Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

REVIEW

'Tôi đánh đổi rất nhiều để dùng màn hình gập trên Galaxy Z Flip'

Ngoài việc có nhiều tiền, người dùng Galaxy Z Flip phải chấp nhận đánh đổi rất nhiều thứ để có thể trải nghiệm công nghệ màn hình gập mới mẻ.


Ngoài việc trả nhiều tiền, người dùng Galaxy Z Flip phải chấp nhận đánh đổi rất nhiều thứ để có thể trải nghiệm công nghệ màn hình cong mới mẻ.

"Wow" là từ đầu tiên tôi thốt lên khi vừa mở hộp Samsung Galaxy Z Flip. Chưa cần biết cấu hình, trải nghiệm sử dụng của nó ra sao, nhưng vẻ ngoài của nó thật sự ấn tượng, lạ mắt và tương lai.

Mức giá của model này là 36 triệu đồng. Nếu so với các smartphone cao cấp khác nó khá đắt. Nhưng thực tế, chuyên trang công nghệ Gizmodo gọi Samsung Galaxy Z Flip là smartphone màn hình gập rẻ nhất thế giới.

Suốt một tiếng đầu tiên mở hộp Z Flip, tôi lặp lại liên tục động tác đóng mở máy. Không phải tôi muốn kiểm chứng độ bền mà do từ lâu rồi mới có một sản phẩm như vậy.

Lần gần nhất tôi có một chiếc điện thoại có thể gập được là 10 năm trước. Vì vậy, Z Flip đem lại cho tôi trải nghiệm vừa quen thuộc của quá khứ, vừa hiện đại của tương lai.

Nhưng sau nửa tháng sử dụng, tôi nhận ra, tôi đánh đổi khá nhiều thứ để có được trải nghiệm mới lạ, sự nổi bật giữa đám đông và chút ít không gian trong túi quần.

danh gia galaxy Z Flip anh 1

Model này tạo cho tôi thói quen sử dụng smartphone mới. Khác với điện thoại dạng thanh thông thường, tôi mất nhiều bước hơn để bắt đầu sử dụng Z Flip.

Việc sử dụng Z Flip từ khi máy còn trong túi của tôi gồm các bước: rút điện thoại ra, xác định mặt trước của máy, dùng hai tay để mở nắp, mở khóa vân tay và sử dụng. Quá phiền với tôi.

Bên cạnh đó, thiết kế trơn bóng của Z Flip cũng khiến tôi nhiều lần suýt rơi gần 40 triệu xuống đất.

Nhờ gập lại được nên Z Flip rất hợp lý để bỏ vào túi quần. Đã lâu rồi mới có một chiếc smartphone nằm gọn trong túi tôi như vậy, lần gần nhất là iPhone SE. Galaxy Z Flip đã hoàn thành sứ mệnh của một chiếc điện thoại màn hình gập, đó là làm cho điện thoại thông minh màn hình lớn gọn gàng hơn.

Chất lượng hiển thị của màn hình Super AMOLED HDR10+ là điều không cần phải lăn tăn. Màu sắc, độ tương phản, chi tiết hiển thị, dải động HDR đều rất tốt.

Nhưng màn hình của máy được giới thiệu với tỷ lệ 22:9, kích thước 6,7 inch. Đồng nghĩa, tôi không thể sử dụng nó bằng một tay.

Thêm nữa, tỷ lệ màn hình mới cũng khiến các video hiển thị tràn viền bị cắt trên Galaxy Z Flip. Đây không chỉ là vấn đề phần mềm mà nó đã là chuẩn.

Trong quá khứ, Galaxy S8 là chiếc smartphone đầu tiên sử dụng tỷ lệ 18,5:9. Mất hơn một năm để các thương hiệu Android khác sử dụng tỷ lệ màn hình này. Như vậy, trong thời gian tới, người dùng Z Flip như tôi phải chờ đợi thêm để có thể khai thác triệt để tỷ lệ màn hình dài này xem video.

Nhưng bù lại, màn hình dài ra sẽ hiển thị nhiều nội dung hơn và đa số ứng dụng đều tự động điều chỉnh theo tỷ lệ 22:9.

Một điểm yếu công nghệ khác là Z Flip không được trang bị màn hình tần số quét cao. Nhưng đây lại là công nghệ tôi mong muốn trải nghiệm nhất năm 2020.

Để hạn chế việc mở điện thoại để xem giờ hay thông báo, Samsung trang bị cho Z Flip một màn hình cảm ứng 1 inch gần camera. Màn hình này xem giờ tốt.

Ngoài ra nó còn hỗ trợ selfie bằng camera sau. Nhưng nó không thể xem thông báo. Màn hình 1 inch này chỉ có thể hiển thị logo mạng xã hội và nhắc tôi mở ra để xem thông báo. Trong thời gian tới, hy vọng Samsung sẽ thay đổi cách xem thông báo trên màn hình này.

Trong khi cả thế giới công nghệ đang theo đuổi camera ống kính tiềm vọng, zoom hàng chục lần, thì Z Flip chỉ có 2 camera.

Gói camera được Samsung chọn cho Z Flip gồm một ống kính góc rộng và một ống kính thường. Cả hai đều có độ phân giải 12 MP. Đây là lựa chọn an toàn. Nhiều hãng trong đó có Apple nhận ra góc rộng sẽ đem lại những bức ảnh ấn tượng và được dùng nhiều hơn tele.

Tuy không có ống kính tele nhưng với thuật toán zoom kỹ thuật số khá tốt, Samsung Z Flip cho chất lượng ảnh zoom 2x tốt. Khả năng zoom số tối đa của máy đạt 8x, đáp ứng đa phần nhu cầu của người dùng. Chất lượng hình ảnh chụp từ Z Flip tương tự model Galaxy S20.

Ngoài ra, nhờ khả năng gập một nửa như laptop, Galaxy Z Flip được giới thiệu có thể chụp ảnh selfie mà không cần chân máy. Đúng là Z Flip có thể làm như vậy, nhưng tôi ít khi sử dụng chân máy để chụp selfie trừ những lúc đi du lịch và không có ai chụp hộ. Những lúc như vậy, tôi vẫn chọn chân máy hoặc gậy selfie thay vì để điện thoại xuống đất như những mẫu quảng cáo của Samsung.

Là smartphone ra mắt đầu năm 2020 nhưng máy chỉ trang bị chip xử lý Snapdragon S855+ của năm 2019.

Ngoài ra, Z Flip còn được trang bị RAM 8 GB, bộ nhớ trong 256 GB. Khả năng lưu trữ này đủ để bù đắp việc máy không có khe thẻ nhớ ngoài.

Tôi không muốn bàn quá nhiều về cấu hình của Galaxy Z Flip bởi tôi sẽ không dùng nó để chơi game. Nhưng tôi khẳng định nó đủ sức cân tất cả những tựa game di động nặng nhất trên thị trường.

Giống với các model cao cấp khác của Samsung, Z Flip trang bị loa âm thanh vòm được tùy biến bởi AKG. Âm thanh trên Galaxy Z Flip trầm ấm, rõ ràng hơn đa số smartphone cao cấp trên thị trường.

Bù lại, thời lượng pin của Galaxy Z Flip chỉ đạt 3.300 mAh, tạm ổn chứ không thoải mái. Công nghệ sạc nhanh của máy cũng dừng lại mức 15 W.

Samsung cam kết Galaxy Z Flip có thể đóng mở 200.000 lần. Nếu mỗi ngày đóng mở máy 100 lần, tôi có một chiếc smartphone độ bền 5 năm. Nỗi lo hư hỏng cơ chế gập của máy trong tôi không tồn tại.

Điều khiến tôi cảm thấy chiếc máy này mỏng manh là việc nó không được trang bị chống nước và bụi bẩn. Một thời gian dài smartphone cao cấp đã không trang bị chống nước.

Nhưng đó là thời chúng chỉ có giá dưới 1.000 USD. Với Z Flip, mức giá 1.500 USD khiến người dùng luôn cảm thấy hồi hộp khi sử dụng. Bởi chẳng may máy rơi vào một vũng nước nhỏ hay đặt trên bàn cùng ly cà phê đang tan đá, có thể Z Flip sẽ hư.

Nhiều người quan tâm tới nếp gấp nằm giữa màn hình của Galaxy Z Flip. Cá nhân tôi từng trải nghiệm Galaxy Fold và thấy nếp gấp này không còn là vấn đề nữa. Nó đã được cải thiện rất hơn nhiều. Tôi không cảm thấy khó chịu và chấp nhận đây là một phần phải có nếu muốn sử dụng điện thoại màn hình gập. Điều này như thể mũi bạn xuất hiện trong mọi góc nhìn của mắt nhưng não đã tự động bỏ qua.

Trong khi các thiết bị khác đã được trang bị cảm biến vân tay trong màn hình, Z Flip vẫn sử dụng nút nguồn làm nơi đặt cảm biến. Chính điều này khiến nút nguồn lõm xuống. Tôi không thể bấm tổ hợp giảm âm lượng + nguồn để chụp màn hình như những chiếc điện thoại khác bằng ngón cái tay phải.

Bên cạnh đó, để có thể gặp lại được, Samsung đã phải thiết kế khung sườn "hai mảnh" mới cho Z Flip. Ở mặt lưng, Z Flip tuy bị chia cắt thành nhiều phần nhưng cảm giác cầm vẫn liền mạch. Nhưng ở mặt trước, trải nghiệm vuốt chạm trên Z Flip không thể làm tôi hài lòng. Không còn màn hình tràn viền, mặt trước của Z Flip là phần khung lồi lên. Khu vực gần khớp bản lề khiến tôi không thể vuốt vào được vì nó khá sắc. Hai góc bên dưới có thêm đệm cao su nhô lên ảnh hưởng lớn đến thao tác gọi trợ lý ảo.

Năm nay, Samsung đã cung cấp thêm tùy chọn điều hướng mới mà tôi đã trông đợi từ lâu. Vuốt giữ từ dưới lên để mở đa nhiệm, vuốt hai cạnh bên vào trong để quay lại. Nhưng đáng buồn là Z Flip vuốt từ hai bên vào giữa bị vướng viền. Sau hai tuần sử dụng tôi vẫn chưa thành thạo thao tác vuốt này.

Cuối cùng, để đổi lại sự bóng bẩy cho mặt kính gương, Galaxy Z Flip rất bám mồ hôi tay. Khi bám vân tay rồi, việc vệ sinh cũng khó khăn bởi máy được ghép lại từ nhiều mảnh, lau chỗ này, chỗ khác lại bẩn.

Với tôi, mức giá 36 triệu đồng cho Z Flip là chấp nhận được. Những công nghệ thiếu hụt trên Z Flip đều có trên Galaxy S20 Ultra. Model Ultra dòng S20 có giá đến 30 triệu đồng. Nếu đem tất cả công nghệ đó trang bị cho Z Flip, mẫu điện thoại nắp gập này phải có giá ngoài 80 triệu. Việc đưa tất cả công nghệ lên một không gian mỏng, hẹp và gập được không phải là chuyện đơn giản

Zing.vn

Host: Xuân Tiến
Concept: Phan Nhật
Video: Bảo Quyên - Thiên Tâm
Design: Minh Hồng

Bạn có thể quan tâm