Chia sẻ với Zing, đại diện một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) cho biết hiện trong các tuyến cáp quang biển tại Việt Nam, chỉ còn tuyến AAG đang gặp lỗi và chưa khắc phục xong.
Theo lịch từ đơn vị quản lý cáp quang, đến ngày 17/7 tàu sửa chữa sẽ khắc phục lỗi của tuyến AAG. Lúc đó, dịch vụ Internet tại Việt Nam sẽ trở lại bình thường.
Việc sửa chữa cáp quang thường kéo dài nhiều tuần, do vị trí gặp lỗi cách xa bờ biển hàng trăm km. Ảnh minh họa. |
"Dự kiến ngày 17/7, đơn vị quản lý cáp quang sẽ hoàn tất việc sửa chữa tuyến cáp AAG. Khi đó, tốc độ truy cập quốc tế sẽ trở lại bình thường", đại diện ISP này cho biết.
Sự cố trên tuyến cáp AAG được phát hiện vào ngày 22/6, ở vị trí cách trạm cập bờ Vũng Tàu khoảng 102 km. Sự cố này làm ảnh hưởng tới 15% tổng dung lượng kết nối từ Việt Nam đi quốc tế hướng Singapore và Hong Kong.
Việc sửa chữa tuyến cáp AAG được thực hiện từ ngày 2/7, tuy nhiên trong quá trình này đơn vị quản lý tuyến cáp lại phát hiện thêm lỗi. Do vậy, thời gian hoàn tất sửa chữa phải kéo dài thêm 10 ngày, tới 17/7.
Vào sáng 12/7, việc sửa lỗi tuyến cáp AAE-1 cũng đã hoàn tất. Lỗi đứt sợi trên tuyến AAE-1 được phát hiện vào ngày 25/5, dự kiến sửa xong vào ngày 13/7.
Việc sửa chữa đã hoàn tất sớm một ngày. Toàn bộ lưu lượng qua tuyến cáp AAE-1 đã được khôi phục.
AAG và AAE-1 là 2 tuyến cáp quan trọng để kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế. Vào tháng 6, ngoài 2 tuyến cáp trên thì tuyến APG cũng gặp sự cố, gây ảnh hưởng lớn tới tốc độ truy cập các website và dịch vụ nước ngoài.
Tuyến APG có sự tham gia đầu tư của 4 nhà mạng Việt Nam là VNPT, Viettel, FPT và CMC, đi vào hoạt động từ tháng 12/2016. Với băng thông tối đa tới 54 Tbps, chiều dài 10.400 km, tuyến APG đi qua nhiều điểm cập bờ châu Á như Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Trong khi đó, tuyến AAE-1 đi vào hoạt động từ tháng 7/2017, với chiều dài 25.000 km và tổng dung lượng 40Tb/s. Tuyến cáp này có vai trò nâng cao chất lượng hướng châu Âu, Trung Đông cũng như cung cấp bổ sung thêm dung lượng và dự phòng tới hướng kết nối đi HongKong, Singapore.