Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Tôi nhìn bạn trẻ hút cần mà không phán xét'

Đi vào thế giới những người trẻ chịu thương tổn, TS Đặng Hoàng Giang chứng kiến việc làm, lắng nghe câu chuyện của họ mà không phán xét, chỉ tìm nguyên nhân dẫn tới hành động ấy.

Rời Áo về Việt Nam, từ bỏ công việc IT, Tiến sĩ (TS) Đặng Hoàng Giang dành nhiều công sức thực hiện các dự án xã hội. Thành quả của ông sau mỗi dự án là một cuốn sách được hàng chục nghìn bạn đọc đón nhận. Quan trọng hơn, thông điệp mà mỗi cuốn sách đưa ra đã thật sự chạm tới bộ phận không nhỏ trong xã hội.

Không phán xét, không khuyên bảo, chỉ lắng nghe

Cái tên Đặng Hoàng Giang được biết tới trong làng sách vào năm 2015, khi anh xuất bản Bức xúc không làm ta vô can - tác phẩm mổ xẻ những vấn đề nóng của xã hội, của đám đông. Thiện, ác và smartphone (ra mắt năm 2017) chạm tới vấn đề của thời đại là văn hóa làm nhục trên mạng xã hội và đưa ra khái niện “thấu cảm”.

Nguoi tre thuong ton anh 1

TS Đặng Hoàng Giang. Ảnh: Công Khanh

Tới năm 2018, cùng cuốn Điểm đến cuộc đời, tác giả khiến bạn đọc cảm động với dự án đồng hành cùng người cận tử. Và đầu năm nay, Đặng Hoàng Giang tiếp tục gióng hồi chuông cảnh tỉnh tới xã hội khi kể câu chuyện của những người trẻ chịu thương tổn qua cuốn Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ.

Cuốn sách đưa bạn đọc vào thế giới của những người không còn trẻ con nhưng chưa thực sự là người lớn - những người trên dưới 20 tuổi. Đó là câu chuyện có thật của những người trẻ đang run rẩy trong va chạm thân thể lần đầu, những băn khoăn về các hệ giá trị, cuộc đi tìm và định vị bản thân… Bao trùm lên tất cả là nỗi đau, sự cô đơn, trống rỗng của những người trẻ chịu nhiều thương tổn trong tuổi thơ, những người hoặc bị bỏ rơi, hoặc phải sống theo mong muốn cha mẹ, hoặc là nạn nhân của cuộc sống gia đình không hạnh phúc...

Sau hai tháng phát hành Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ, cuốn sách được bạn đọc trẻ đồng cảm, nhiều người muốn gửi tới tác giả những câu hỏi, lời chia sẻ. Trong bối cảnh hạn chế tụ tập đông người để phòng tránh Covid-19, một buổi giao lưu giữa TS Đặng Hoàng Giang với độc giả thực hiện qua hình thức online tối 10/3.

Chia sẻ về quá trình thực hiện cuốn sách, TS Đặng Hoàng Giang cho biết ông dành hai năm để hoàn thành tác phẩm. Trong đó, năm đầu tiên ông tìm nhân vật, thông tin, trò chuyện với bạn trẻ, và năm sau bắt tay vào viết, xuất bản cuốn sách. Thời gian đầu, Đặng Hoàng Giang thông báo về dự án của mình và tìm những nhân vật đã trải qua những thương tổn.

“Tôi liên hệ, email, chat, nhận và lắng nghe hàng trăm chia sẻ. Bạn nào đồng cảm thì chia sẻ. Sau đó tôi rút danh sách ngắn nhân vật qua khả năng mà các bạn diễn tả câu chuyện, khả năng nhớ, hồi tưởng của các bạn”, Đặng Hoàng Giang nói.

Để có được những câu chuyện đắt giá đưa vào sách, TS Đặng Hoàng Giang dành nhiều thời gian, tâm huyết lắng nghe bạn trẻ. Để những bạn trẻ tin tưởng ông, đồng ý trở thành nhân vật của ông là cả quá trình dài. “Tôi lắng nghe họ, cho họ rất nhiều thời gian để họ kể. Đây là quá trình khảo cổ học để đi ngược về ký ức của họ”, TS Đặng Hoàng Giang nói.

Từ chỗ xa lạ, TS Đặng Hoàng Giang và những người trẻ dần trở nên thân tình hơn. Tương tác của họ rất sâu, họ có thể nói chuyện với nhau tới khuya, các bạn còn thu âm lời kể và gửi cho TS Giang. Thậm chí có lần ông theo bạn trẻ tới một cửa hàng Circle K lúc 2h đêm. “Phải như vậy mới có thể chứng kiến được đời sống của các bạn ấy, hiểu được các bạn ấy”, TS Giang nói.

Nguoi tre thuong ton anh 2

TS Đặng Hoàng Giang và biên tập viên Diệu Thủy giao lưu với bạn đọc tối 10/3.

Không chỉ kiên nhẫn lắng nghe người trẻ, quan trọng hơn, TS Giang lắng nghe mà không đánh giá, phán xét. Có những bạn kể chuyện đã ăn cắp, đánh bố… TS Giang nghe mà không đánh giá hay lên án. Ông không đưa ra thang điểm ngoan / hư, tốt / xấu… để áp đặt lên người trẻ. Khi bạn trẻ thấy họ có thể kể mà không bị đánh giá thì yên tâm kể tiếp.

“Chúng ta có thói quen đánh giá người khác dựa trên những hệ giá trị. Trong lúc nghe, tôi sẽ vô hiệu hóa những phán xét ấy. Lúc ấy mục tiêu của tôi là không đánh giá con người ấy, mà tìm hiểu tại sao họ hành động như vậy”, tác giả nói.

Ông cũng hạn chế hết mức việc đưa ra lời khuyên: “Khi nghe bạn trẻ kể, tôi không nói bạn phải thế này, bạn phải thế kia. Những lời khuyên đều ám chỉ mình ở bề trên họ, dẫn dắt họ. Ở đây mình là người được họ dẫn đi vào thế giới của họ, chứ không phải người chỉ bảo. Vì vậy khuyên người khác là không cần thiết”.

Kể lại khúc ca buồn của người trẻ

Im lặng lắng nghe và không phán xét là tâm thế mà TS Đặng Hoàng Giang xác lập khi tiếp xúc, nghe người trẻ kể chuyện. Đó là một thái độ chuyên nghiệp trong quá trình thu thập thông tin và ghi lại những câu chuyện có thật đó. “Các bạn sẽ làm việc, có thể là uống, hút cần, còn tôi ngồi quan sát. Tôi có đánh giá vấn đề đang diễn ra, nhưng coi là mình đang làm việc nên không bày tỏ thái độ hay phán xét gì”, TS Đặng Hoàng Giang nói.

Hơn cả, ông thấy biết ơn những người trẻ xa lạ đã tin cẩn kể chuyện, đã dẫn ông vào thế giới của họ.

Nguoi tre thuong ton anh 3

Sách Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ.

Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ ra đời, đó là khúc ca buồn của những bạn trẻ. Đâu đó trong câu chuyện của họ có bóng dáng của phụ huynh. Đã có lo ngại có thể cuốn sách sẽ gây khó cho nhân vật khi câu chuyện của họ đã công khai; hoặc xem sách là cái cớ để con cái nói xấu bố mẹ.

Nhưng hai tháng trôi qua, tác giả nhận phản ứng tích cực. Trên thực tế, khi tham gia dự án, các nhân vật không quá quan tâm đến cuốn sách, điều quan trọng là họ đã chia sẻ và được lắng nghe. Về phía phụ huynh, một số người đã phản hồi sách giúp họ hiểu con cái mình, kết nối với con, giúp họ hiểu và điều chỉnh hành vi.

Tác giả cũng cho biết quá trình đồng hành cùng những người trẻ chịu nhiều thương tổn khiến ông nhớ lại tuổi trẻ của mình. “Những năm ấy, tôi cũng băn khoăn mình muốn làm gì, điều gì là quan trọng với mình, quan hệ của mình với bố mẹ ra sao, mình có vị trí ra sao trong xã hội?”, TS Đặng Hoàng Giang nói.

Ông đánh giá ở tuổi trẻ con chưa qua, người lớn chưa tới ấy, không gian để người trẻ khám phá bản thân rất quan trọng. Trong cuộc sống, TS Giang cũng có nhiều băn khoăn, hoang mang. Những lúc ấy, ông đi sâu vào trong mình để lắng nghe và đưa quyết định quan trọng, như việc rời Áo về Việt Nam, quyết định làm công việc xã hội. “Những băn khoăn luôn cho ta đi sâu vào bên trong, khám phá mình, khám phá cuộc đời”, ông nói.

Sau khi hoàn thành cuốn sách Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ, TS Đặng Hoàng Giang đang tìm hiểu kiến thức và chuẩn bị cho một dự án mới liên quan tới trầm cảm.

Những đứa trẻ chống chọi từng ngày để làm người tử tế

Phương Anh, 20 tuổi, lòng đầy tổn thương, bỏ đại học đi học nghề và làm bánh, sống giữa một xã hội xô bồ vẫn khao khát làm người tử tế.

Tần Tần

Bạn có thể quan tâm