Xiaomi ghi nhận tình trạng tăng trưởng chậm lại trong quý III. Đây là giai đoạn có mức doanh thu tăng thấp nhất của công ty Trung Quốc tính từ đầu năm. Nguyên nhân sự sụt giảm đến từ việc thiếu chip bán dẫn, gây đứt đoạn chuỗi cung ứng linh kiện.
Bên cạnh đó, dòng iPhone 13 vừa ra mắt của Apple cũng ảnh hưởng doanh số bán máy Xiaomi.
Cổ phiếu của nhà sản xuất điện thoại thông minh số một Trung Quốc giảm hơn 5% giá trị, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2020. Điều này phản ánh mối lo ngại từ thị trường với tình hình kinh doanh của công ty trong giai đoạn thiếu chip bán dẫn.
Mức tăng trưởng thấp nhất từ đầu năm
Xiaomi dự kiến tình trạng khan hiếm linh kiện sẽ kéo dài sang năm 2022. Công ty kỳ vọng vấn đề này sớm được giải quyết vào nửa cuối năm sau. Dù thiếu chip, nhà sản xuất này vẫn dự kiến bán ra 190 triệu điện thoại trong 2021, tăng khoảng 29% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng này có được nhờ hãng mở rộng sự hiện diện ở nhiều thị trường mới.
Trong quý III, doanh thu của Xiaomi chỉ tăng 8%, đạt 78 tỷ nhân dân tệ (khoảng 12,2 tỷ USD), thấp nhất từ quý II/2020. Công ty cũng ghi nhận mức lợi nhuận ròng giảm mạnh 84%, còn khoảng 788,6 triệu nhân dân tệ.
Lợi nhuận của Xiaomi giảm mạnh trong quý III. Ảnh: Bloomberg. |
“Chúng tôi phải đối mặt với áp lực lớn trong quý III do tình trạng thiếu chip toàn cầu. Vấn đề này sẽ tiếp diễn trong quý IV, nhưng dần cải thiện ở năm 2022”, ông Wang Xiang, Chủ tịch Xiaomi Corp. cho biết.
Xiaomi đã mất hơn 1/3 doanh số trong năm nay bởi các vấn đề về chuỗi cung ứng và đại dịch Covid-19 tại những thị trường quan trọng. Trước khi bị khủng hoảng chip ảnh hưởng, công ty đã vươn lên vị trí thương hiệu smartphone lớn thứ 2 thế giới vào quý II.
Theo dữ liệu của công ty International Data Corp, lượng máy xuất xưởng của các thương hiệu Trung Quốc đã giảm 4,6%. Trong khi trước đó, mức tăng trưởng hàng quý luôn ở mức hai chữ số. Đồng thời, doanh số từ Apple tăng 21% sau khi phát hành iPhone mới cũng ảnh hưởng tiêu cực đến những thương hiệu của đất nước tỷ dân.
“Chuỗi cung ứng và thiếu hụt linh kiện cuối cùng đã lan đến thị trường di động. Trước đó, mảng smartphone gần như miễn nhiễm với vấn đề này”, nhà phân tích Nabila Popal của IDC viết trong một báo cáo.
Những kế hoạch mới của Xiaomi
Ngay tại thị trường Trung Quốc, Xiaomi phải đối mặt với những áp lực mới. Honor, thương hiệu con của Huawei đã nối lại việc kinh doanh với các công ty Mỹ. Smartphone của nhà sản xuất này được trang bị chip Qualcomm và chạy Android đầy đủ từ Google.
Thương hiệu này hướng đến tệp khách hàng tương tự Xiaomi và có hệ thống phân phối rộng khắp Trung Quốc. “Hạt gạo nhỏ” đang lên kế hoạch mở 20.000 cửa hàng mới để chống lại sự bành trướng của các đối thủ.
Honor trở lại thị trường, gây áp lực lên vị trí của Xiaomi. Ảnh: Brumpost. |
“Cạnh tranh từ Honor, giá linh kiện tăng và tình hình đi xuống kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của Xiaomi. Tuy nhiên, công ty vẫn dự kiến sẽ phát triển nhanh hơn mức chung của thị trường, bán ra 220 triệu máy trong năm 2022”, nhà phân tích Andre Lin và Arthur Lai của Citigroup viết trong báo cáo.
Doanh thu ổn định từ mảng smartphone là chìa khóa để Lei Jun, đồng sáng lập Xiaomi hiện thực hóa tham vọng xe điện của mình. Công ty có kế hoạch sản xuất loạt xe điện đầu tiên vào năm 2024. Lei Jun cho biết nhà máy xe điện của Xiaomi sẽ đặt ở Bắc Kinh.
Nhà sản xuất này đã cam kết đầu tư 10 tỷ USD vào lĩnh vực xe điện trong 10 năm tới. Công ty sẽ phải cạnh tranh với Tesla và những thương hiệu nội địa như Nio và Xpeng.