Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tôi đau nỗi đau của người mẹ - nữ thị trưởng nổi lên giữa bạo loạn Mỹ

Trong bối cảnh nhiều thành phố trên nước Mỹ rung chuyển vì các cuộc biểu tình và bạo động, những nữ thị trưởng da đen đang được ca ngợi vì khả năng lãnh đạo và xử lý hỗn loạn.

Thị trưởng Atlanta, bà Keisha Lance Bottoms đã thu hút sự chú ý của toàn nước Mỹ khi phát biểu đề cập đến tình trạng bất ổn tại thành phố của mình, sau cái chết của người da đen George Floyd.

"Tôi là mẹ của bốn đứa trẻ da đen ở Mỹ, một trong số đó đã 18 tuổi. Khi tôi nhìn thấy George Floyd bị giết hại, tôi đau nỗi đau của một người mẹ", bà Bottoms chia sẻ.

Nu thi truong da den o My anh 1

Bà Keisha Lance Bottoms, thị trưởng thành phố Atlanta, gây tiếng vang khi nghiêm khắc với các cảnh sát sử dụng vũ lực quá mức để trấn áp người biểu tình. Ảnh: AP.

Được cộng đồng tin tưởng

Bà Bottoms và một số nữ thị trưởng da đen khác, bao gồm bà Lori Lightfoot của Chicago, đang lãnh đạo những thành phố lớn nhất nước Mỹ trong bối cảnh bạo loạn và biểu tình lan rộng để phải đối sự tàn bạo của cảnh sát, diễn ra ngay trong khi nền kinh tế đang suy thoái vì đại dịch Covid-19.

Higher Heights for America, một tổ chức vận động cho việc nhiều phụ nữ da đen tham gia chính trị hơn, cho biết đang có 7 phụ nữ gốc Phi làm thị trưởng tại 100 thành phố đông dân nhất của Mỹ, so với chỉ một người vào năm 2014.

"Phụ nữ da đen đã luôn luôn lãnh đạo, và chúng tôi luôn là những người bảo vệ gia đình, cộng đồng và đất nước. Vai trò lãnh đạo của chúng tôi phù hợp trong hoàn cảnh này, và những trải nghiệm đặc biệt của họ với tư cách là một phụ nữ da đen, chứ không chỉ là công dân Mỹ, đã hình thành nên sự lãnh đạo đáng tin cậy, có thể đưa đất nước này tiến lên phía trước", bà Glynda Carr, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của tổ chức, nhận định.

Các nữ thị trưởng đều thể hiện một sự liên hệ cá nhân với nạn nhân George Floyd. Bà Lightfoot, nữ thị trưởng da đen đầu tiên của Chicago và là nhà lãnh đạo công khai đồng tính đầu tiên của thành phố, thẳng thắn thừa nhận về lịch sử phân biệt chủng tộc của nước Mỹ, và không đồng tình với những phát của tổng thống Mỹ trên Twitter trong những những ngày gần đây.

"Tôi, một người phụ nữ da đen là mục tiêu của sự phân biệt chủng tộc trắng trợn trong suốt cuộc đời, không thể không cảm thấy bị ảnh hưởng trực tiếp trong vụ George Floyd bị giết. Là người da đen ở Mỹ không nên là một án tử hình", bà Lightfoot chia sẻ.

Câu hỏi được đặt ra vào lúc này là liệu những gì diễn ra có trở thành bệ phóng để các nữ chính trị gia gốc Phi tiến lên cao hơn trên con đường sự nghiệp. Từ trước khi những cuộc biểu tình xuất hiện, bà Bottoms được cho là được đội của ứng viên Joe Biden cân nhắc cho vị trí phó tổng thống trong cuộc bầu cử cuối năm nay.

Nu thi truong da den o My anh 2

Thị trưởng San Francisco London Breed trong lễ tuyên thệ trước thống đốc Gavin Newsom hồi năm 2018. Ảnh: AFP.

Bà Bottoms tiếp tục gây tiếng vang sau khi nhanh chóng sa thải 2 cảnh sát và đình chỉ công tác 3 người khác vì sử dụng vũ lực quá mức trong vụ trấn áp người biểu tình ở thành phố Atlanta.

"Việc sử dụng vũ lực quá mức không bao giờ được chấp nhận", bà nói với các phóng viên.

Nadia Brown, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Purdue, cho biết nghiên cứu của bà phát hiện rằng nhiều lãnh đạo nữ da đen, đặc biệt là trong cộng đồng của họ, thường được coi là những người đáng tin cậy - điều giúp ích cho họ vào thời điểm này.

Phụ nữ da đen ở Mỹ sẽ tiếp tục đấu tranh

Tại Rochester, bang New York, bà Lovely Warren, thị trưởng da đen đầu tiên của thành phố, cho rằng mặc dù phụ nữ gốc Phi đã có những bước tiến nổi bật, họ vẫn phải đối mặt với những thách thức riêng của sự phân biệt chủng tộc và khuôn mẫu.

"Chúng tôi đang cố gắng chống lại một hệ thống được xây dựng để tạo ra những sự chênh lệch, và nó đã tạo ra điều đó qua nhiều thế hệ, khiến chúng tôi phải khắc phục những thiệt hại vì tương lai của con cháu", bà Warren nói.

"Rất nhiều lần chúng tôi bị gán mác là 'những phụ nữ da đen giận dữ' chỉ vì chúng tôi muốn nêu ra những vấn đề ảnh hưởng đến cộng đồng của mình, nhưng chúng tôi được dạy dỗ để chịu trách nhiệm và đối phó với điều đó một cách bình tĩnh", bà Warren nói thêm.

Các nữ thị trưởng da đen khác bao gồm bà London Breed của San Francisco và Muriel Bower của Washington cũng đã được ghi nhận về phản ứng và cách xử lý bất ổn tại cộng đồng của họ.

Bà A'shanti Gholar, chủ tịch của Emerge America, một tổ chức chuyên tuyển dụng và đào tạo phụ nữ đảng Dân chủ để tranh cử, cho biết nhiều phụ nữ da đen đang nắm quyền từng dành nhiều thập kỷ rèn rũa bản thân trong môi trường chính trị địa phương, và điều đó sẽ mở đường cho lớp lãnh đạo kế tiếp.

"Đây là một phong trào mà phụ nữ mở rộng và nắm lấy những vị trí lãnh đạo trên khắp đất nước. Phụ nữ da đen ra ứng cử và chiến thắng, đó không phải là điều bất thường. Họ cũng đang xây dựng và truyền cảm hứng thế hệ kế cận", bà Gholar nhận định.

Nu thi truong da den o My anh 3

Bà Lori Lightfoot là thị trưởng da đen đầu tiên của Chicago, một trong những thành phố đông dân nhất nước Mỹ, bà được ca ngợi trong những nỗ lực chống lại sự lây lan của dịch Covid-19. Ảnh: AP.

Mặc dù đã có những tiến bộ xã hội, nhưng bà Gholar cho rằng còn rất nhiều điều cần phải được thực hiện. Trong lịch sử nước Mỹ, chưa có phụ nữ da đen nào trở thành thống đốc của một bang. Mặc dù chiếm 7,6% dân số, phụ nữ da đen chỉ chiếm 4,3% số thành viên Hạ viện và 1% ở Thượng viện.

"51 năm sau khi Shirley Chisholm trở thành người phụ nữ da đen đầu tiên bước chân vào Quốc hội, chúng ta cần phải thừa nhận rằng 23 triệu phụ nữ da đen ở đất nước này vẫn chưa được đại diện một cách phù hợp, và chưa được phục vụ đúng mức. Vì vậy chúng ta cần tiếp tục đầu tư vào tuyển dụng, đào tạo và hỗ trợ phụ nữ da đen", bà Gholar nói thêm.

Lời ‘gan ruột’ của người đàn ông biểu tình khiến nước Mỹ lay động Đoạn clip về người đàn ông 31 tuổi Curtis Hayes kêu gọi dừng bạo loạn đã gây sốt mạng xã hội. Trong clip, Hayes muốn nhắn gửi thế hệ trẻ phải hành động thật đúng đắn.

Đa số dân Mỹ ủng hộ phong trào biểu tình

Đa số người Mỹ đồng cảm với các cuộc biểu tình chống nạn phân biệt chủng tộc sau cái chết của người Mỹ gốc Phi George Floyd.

Ông Biden quỳ gối ở hiện trường biểu tình đòi công lý cho George Floyd

Cựu phó tổng thống Joe Biden, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ đã tới hiện trường một cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc ở bang Delaware. Ông nói nước Mỹ đang mang nỗi đau.

Sơn Trần

(theo AP)

Bạn có thể quan tâm