Hơn một tháng kể từ khi các quan chức Mỹ và Hàn Quốc thông báo Bình Nhưỡng đã sẵn sàng thử hạt nhân lần 6 và gần 2 tuần sau khi giới phân tích nói bãi thử hạt nhân duy nhất của Triều Tiên, Punggye-ri, đã "sẵn sàng", vẫn chưa có vụ nổ nào xảy ra.
Sau mỗi cuộc thử nghiệm, Triều Tiên lại tiến gần hơn tới mục tiêu phát triển vũ khí hạt nhân đủ nhỏ để gắn lên tên lửa có tầm bắn tới Mỹ. Vậy tại sao Bình Nhưỡng vẫn chưa tiến hành vụ thử hạt nhân lần 6?
Nước đi thận trọng trong cuộc chơi dài
Triều Tiên tiến hành các vụ thử hạt nhân nhằm đạt được cả những mục đích về kỹ thuật cũng như chính trị, củng cố quyền lực của chính quyền và gửi đi thông điệp cứng rắn tới các đối thủ của Bình Nhưỡng ở bên ngoài.
Giới phân tích nhận định rằng nhiều khả năng sau khi cân nhắc những yếu tố lợi hại, giới chức Bình Nhưỡng quyết định không thực hiện một bước đi được đánh giá là không cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
"Chắc chắn Triều Tiên sẽ thử hạt nhân lần 6 vào một thời điểm nào đó. Nhưng họ buộc phải tính toán thời điểm một cách rất thận trọng và cân nhắc nhiều yếu tố", Jean Lee chuyên gia về Triều Tiên thuộc trung tâm Wilson, Mỹ, nói với CNN.
Ông Lee cho rằng những cuộc thử nghiệm của Triều Tiên thường diễn ra theo chu kỳ và rơi vào những ngày lễ quan trọng của đất nước nhằm tận dụng triệt để tinh thần dân tộc dâng cao trong dân chúng hoặc được tính toán để làm nổi bật một vấn đề địa chính trị.
Ảnh vệ tinh chụp các hoạt động quanh điểm thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên cho thấy bãi thử này đã "sẵn sàng" cho một vụ thử. Ảnh: 38North. |
Gần đây nhất, Triều Tiên tiến hành thử tên lửa vào 16/4, một ngày sau Tết Thái Dương kỷ niệm ngày sinh của lãnh tụ Kim Nhật Thành. Sau khi Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ, Bình Nhưỡng bắn thử quả tên lửa đầu tiên khi ông và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gặp nhau vào tháng hai.
Mặc dù vậy, vào ngày thành lập quân đội 25/4, nước này chỉ tổ chức tập trận pháo binh quy mô lớn chứ không thử hạt nhân như dư luận quốc tế lo ngại. Các chuyên gia dự đoán nhiều khả năng Bình Nhưỡng sẽ tiến hành thử hạt nhân vào ngày lễ quan trọng tiếp theo là ngày kỉ niệm Chiến tranh Triều Tiên vào 25/6.
"Vào những mốc sự kiện quan trọng này, Triều Tiên có thể điều chỉnh tình hình lên xuống theo cách mà họ muốn", giáo sư John Delury thuộc trường Nghiên cứu quốc tế Yonsei, Seoul, Hàn Quốc, đánh giá.
Theo ông Delury, Bình Nhưỡng nhận thức được rằng thế giới đang dõi theo họ, từ đó điều chỉnh phản ứng theo cách phù hợp với lợi ích của mình.
"Triều Tiên không bắt buộc phải thử hạt nhân vào ngày cố định nào đó, họ có thể đợi tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ (đang hướng tới bán đảo Triều Tiên) rời đi và tiến hành thử ngay sau đó", ông Delury phân tích.
Các nhà phân tích cho rằng tất cả những điều này nằm trong tính toán của Triều Tiên đối với một cuộc chơi dài với các đối thủ. Bằng cách đặt bãi thử hạt nhân trong trạng thái sẵn sàng và liên tục trì hoãn, Bình Nhưỡng đang khiến thế giới phải sống trong tâm trạng lo lắng và bất an. "Triều Tiên đã đạt được một phần mục đích là thu hút sự chú ý của Donald Trump và các lãnh đạo thế giới", ông Jean Lee nhận định.
Triều Tiên đến nay đã tiến hành 5 vụ thử hạt nhân, trong đó cuộc thử nghiệm vào tháng 9/2016 có sức công phá mạnh nhất. Đồ họa: CNN. |
Chiêu bài mặc cả
Chuyên gia Tong Zhao thuộc Trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh cho rằng sau 5 lần thử nghiệm, Triều Tiên đã có khả năng thu nhỏ vũ khí hạt nhân để gắn lên tên lửa.
Các cuộc thử nghiệm tiếp theo chỉ được thực hiện với mục đích tăng cường sức mạnh hủy diệt và không còn quan trọng với mục tiêu cuối cùng của Triều Tiên là bằng mọi cách sở hữu một vũ khí hạt nhân có thể tấn công lục địa Mỹ.
Bản thân Triều Tiên cũng tuyên bố đã làm được điều này. Một loạt hình ảnh được công bố vào tháng 3 /2016 cho thấy lãnh đạo Kim Jong Un đang kiểm tra những thiết bị được cho là là vũ khí hạt nhân thu nhỏ, khiến giới phân tích quốc tế tỏ ra quan ngại về năng lực hạt nhân thực sự của nước này.
Hình ảnh hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên được công bố hồi tháng 3 /2016 cho thấy ông Kim Jong Un đang kiểm tra những thiết bị được cho là là vũ khí hạt nhân thu nhỏ. Ảnh: KCNA. |
"Sức hủy diệt lớn hơn không làm tăng khả năng răn đe hạt nhân hiện có. Điều đó có nghĩa Triều Tiên có thể hoãn hoặc hủy các cuộc thử nghiệm hạt nhân tiếp theo và sử dụng chúng như công cụ thương lượng tiềm năng với chính quyền của Tổng thống Donald Trump", ông Zhao đánh giá.
Sức ép quốc tế có tác dụng?
Các chuyên gia nhận định áp lực từ Mỹ và Trung Quốc cũng có thể là nhân tố khiến Triều Tiên đến nay vẫn chưa tiến hành thử hạt nhân lần 6, cho dù khả năng này là tương đối thấp.
Trung Quốc, đồng minh và nhà tài trợ kinh tế quan trọng nhất của Triều Tiên, gần đây dường như đã mất kiên nhẫn với các hành vi gây bất ổn của người láng giềng. Nếu Bắc Kinh muốn mạnh tay với Bình Nhưỡng bằng các biện pháp mạnh tay như ngừng xuất khẩu dầu thì nền kinh tế Triều Tiên có thể lao dốc nghiêm trọng.
Về phía Mỹ, Tổng thống Trump và chính quyền của ông từng nhiều lần tuyên bố đang cân nhắc mọi biện pháp, bao gồm cả hành động quân sự để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Triều Tiên. Mỹ cũng điều cụm tàu sân bay tấn công và tàu ngầm hạt nhân đến khu vực để phô diễn sức mạnh và gửi thông điệp ngầm đến Bình Nhưỡng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay trên bàn ăn tối ở Florida , trong chuyến thăm của ông Tập tới Mỹ ngày 6/4. Ảnh: Reuters. |
Cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ William J. Perry đánh giá rằng trong trường hợp ông Kim Jong Un tin tổng thống Mỹ đang thực sự nghiêm túc khi đề cập đến biện pháp quân sự, lãnh đạo Triều Tiên chắc chắn sẽ lựa chọn phương thức đàm phán như ông nội của mình vào năm 1994.
"Nghịch lý là tình trạng căng thẳng cực độ như hiện nay lại tạo điều kiện giúp các biện pháp ngoại giao có thể phát huy tác dụng", ông Perry phân tích.