Thời gian giải ngân trung bình của một hợp đồng vay thế chấp qua hệ thống ngân hàng hiện nay vào khoảng 1-3 ngày làm việc. Nếu vay tiêu dùng qua công ty tài chính, trong điều kiện lý tưởng về pháp lý, thời gian từ khi khách tới làm hồ sơ vay tới khi được giải ngân cũng không dưới 30 phút.
Thậm chí, tôi từng đi vay tín dụng đen, loại hình tín dụng “dễ dãi” nhất thị trường, nhưng cũng không có trải nghiệm vay dễ dàng như đi cầm đồ hiện nay.
Làm hợp đồng với nhân viên xăm trổ
Trong vai một chủ quán cà phê đang cần vốn, tôi tìm đến một cửa hàng cầm đồ trên đường Trần Cung, phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội với tài sản là chiếc xe máy của mình.
Trải nghiệm đi vay lần này không thoải mái như những lần trước đó. Bước vào cửa hàng, có 3 người đàn ông mặc áo phông đen, xăm kín cánh tay ngồi bên trong.
“Có việc gì đấy em?”, người đàn ông ngồi trước bàn máy tính hỏi khi nhìn thấy tôi bước vào.
Sau khi trình bày về nhu cầu cầm đồ, tôi được người này tư vấn qua về các hình thức vay tại cửa hàng. Theo đó, do không có hộ khẩu Hà Nội, nên tôi bắt buộc phải có tài sản thế chấp mới được vay tiền. Tài sản thế chấp có thể là giấy tờ xe hoặc chính chiếc xe của tôi.
“Nếu thế chấp giấy tờ xe lãi là 7.000 đồng/triệu/ngày, còn nếu em để xe ở lại, anh lấy em 5.000 đồng thôi”, người đàn ông nói.
Ngoài ra, nếu thế chấp chiếc xe, tôi sẽ không phải để lại thông tin cá nhân, địa chỉ nhà, địa chỉ nơi làm việc, và số điện thoại của người thân. Theo lời của chủ cửa hàng này, việc để lại các thông tin cá nhân nhằm đảm bảo quá trình kiểm soát rủi ro của khoản vay sau giải ngân.
Chỉ sau 20 phút, khách đã có thể vay tiền từ tiệm cầm đồ truyền thống. Ảnh: P.M. |
Sau khi thống nhất phương án cầm cố tài sản, người đàn ông kiểm tra tình trạng chiếc xe của tôi.
“Với xe Honda SH125i đời 2015 này, anh cho em vay được 30 triệu thôi”, người đàn ông nói.
Chấp nhận hạn mức vay này, tôi được mời vào bàn để làm hợp đồng vay cầm đồ. Nói là hợp đồng nhưng thực chất đây chỉ là một tờ giấy hẹn giữa hai bên, và không có dấu công chứng. Tuy nhiên, nó vẫn đầy đủ điều khoản về bên cho vay, người vay, số tiền vay, tài sản cầm cố, các điều khoản cam kết…
Ngoài cảm giác không mấy thoải mái khi ngồi làm hợp đồng vay với hai nhân viên xăm trổ bên cạnh, việc đi vay cầm đồ của tôi diễn ra khá suôn sẻ. Sau khoảng 20 phút, tôi đã đến đoạn cuối cùng là ký hợp đồng và nhận tiền.
Lấy lý do vợ không đồng ý mang chiếc xe đi cầm cố và gọi về nhà gấp. Tôi xin phép chủ cửa hàng về bàn bạc trước khi quay lại vào ngày mai.
“Em cứ về bàn bạc kỹ với gia đình đi, nếu được thì quay lại đây anh cho vay”, người đàn ông nói.
Thái độ của người đàn ông khiến tôi khá bất ngờ. So với những lời đồn về giới cầm đồ thì trải nghiệm của tôi cũng không quá căng thẳng. Một phần cũng có thể tôi chưa nhận tiền hay quỵt tiền của họ.
Tính theo lãi suất cửa hàng này công bố, nếu để chiếc xe ở lại, tôi sẽ chịu 5.000 đồng/triệu/ngày, tương đương lãi suất 15%/tháng, và 180%/năm. Như vậy, vay 30 triệu sau một tháng tôi sẽ phải trả khoảng 4,5 triệu đồng tiền lãi. Con số khá cao so với các loại hình tín dụng chính thức khác.
Cầm đồ chuyên nghiệp, lãi suất có thấp?
Sau cửa hàng đầu tiên, tôi tiếp tục tìm cửa hàng cầm đồ thứ hai. Lần này là của một chuỗi cầm đồ chuyên nghiệp tại Hà Nội. Đây cũng được giới thiệu là chuỗi cửa hàng cầm đồ lớn nhất cả nước hiện nay.
Vẫn trong vài một người kinh doanh cần vốn, tôi gọi điện tới tổng đài của chuỗi cầm đồ và đề nghị cầm cố chiếc xe của mình để được vay số tiền tối đa cửa hàng có thể giải ngân.
Qua điện thoại, nữ nhân viên tư vấn tôi có thể vay qua hai hình thức đăng ký xe, hoặc cầm cố chính chiếc xe. Tuy nhiên, với mỗi loại hình cầm cố, hạn mức vay, lãi suất cũng như quy định sẽ khác nhau.
Lãi suất vay cầm đồ so với các loại hình vay khác:
Loại hình vay | Lãi suất(%/năm) |
Vay ngân hàng ngắn hạn | 6-9 |
Vay ngân hàng trung, dài hạn | 9-11 |
Vay tiêu dùng (bình quân) | 36-50 |
Bình quân FE Credit | 43,6 |
Bình quân HD Saison | 0-80,9 |
Cầm đồ truyền thống | 180-324 |
Chuỗi cầm đồ | 72-108 |
Với tình trạng chiếc xe của tôi, nếu vay bằng giấy tờ đăng ký, cửa hàng sẽ hỗ trợ vay tối đa 60% giá trị xe, nhưng không quá 30 triệu đồng. Thay vào đó, nếu để chiếc xe ở lại, hạn mức vay có thể nâng lên 45-50 triệu đồng.
Ngoài ra, lãi suất của hai loại hình này cũng khác nhau. Cụ thể, vay bằng đăng ký xe, chi phí tôi phải chịu vào khoảng 2.700 đồng/triệu/ngày (8,1%/tháng). Còn để lại chiếc xe, lãi suất sẽ giảm xuống còn 2.000 đồng/triệu/ngày (6%/tháng).
Nhân viên cũng cho biết số này là toàn bộ chi phí tôi phải chịu khi vay tiền qua hệ thống bao gồm lãi suất cho vay, phí bảo quản tài sản, bảo hiểm…
Ngoài ra, nhân viên cũng tư vấn về điều kiện giải ngân với các loại hình vay thế chấp.
Trong đó, nếu cầm cố đăng ký xe, tôi phải cam kết trả góp tiền gốc và lãi vay trong tối thiểu 12 tháng. Trường hợp tất toán trước hạn, khách phải chịu khoản lãi phạt tương đương 8% khoản vay. Như vậy, với 30 triệu đồng, nếu tất toán trước hạn, tôi phải chịu khoản lãi suất cố định là 2,4 triệu đồng.
Nếu để lại chiếc xe, thời hạn vay tối thiểu là 10 ngày, sau đó có thể tất toán bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, nếu tất toán trước hạn, số tiền lãi tôi phải trả tối thiểu vẫn tính là 10 ngày tiền lãi.
Tạm tính, với khoản vay 50 triệu, lãi 2.000 đồng/triệu/ngày, tổng số tiền lãi tối thiểu tôi phải trả là 1 triệu đồng (vay tối thiểu 10 ngày), tương đương 2% giá trị khoản vay ban đầu. Nếu vay trong vòng 1 tháng, tổng số tiền lãi tôi phải trả là 3 triệu đồng.
“Khi đi, anh mang theo giúp em chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc giấy tờ tạm trú nơi mình đang ở. Các cửa hàng bên em hỗ trợ tới 21h hàng ngày, bất cứ khi nào anh qua có thể vay tiền”, nhân viên tư vấn nói.
Nhân viên này cũng không quên cam kết thời gian giải ngân sẽ không quá 15 phút nếu giấy tờ tài sản pháp lý đầy đủ.
Dễ hơn vay tín dụng đen
Sau một ngày, tôi mang chiếc xe của mình qua cửa hàng cầm đồ gần nhất tại khu vực Cầu Giấy. Do đã liên lạc trước, cửa hàng đã có sẵn thông tin cá nhân của tôi.
Công việc khi đến cửa hàng là kiểm tra tình trạng tài sản, giấy tờ pháp lý. Ngay sau đó, tôi được mời vào làm hợp đồng cho vay, sau 15 phút sẽ nhận tiền ra về. Vẫn với lý do cần thêm thời gian bàn bạc về việc cầm đồ, tôi đề nghị hôm sau quay lại làm hợp đồng.
Sau khi cho biết không còn nhu cầu vay cầm đồ, cửa hàng này cũng không còn liên hệ với khách. |
Trong một ngày sau đó, tôi nhận được thêm khoảng 5 cuộc điện thoại từ cửa hàng cầm đồ này. Khi liên lạc lại, nhân viên cửa hàng cho biết trong trường hợp khách không còn nhu cầu vay nữa, cửa hàng sẽ xóa thông tin hồ sơ vay để không làm phiền khách.
Là một người thường xuyên sử dụng các dịch vụ tài chính cá nhân, đây là điểm tôi rất ấn tượng với chuỗi cầm đồ này. Việc không làm phiền khách sau tư vấn là một dịch vụ mà nhiều công ty tài chính hiện nay không có được.
Dù đã trải nghiệm đủ loại hình tín dụng từ vay ngân hàng, công ty tài chính, thậm chí là tín dụng đen, chưa trải nghiệm nào tôi cảm thấy dễ dàng như đi vay cầm đồ. Tuy nhiên, đây mới là bước đầu tiên trong cả quá trình đi vay cầm đồ và tôi chưa phát sinh các giao dịch vay cũng như việc chậm trả lãi.
So với các loại hình tín dụng phổ biến hiện nay, lãi suất vay cầm đồ vẫn ở mức tương đối cao, xấp xỉ 70-100% tùy tài sản. Ngoài ra, giá trị giải ngân của loại hình này cũng thấp hơn nhiều so với ngân hàng hoặc công ty tài chính.