Chỉ trong hai tuần, các trường hợp gian lận liên tục bị phát hiện ở hai giải chạy marathon tầm cỡ là Tiền Phong Marathon (TPM) và Hồ Chí Minh International Marathon (HCMIM)
Tình trạng này đặt ra câu hỏi báo động: Vì sao chúng lại diễn ra với tần suất dày đặc như vậy, và làm cách nào để tình trạng này chấm dứt?
Mấu chốt gian lận
Cả hai trường hợp gian lận ở TPM và HCMIM đều tới từ các VĐV chạy phong trào và có chung công thức: VĐV nữ lấy kết quả của VĐV nam chạy hộ để nhận giải.
Giải thưởng ở đây chỉ ở mức vài triệu đồng cùng kỷ niệm chương. Về cơ bản, đây không phải giá trị lớn về mặt vật chất. Tuy nhiên lại đặc biệt lớn về mặt tinh thần với các chân chạy phong trào. Đằng sau chênh lệch 1 phút ở thành tích tổng ở cuộc đua đôi khi là hàng trăm giờ tập luyện miệt mài.
Phần chip của bib chạy hoàn toàn có thể bị tháo ra để phục vụ hành vi gian lận. Ảnh: V.N. |
Nhờ người chạy hộ và nhận thành tích về mình vì vậy là hành động không thể chấp nhận trong cộng đồng chạy phong trào.
Ở TPM, VĐV nữ nhờ VĐV nam chạy hộ đeo bib để lấy thành tích về nhất. Ở HCMIM, VĐV nữ không xuất hiện trên đường chạy, nhưng thành tích trùng khớp hoàn toàn với một VĐV nam, và về nhì.
Bib chạy trong các giải marathon ngoài giấy ghi số thứ tự còn bao gồm một con chip gắn với hệ thống định vị của ban tổ chức. Các hành vi gian lận nằm cả ở con chip này. Chỉ cần tháo chip đưa cho người khác chạy, thành tích nghiễm nhiên được sao chép toàn bộ.
Kiểm soát việc trao đổi bib chạy hay chip không đơn giản với BTC. Trung bình một giải chạy lớn lúc này thu hút trên dưới 10.000 VĐV, và không thể kỳ vọng BTC kiểm soát từng người. Nhiều giải chạy làm chặt ở khâu nhận bib để tránh tình trạng một người nhận hộ nhiều người, song nếu hành vi gian lận diễn ra sau khi VĐV nhận bib, quá khó để BTC kiểm soát.
Muôn kiểu "chạy hộ"
Xét về bản chất, chỉ cần VĐV chạy với bib không đúng tên mình đã có thể xem là "chạy hộ", và "chạy hộ" là có thể xem như gian lận. Song với đặc thù tổ chức giải marathon, đánh giá về việc "chạy hộ" có nhiều khúc mắc.
Sở dĩ việc VĐV chạy với bib không đúng tên xảy ra thường xuyên vì không phải lúc nào người mua bib chạy cũng hoàn thành đúng kế hoạch chạy như toan tính ban đầu.
Các giải chạy marathon bùng nổ về quy mô và số lượng trong nhiều năm qua. Ảnh: HCMIM. |
Đặc thù của các giải chạy marathon là mở vé bán sớm trước ngày chạy nhiều tháng (Super early bird/early bird). Ở giai đoạn này, các VĐV có thể mua bib chạy với giá rẻ từ ban tổ chức. Tuy nhiên, đến sát ngày thi đấu, nhiều VĐV chọn cách bán bib hồi vốn vì nhiều lý do khác nhau (bận việc, chấn thương, tập luyện không đủ...).
Nhu cầu mua lại bib để chạy lúc này cũng cao khi các VĐV muốn tham gia tranh tài nhưng không kịp mua bib vì BTC đã dừng bán. Các VĐV mua lại "bib rụng" thường không kịp đổi tên. Đa phần cũng không cần. Họ chỉ muốn đảm bảo nhu cầu tối thiểu - được tham gia giải chạy - thay vì đua tranh các vị trí đầu để nhận thưởng như các trường hợp gian lận tại TPM và HCMIM.
Vậy các trường hợp mua lại bib rụng để tham dự giải chạy liệu có thể xem là gian lận? Chia sẻ với Zing sau trường hợp gian lận ở giải TPM hồi cuối tháng 3, anh Phạm Duy Cường, người sáng lập Cộng đồng chạy bộ (R4S), và từng có kinh nghiệm tổ chức nhiều giải chạy ở khu vực phía Bắc nhấn mạnh:
"Những VĐV mua bib rụng nghĩ một cách dễ dàng là: 'Tôi mua bib chạy thì có quyền'. Nhưng hệ quả kéo theo là gì? Một mặt, họ đã sử dụng tên của người khác. Giả sử người mua là VĐV nam, chạy tốt, mua lại bib của VĐV nữ tuổi cao. Chỉ cần chạy bình thường là họ đã thắng các VĐV nữ. Dù không lên nhận giải, nhưng họ đã trám vào vị trí của những người đáng lẽ được nhận. Đấy là điều rất dở.
"Ngoài ra, nếu sốc nhiệt hoặc gặp tai nạn trên đường chạy, ban tổ chức sẽ không thể xác định danh tính để hỗ trợ. Đó là những rào cản mà BTC gặp phải với các VĐV mua bib rụng".
Giải pháp
Nói về việc các runner chạy bằng "bib rụng", đại diện ban tổ chức HCMIM chia sẻ với Zing: "Chúng tôi luôn xác định với các VĐV rằng phải chạy bằng bib chính chủ. Ban tổ chức cũng có nhiều cách xác định sự chính xác của các VĐV đứng bục nhận giải. Chúng tôi sẽ yêu cầu xuất trình thẻ căn cước, kiểm tra kỹ chip gắn trên bib, đồng thời kiểm tra ảnh ở trên đường chạy có khớp với mặt lúc nhận giải hay không".
Anh Cường cũng khẳng định để hạn chế tình trạng gian lận trong các cuộc thi chạy marathon, BTC cần bố trí lực lượng trọng tài sát sao hơn để ngăn chặn tình trạng gian lận. Việc cộng đồng phản biện cũng là cách để những VĐV có ý định gian lận phải e sợ.
Phong trào chạy bộ rất phát triển thời gian qua. Ảnh: HCMIM. |
Với chi phí ít, nhưng thu lại hiệu quả cao về sức khỏe lẫn tinh thần, chạy bộ tự tạo ra cộng đồng lớn mạnh từng ngày. Các giải chạy vì vậy cũng xuất hiện để đáp ứng nhu cầu thi đấu, thử sức của những chân chạy nghiệp dư.
Thu hút nhà tài trợ thông qua giải chạy không khó, và nhiều đơn vị lớn đã làm điều này suốt nhiều năm qua. Hồi tháng 2/2021, một đơn vị định tổ chức giải chạy chia sẻ với Zing để đặt được suất tổ chức ở khu vực quanh Hồ Gươm là không thể, vì đã được đặt kín tới hết năm 2021.
Phong trào chạy bộ phát triển mạnh khiến nhiều người chạy theo xu hướng, và coi các giải chạy như nơi để đánh bóng tên tuổi. Tư tưởng và các hành vi gian lận cũng xuất phát từ đây.
Các VĐV này thực tế nhận thức sai lệch ý nghĩa của chạy bộ. Đây là môn thể thao dễ tập luyện, đòi hỏi ít công cụ, nhưng giá trị tuyệt đối nằm ở ý chí của người chạy. Không nỗ lực trong chạy bộ đồng nghĩa với thất bại.
"Ý thức của các VĐV cần được cải thiện. Nếu đặt nặng về thành tích và chạy vì hư danh, mọi việc có thể bị phát hiện bất kỳ lúc nào. Công nghệ bây giờ phát triển, và các giải chạy cũng nhận được nhiều quan tâm. Những VĐV đứng trên bục cao phải thật sự có tài năng. Các VĐV gian lận sớm muộn cũng sẽ bị phát giác", anh Cường nhấn mạnh.
Cuối cùng, xử phạt nặng những VĐV gian lận là cách mạnh mẽ nhất để cảnh báo tới những VĐV có ý định tương tự. Tháng 4/2019, một VĐV của Trung Quốc đã đưa bib chạy của mình cho một VĐV khác tại Boston Marathon, giải chạy uy tín bậc nhất thế giới.
Hành vi gian lận bị phát hiện, và VĐV này sau đó bị cấm thi đấu vĩnh viễn ở mọi giải chạy. Hiệp hội điền kinh Trung Quốc (CAA) tuyên bố sẽ loại bỏ tận gốc các vụ gian lận để tránh mang tiếng xấu cho quốc gia. Xinhua nhấn mạnh CAA sẽ tiếp tục trừng phạt cực nặng các hành vi gian lận để "xây dựng một cộng đồng chạy bộ lành mạnh".
TPM đã làm tốt điều này khi tước huy chương, hủy thành tích và cấm tham dự giải vĩnh viễn với cả hai VĐV gian lận. Với HCMIM, chỉ VĐV nữ gian lận bị hủy kết quả. Thành tích của VĐV nam vẫn được giữ nguyên. Điều này đang gây nhức nhối trong cộng đồng.
Chưa biết hướng xử lý chính thức của HCMIM sẽ là gì với hai trường hợp gian lận này, song chỉ có trừng phạt thật nặng để răn đe, các giải chạy marathon mới được trả lại sự công bằng và văn minh vốn có.