Đầu năm nay, tên tội phạm lẩn trốn hơn 2 thập kỷ trong xã hội 1,4 tỷ người của Trung Quốc đã bị bắt. Thành quả này nhờ vào công nghệ nhận diện cải tiến kết hợp trí thông minh nhân tạo (AI) của công ty DeepGlint Technology (Bắc Kinh).
Nhận diện khuôn mặt bằng AI tại Trung Quốc. Ảnh: SCMP. |
Theo thông tin từ DeepGlint, công nghệ này được phát triển dựa trên cấu trúc mắt của con người. Hình ảnh con người hay vật thể sẽ được ghi nhận và phân tích từ khoảng cách lên đến 50 m. Công nghệ phân tích và nhận diện 3D sẽ đánh giá hình ảnh và cảnh báo cho lực lượng hành pháp nếu cần thiết.
Tại vùng tự trị Tân Cương (Trung Quốc), công nghệ của DeepGlint đã giúp cảnh sát theo dõi và truy bắt hơn 1 triệu đối tượng có nguy cơ trở thành khủng bố. Vào tháng 4/2018, DeepGlint cũng đã thành lập viện ứng dụng công nghệ này nhằm hợp tác với sở cảnh sát Tân Cương.
Hiện nay, DeepGlint cùng các công ty khác tại Trung Quốc như SenseTime Group, Yitu Technology đã hợp tác thành lập tổ chức phát triển phần mềm nhận diện danh tính. Mục đích chính của tổ chức là giúp đỡ giới chức đấu tranh tội phạm, quản lý đám đông cũng như trong lĩnh vực y tế.
Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ này vấp phải nhiều phản đối từ các tổ chức nhân quyền. Báo cáo của một tổ chức tại Trung Quốc đã chỉ ra việc lực lượng cảnh sát Tân Cương đang dùng ứng dụng nhận diện trên điện thoại để theo dõi công dân.
Qua đó, vấn đề tự do cá nhân đang là trở ngại lớn trong việc ứng dụng công nghệ mới này.