Hồi đầu tháng 6 vừa qua, Toà án Nhân dân Thành phố Đà Nẵng tuyên án sơ thẩm 7 năm tù cho một nam thanh niên 22 tuổi vì tội hiếp dâm.
Tuy nhiên, bị cáo này liên tục kêu oan bởi anh có quan hệ tình cảm với người bị hại. Hai người cũng nhiều lần nhắn tin với nhau về chuyện cưới xin và có con. Theo lời bị cáo, trong lúc quan hệ, cô gái nằm im, không có phản ứng gì, tức là cô có đồng thuận với việc quan hệ tình dục này.
Vụ việc gây ra nhiều tranh cãi xoay quanh câu hỏi liệu 7 năm tù có xứng đáng khi quan hệ tình dục với người yêu? Quan hệ với người yêu khi đã được đồng thuận có được coi là hiếp dâm hay không? Nếu không la lên khi bị xâm hại có nghĩa là người đó đã đồng thuận?
Và như vậy, thế nào mới được coi là đồng thuận?
Mảnh giấy của người tham dự dán trong không gian trải nghiệm "Lều Đồng thuận", ghi: "Tôi tha thứ cho bạn trai cũ, người từng xâm hại tôi mà không có sự đồng thuận của tôi. Hy vọng anh ta không làm thế với ai nữa". Ảnh: Duy Hiệu. |
"Đồng thuận là bản hợp đồng"
Đó là câu hỏi tình huống được bà Mia Nguyễn - nhà nghiên cứu với 10 năm kinh nghiệm học tập và làm việc về Tâm lý học hành vi tại Đại học Khoa học Kỹ Thuật Queensland, Australia - đưa ra thảo luận tại sự kiện có tên “Đồng thuận” do dự án phi lợi nhuận Wintercearig (Sầu Đông) tổ chức trong hai ngày 25-26/7.
Người tham dự sự kiện thuộc nhiều lứa tuổi và đến từ các quốc gia khác nhau đã cùng thảo luận công khai và cởi mở về “đồng thuận”, khái niệm được cho là rất mới và nhạy cảm tại Việt Nam.
Chia sẻ với công chúng trong phiên diễn thuyết hôm 25/7, bà Mia Nguyễn cho rằng trong một mối quan hệ xã hội, “đồng thuận là bản hợp đồng thể hiện trách nhiệm của bạn với đối phương” mà các bên dựa trên đó khi giao tiếp, vì vậy không tấn công, xâm hại và không làm người đối diện không thoải mái.
Sự đồng thuận này trước hết phải được dựa trên sự tự nguyện, nghĩa là đồng ý với một vấn đề hay hành vi nào đó mà không bị ép buộc hay gây áp lực. Đồng thuận phải được thể hiện rõ ràng, cụ thể trong từng bối cảnh, phải có cơ sở rõ ràng là những thông tin đầy đủ, chính xác, không sai lệch và cũng chỉ có hiệu lực ở một lần duy nhất đó. Lời đồng ý có thể bị xem như vô hiệu nếu thông tin không chính xác.
Bà Mia Nguyễn nói về "đồng thuận" với người tham dự sự kiện cùng tên hôm 26/7. Ảnh: Dự án Wintercearig. |
Ngoài ra, đồng thuận phải được ghi nhận mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Và mỗi người hoàn toàn có thể rút, hủy đồng thuận bất kỳ lúc nào nếu không cảm thấy thoải mái.
Quan trọng nhất, người đồng thuận phải cảm thấy mình muốn thực hiện hành vi đó, mong đợi điều đó xảy ra với mình. Những đối tác trong một mối quan hệ đều phải hiểu về đồng thuận và chấp hành nó. Chỉ khi ấy, mối quan hệ mới có thể diễn ra suôn sẻ và tốt đẹp, nhà nghiên cứu này nhấn mạnh.
Phụ nữ ăn mặc gợi cảm nghĩa là mời gọi kẻ tấn công?
Theo bà Mia Nguyễn, khi nói về đồng thuận trong tình dục, “thứ nhất là bạn phải tự nguyện đầy đủ, không bị ép buộc, dụ dỗ; thứ hai là bạn phải đầy đủ năng lực dân sự như không say xỉn hay có vấn đề về sức khoẻ tâm lý; thứ ba là bạn không bị ép buộc, lợi dụng hay lo sợ”.
“Sự đồng thuận phải được duy trì suốt quá trình thực hiện hành vi tình dục, từ khi bắt đầu đến khi kết thúc”, nhà nghiên cứu 40 tuổi này chia sẻ thêm.
Tại Việt Nam, có định kiến cho rằng phụ nữ ăn mặc gợi cảm là mời gọi người khác tấn công và họ phải chịu đựng hậu quả sau đó. “Điều này là hoàn toàn sai”, bà Mia Nguyễn khẳng định và nhấn mạnh quyền tự do sở hữu cơ thể cá nhân và quyền tự do ăn mặc.
“Cho dù váy tôi mặc ngắn đến đâu, áo tôi mặc hở thế nào, thì đó cũng không phải đồng thuận. Điều đó không đồng nghĩa với việc người khác có quyền nhìn ngực tôi, chạm vào ngực tôi, chạm vào mông tôi”, nhà nghiên cứu này nói.
Tác phẩm của hai tác giả Prinz Illusion (22 tuổi) và Pie (29 tuổi) tại triển lãm với thông điệp: Mọi người đều có quyền làm những gì mình muốn với cơ thể mình và có quyền nói "không" đối với những điều không muốn. Ảnh: Duy Hiệu. |
Chia sẻ với Zing về “văn hoá ngại”, Vũ Đức Huy - 19 tuổi, sinh viên Đại học Fulbright Việt Nam - cho rằng đây là một phần văn hoá "im lặng là vàng".
“Ngay cả trong ca dao tục ngữ cũng có câu ‘Một điều nhịn, chín điều lành’. Văn hoá này cũng có lợi là làm uyển chuyển hơn những lời nói, cử chỉ trong một mối quan hệ. Nhưng không phải mối quan hệ nào mình cũng nên cả nể, ngại hay nhường nhau. Có những lúc phải thẳng thắn để bảo vệ quan điểm hay quyền lợi của cá nhân mình”, sinh viên này nói.
Đức Huy cho rằng thanh thiếu niên ở độ tuổi dậy thì rất cần đẩy lùi “văn hóa ngại” và hiểu về sự đồng thuận, bởi ở tuổi này bắt đầu có sự tò mò về cơ thể mình và về những mối quan hệ xung quanh. “Những tương tác, kiến thức mà các bạn học được ở giai đoạn này sẽ định hình cho quan điểm sống, cho cách các bạn ứng xử sau này”, sinh viên 19 tuổi chia sẻ.
Có hay không khác biệt về "đồng thuận" giữa Tây và Đông?
“Đồng thuận” ở phương Tây và phương Đông cũng là chủ đề nhận được nhiều ý kiến đóng góp của người tham dự trong phiên thảo luận mở do diễn viên hài người Mỹ Angee Floyd chủ trì tối 25 và 26/7.
“Theo tôi không có quá nhiều điểm khác biệt về đồng thuận giữa phương Đông và phương Tây trong bối cảnh chế độ phụ hệ vẫn có ảnh hưởng mạnh mẽ như hiện nay. Theo cách nhìn nhận của nhiều người phương Tây, tại các quốc gia phương Đông, như Việt Nam, phụ nữ… thường được coi là thụ động, không có tiếng nói và phải thuận theo mong muốn của đàn ông”, bà Floyd chia sẻ quan điểm.
Sinh sống và làm việc tại TP.HCM được ba năm, bà Floyd cho biết trong số những người bà từng trò chuyện, đa số nghĩ rằng phương Tây cấp tiến hơn và người phương Tây có nhiều sự lựa chọn hơn người phương Đông.
“Nhưng trong khuôn khổ thảo luận về đồng thuận, tôi nghĩ đây chính là vấn đề… Vì nó hình thành suy nghĩ nếu bạn bị đối xử tồi tệ hơn tôi, thì bạn không nên than vãn, hoặc sống ở phương Tây rất tuyệt… Trong khi đó, trên thực tế, đây là những vấn đề mà chúng ta cùng có thể gặp phải, nhưng cũng có thể cùng thống nhất và phần nào giải quyết nếu chúng ta có cùng tư duy”, bà Floyd nhấn mạnh.
Ricardo Glencasa, 30 tuổi, người điều hành lớp học thực hành biểu đạt sự đồng thuận tại sự kiện hôm 25-26/7. Ảnh: Duy Hiệu. |
Chia sẻ với Zing bên lề lớp học thực hành biểu đạt sự đồng thuận hôm 26/7, Ricardo Glencasa - 30 tuổi, người điều hành lớp học này - cho rằng có những quy tắc và luật lệ về đồng thuận có thể được áp dụng ở bất cứ đâu trên thế giới, dù nơi đó thuộc nền văn hóa nào.
“Chẳng hạn, tôi không nghĩ ai cũng được phép chạm vào người khác mà không có sự đồng ý. Tôi không quan tâm bạn sinh ra ở nền văn hóa nào. Tôi nghĩ vẫn có điểm chung giữa hai nền văn hóa phương Tây và phương Đông. Ở Anh - đất nước của tôi - không ai được phép đến gần và sờ vào ngực tôi. Ở Việt Nam cũng vậy”, anh Glencasa nói với Zing.
“Văn hóa nên được tôn trọng, nhưng đây không phải là lý do để phớt lờ sự thật… Văn hóa cũng cần phải thay đổi. Trong một tình huống nhất định, bạn cần nhìn nhận lại văn hóa và nghĩ xem đâu là cách xử sự hợp lý nhất”, anh Glencasa chia sẻ thêm.