Sáng nay (1/10), Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức công bố thông tin về tình hình hoạt động 9 tháng từ đầu năm. Theo số liệu từ cơ quan điều hành, đến ngày 24/9, tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đã tăng 8,64% so với cuối năm 2018.
Theo mức tăng này, ngành ngân hàng đã giải ngân thêm hơn 623.000 tỷ đồng ra nền kinh tế từ đầu năm, tương đương hơn 2.300 tỷ đồng mỗi ngày. Ước tính, tổng tín dụng trong nền kinh tế hiện nay vào khoảng hơn 7,834 triệu tỷ đồng. Ngoài ra, số liệu được Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, tăng trưởng huy động vốn từ đầu năm cũng đạt khoảng 9,03%.
Ngành ngân hàng đã giải ngân thêm hơn 623.000 tỷ đồng tín dụng ra nền kinh tế từ đầu năm. Ảnh minh họa: Anh Tuấn. |
Số liệu tăng trưởng tín dụng của NHNN cao hơn so với công bố trước đó của Tổng cục Thống kê về mức tăng trưởng tín dụng 9 tháng là 8,4%. Tuy nhiên, so với kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 14%, tăng trưởng từ đầu năm vẫn còn cách xa số liệu dự tính.
Trong năm nay, NHNN định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%, tín dụng tăng khoảng 14%. Ngoài ra, các số liệu có thể điều chỉnh phù hợp với diễn biến tình hình thực tế.
Đến ngày 24/9, tổng phương tiện thanh toán (M2) đã tăng 8,58% so với cuối năm trước. Trên thị trường ngoại tệ, tỷ giá, xu hướng từ đầu năm NHNN đã mua ròng ngoại tệ để bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Trên cơ sở kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương liên tục cắt giảm lãi suất, từ ngày 16/9, NHNN đã điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế và thanh khoản của hệ thống TCTD. Về cơ bản, mặt bằng lãi suất vẫn duy trì ổn định.
Cơ quan điều hành cũng cho biết đã tập trung tín dụng hướng vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời kiểm soát tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, bất động sản.
Thực tế, từ đầu năm, nhóm 4 ngân hàng quốc doanh gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank đã có 2 đợt cắt giảm lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên.
Về công tác cơ cấu lại các TCTD, hiện nay năng lực tài chính các TCTD đã được củng cố, cải thiện đáng kể, vốn điều lệ tăng dần qua các năm, quy mô hệ thống các TCTD tăng, năng lực quản trị điều hành được cải thiện…
Việc triển khai Nghị quyết 42 đã đạt được một số kết quả, lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 6 năm nay, toàn hệ thống TCTD đã xử lý 224.700 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 6 là 1,9%.
Ngoài ra, trong 7 tháng đầu năm nay, số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet đạt hơn 226 triệu giao dịch với giá trị khoảng 10,9 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 51,8% và 18,3% so với cùng kỳ. Số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động đạt gần 202 triệu giao dịch (tăng 104,9%) với tổng giá trị hơn 2,09 triệu tỷ (tăng 155,3%).