Tại Trung Quốc, lý tưởng về “sự thật”, “liêm chính”, “uy tín” và “tín dụng xã hội” được tuyên truyền nhiều nơi: trên các phương tiện truyền thông, trên tàu, trong ngân hàng và các bảng thông tin ngoài phố.
Giờ đây, có cả một bài hát để truyền đạt những thông điệp chính thức của chính phủ. Nội dung vẫn xoay quanh tầm quan trọng của việc tin tưởng và tôn trọng văn hoá xã hội Trung Quốc.
Ca khúc “Nói được làm được” (Thuyết đáo tố đáo) được phát hành bởi Đoàn Thanh niên Cộng sản, Nhật báo Thanh niên và Văn phòng Tín dụng Trẻ Trung Quốc, hợp tác cùng nền tảng phát nhạc Kugou.
Nghệ sĩ tham gia có ca sĩ Vương Nguyên từ nhóm nhạc nam nổi tiếng TFBoys, diễn viên kiêm nhạc sĩ Hứa Ngụy Châu cùng các vũ công, diễn viên và một nhóm sinh viên Trung Quốc.
Vương Nguyên, một idol của thị trường âm nhạc C-pop, cũng góp mặt trong MV này. Ảnh: WhatsonWeibo. |
Nhà soạn nhạc Triệu Giai Lâm, người chịu trách nhiệm sáng tác bài hát chủ đề cho Olympic Bắc Kinh 2022, là tác giả của phần nhạc. Phần lời bài hát do nhạc sĩ Thôi Thứ đảm nhận.
Các ca sĩ được đưa vào một loạt tình huống, qua đó thể hiện những cách trở thành công dân đáng tin cậy. Ví dụ như mua sắm tại cửa hàng không người trực, đi xe đạp chung và đọc sách ở thư viện công cộng, hoặc “chia sẻ văn hoá đọc” như cách gọi trong video.
Một số biểu hiện của "công dân đáng tin cậy". Ảnh: WhatsonWeibo. |
“Hãy sống theo lời của bạn, hãy là một thanh niên đáng tin cậy”, lời bài hát nói.
Bài hát này là một trong nhiều video âm nhạc tuyên truyền được thực hiện bởi chính quyền Trung Quốc.
Năm 2017, Trung Quốc đã thực hiện bài hát về Sáng kiến Vành đai và Con đường, bao gồm phân cảnh giới trẻ khắp thế giới nhảy theo linh vật gấu trúc. Trong đó có đoạn: “Từ khi Vành đai và Con đường đến Ai Cập, GDP kênh đào Suez đăng đáng kể”.
Liêm chính là vấn đề chính quyền Trung Quốc quan tâm trong năm nay. Ảnh: WhatsonWeibo. |
Tuy nhiên trong năm nay, Trung Quốc chỉ muốn nhấn mạnh đến sự “liêm chính”. Hệ thống tín dụng xã hội của nước này thu thập và lưu giữ hồ sơ của công dân, thưởng cho người có hành vi tốt và trừng phạt họ khi có hành vi sai chuẩn mực. Một trong những vấn đề gây tranh cãi lớn là trừng phạt kẻ “ăn bám”, hay những người không có khả năng trả nợ.
Những kẻ “ăn bám” bị cho là đáng xấu hổ. Họ bị cấm đi máy bay và tàu cao tốc, thậm chí còn bị bêu mặt lên màn hình công cộng. Ngoài việc hiển thị tên của những người này trên trang web chính phủ, chính quyền địa phương cũng cảnh báo công dân khi họ ở gần một người như vậy.
Một thành phố khác thậm chí cho chiếu hình ảnh con nợ lên màn hình trước khi công chiếu Avengers: End Game.