Tuyên bố của Ngoại trưởng Rex Tillerson, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis và Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats ngày 26/4 miêu tả vấn đề Triều Tiên là "mối đe dọa khẩn cấp đến an ninh quốc gia và ưu tiên số 1 trong chính sách đối ngoại". Tuy nhiên, chính quyền Mỹ vẫn bày tỏ mong muốn được giải quyết vấn đề thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế và áp lực ngoại giao thay vì quân sự.
Tuyên bố được đưa ra sau một phiên họp bất thường về Triều Tiên do Nhà Trắng chủ trì và triệu tập tất cả các thượng nghị sĩ đến nghe.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un theo dõi cuộc tập trận nhằm kỷ niệm 85 năm ngày thành lập quân đội Triều Tiên hôm 26/4. Ảnh: Reuters/KCNA. |
"Cách tiếp cận của Tổng thống Trump hướng đến gây sức ép nhằm buộc Triều Tiên dỡ bỏ chương trình hạt nhân, tên lửa đạn đạo và các chương trình tăng cường (quân sự) bằng việc thắt chặt trừng phạt kinh tế, đồng thời theo đuổi các biện pháp ngoại giao cùng các đồng minh và đối tác của chúng tôi trong khu vực", Reuters dẫn tuyên bố của chính quyền Mỹ.
"Nước Mỹ tìm kiếm sự ổn định và phi hạt nhân hóa trong hòa bình đối với bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi sẵn sàng đối thoại để hướng đến mục tiêu đó. Dù vậy, chúng tôi cũng sẵn sàng để bảo vệ chính mình và các đồng minh".
Trước đó, các nghị sĩ Mỹ đang chờ đợi một chiến lược rõ ràng của Nhà Trắng đối với Triều Tiên trong bối cảnh nước này liên tục có các hành động khiêu khích. Dù chính quyền Trump luôn tuyên bố không loại trừ hành động quân sự, các quan chức muốn dùng các biện pháp trừng phạt kinh tế hơn, trong bối cảnh hành động quân sự có thể kéo theo sự trả đũa quyết liệt từ Triều Tiên.
Sau buổi thông tin tại Nhà Trắng, nhiều tờ báo Mỹ tỏ ra nghi ngờ về chuyện 100 thượng nghị sĩ được mời đến chỉ để nghe một cách tiếp cận vấn đề Triều Tiên không khác nhiều so với thời Obama.
Các thượng nghị sĩ Mỹ đến Nhà Trắng hôm 26/4 để nghe chính quyền thông báo về chiến lược giải quyết vấn đề Triều Tiên. Ảnh: Reuters. |
Ngày mai, 28/4, Ngoại trưởng Tillerson sẽ chủ trì một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm thảo luận các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên. Để các biện pháp trừng phạt có hiệu quả, Mỹ sẽ cần đến sự hợp tác của Trung Quốc, đồng minh lâu năm của Triều Tiên.
Trong khi đó, sáng sớm ngày 26/4, Bộ Ngoại giao Triều Tiên gọi tham vọng của Mỹ nhằm ép Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân là "giấc mơ hoang dại", như "quét lòng biển bằng một cây chổi".
Các chuyên gia nhận định vào năm 2020, Bình Nhưỡng sẽ làm chủ được công nghệ hạt nhân có khả năng bắn đến lãnh thổ Mỹ.