muốn.
"Đây rõ ràng 100% là hành vi thao túng. Và đối với cảnh sát, làm như vậy là thiếu đạo đức", bà Haberfield nhận định.