Theo AP, nguyên nhân khiến 21 VĐV tử nạn là do thời tiết thay đổi đột ngột. Ngay trước giờ xuất phát, cơn dông lớn bất ngờ tới, khiến bầu trời tối sầm, gió giật mạnh và nhiệt độ hạ xuống nhanh chóng. Các VĐV gặp nạn khi thân nhiệt bị hạ đột ngột.
Một VĐV thoát chết kể lại chi tiết cuộc đua và thu hút hơn 100.000 lượt theo dõi. VĐV này nhấn mạnh thời tiết tốt vào buổi sáng ngày diễn ra cuộc đua, nhưng việc cơn dông tới bất ngờ khiến tất cả VĐV đều không kịp trở tay.
Các VĐV đều không gửi quần áo ấm tại nơi xuất phát mà chọn các điểm checkpoint (CP - điểm tiếp nước, đồ ăn, quần áo - PV) theo lịch trình tính toán trước. Như lời kể lại của VĐV này, anh gửi quần áo ấm ở checkpoint số 6, tức khoảng 60 km. Vì vậy, các VĐV đều bắt đầu chạy với trang phục ngắn như quần đùi, áo ngắn tay, trong bối cảnh nhiệt độ xuống thấp.
Các VĐV bắt đầu cuộc đua với trang phục quần áo khá ngắn, thích hợp với thời tiết nắng ấm. Ảnh: Weibo. |
"Bình thường tôi sẽ chạy khoảng 2 km để làm ấm người, nhưng với thời tiết đó, tôi không thể nào làm ấm được", VĐV này kể lại.
"Mọi việc bắt đầu rắc rối từ sau CP2, khi mưa rơi nặng hạt và hầu hết VĐV đều đã thoát khỏi khu rừng. Mưa bị gió cuốn bắn vào mắt khiến các VĐV không nhìn thấy gì, ngay cả khi đeo kính. Đây cũng là đoạn đường khó khăn nhất khi kéo dài 8 km với cao độ lên tới 1.000 m. Khi leo lên đến đỉnh, không hề có nước, đồ ăn hay cả chỗ đứng nghỉ. Các VĐV thậm chí không thể bỏ cuộc tại đây, điều duy nhất họ có thể làm là leo xuống để tới CP4".
Theo VĐV này, những tai nạn đa số tới từ khoảng thời gian tại CP3 vì gió giật rất mạnh, thân nhiệt giảm nhanh do trời mưa quá to. "Khi leo gần đến CP3, tôi thấy nhiều VĐV khác bỏ cuộc vào leo xuống. Họ nói mình không thể chịu đựng được nữa", VĐV này kể lại.
Mỗi VĐV sẽ đóng 1.000 tệ để tham dự cuộc đua này. Nếu hoàn thành, họ sẽ nhận về 1.600 tệ, lãi 600 tệ. "Tôi nhìn các VĐV bỏ cuộc và nghĩ: Đây là cách các người bỏ phí 1.600 tệ sao?. Đến giờ tôi chỉ muốn tát chính mình khi nghĩ lại", SCMP dẫn lời VĐV sống sót.
"Sau cùng, tôi quyết định DNF (bỏ cuộc). Tôi chỉ có một ý nghĩ, mình không thể chết ở đây được. Tôi thấy mình may mắn vì đưa ra quyết định bỏ cuộc vào đúng lúc cảm thấy thân nhiệt bắt đầu hạ. Lẽ ra tôi phải DNF sớm hơn chút nữa. Tôi lấy ngón tay cho vào miệng để làm ấm nhưng hóa ra lưỡi của tôi cũng đã tê cóng. Tôi quá ỉ vào kinh nghiệm bản thân nên không biết khi hạ thân nhiệt, thì nhiệt độ cơ thể sẽ chỉ liên tục hạ xuống rất nhanh và cũng nhanh chóng đe doạ tính mạng".
21 VĐV thiệt mạng dù đội ngũ cứu hộ đã lùng sục cả đêm. Ảnh: Weibo. |
Khi bỏ cuộc về tới lều, VĐV này tiết lộ nhiều người bất chấp thời tiết để tiếp tục cuộc đua đã bị ngã. Có 1 VĐV 60 tuổi thậm chí ngất trên núi, cần đội ngũ hỗ trợ cứu khẩn cấp. Những VĐV đi xuống dù muốn cứu cũng không thể vì đã kiệt sức.
Ma Shuzi, một nữ VĐV sống sót, chia sẻ: "Điều rút ra được từ cuộc đua này là phải sống sót".
Hàng trăm cảnh sát đã lên núi để giải cứu các VĐV bị mắc kẹt từ trưa, nhưng phải tới 16h, cuộc đua mới chính thức bị hủy. Nhiều VĐV hàng đầu trong giới chạy bộ tại Trung Quốc được ghi nhận
VĐV marathon nổi tiếng của Trung Quốc, Liang Jing, thiệt mạng trong cuộc đua thảm khốc này. Huang Guanjun, VĐV khiếm thính giành chiến thắng trong cuộc thi marathon cho người khiếm thính tại Thế vận hội Paralympic 2019 được tổ chức ở Thiên Tân, cũng chung số phận với Liang Jing.
Thị trưởng thành phố Baiyin, Zhang Xuchen, cùng nhiều quan chức khác, cúi đầu xin lỗi: "Là người tổ chức sự kiện, chúng tôi cảm thấy có lỗi và tự trách bản thân sâu sắc, bày tỏ lòng thương tiếc sâu sắc đối với các nạn nhân và gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình họ và những người bị thương".
"Nhà chức trách tỉnh đã thành lập một nhóm điều tra để tìm hiểu nguyên nhân vụ việc", ông Zhang nói. Theo Yahoo, các cuộc gọi liên tục đến thành phố Bạch Ngân đều không được trả lời.