Bộ Quốc phòng Nga ngày 5/5 nói rằng pháo binh đã tấn công vào nhiều mục tiêu và cứ điểm của Ukraine trong đêm, hạ gục 600 binh lính.
Bộ này còn cho biết đã tập kích tên lửa phá hủy các khí tài hàng không tại sân bay Kanatovo ở vùng Kirovohrad, miền Trung Ukraine, và một kho đạn tại thành phố Mykolaiv.
Các tuyên bố trên chưa được kiểm chứng độc lập. Cả Nga và Ukraine những ngày gần đây đều cho biết đối phương đã tổn thất nặng nề, và giao tranh đã diễn ra trên khắp miền Đông và miền Nam, theo Guardian.
Tại nhà máy thép Azovstal, ở thành phố Mariupol, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) tại Mỹ dẫn thông tin từ các quan chức và sĩ quan Ukraine cho biết lực lượng Nga đã xông vào nhà máy, đồng thời xác nhận phía Ukraine đang thất thế. ISW nhận định Nga có thể sẽ chiếm nhà máy trong vài ngày tới.
TASS dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov phủ nhận việc lính Nga xông vào nhà máy, cho biết vẫn tuân theo chỉ thị của Tổng thống Vladimir Putin rằng phong tỏa chặt Azovstal.
Trong khi đó, Mỹ và đồng minh phương Tây tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine khi quân đội nước này gặp tình trạng thiếu hụt vũ khí và ngày càng cạn kiệt kho đạn dự trữ.
Triệt tiêu năng lực quốc phòng của Ukraine
Các cuộc tập kích của Nga đã nhắm vào những cơ sở công nghiệp và các hạ tầng quan trọng của ngành quốc phòng Ukraine trong nỗ lực triệt tiêu năng lực sản xuất của Kyiv để viện trợ cho lực lượng ở miền Đông, bên cạnh việc chờ những lô vũ khí tiếp tế từ phương Tây.
Một quan chức Ukraine nói với Foreign Policy rằng Nga đã phá hủy hoặc gây hư hại nghiêm trọng một nhà máy sản xuất tên lửa chống hạm gần Kyiv, nhà máy xe tăng Malyshev ở Kharkiv, cùng các khu công nghiệp nặng ở Mariupol, Kharkiv và Mykolaiv.
Ngoài ra, Nga cho biết đã phá hủy nhà máy tên lửa Artyom ở Kyiv hôm 29/4, dù quan chức quốc phòng Mỹ và Ukraine nói rằng tên lửa hành trình của Moscow đã bắn trúng khu dân cư ở Kyiv, khiến một nhà báo thiệt mạng.
Chiến sự tại Ukraine trong ngày 4/5. Đồ họa. Guardian. |
Việc phá hủy năng lực sản xuất trong nước khiến Ukraine phải trông đợi vào tên lửa, pháo hạng nặng, xe tăng và xe bọc thép từ nước ngoài.
Theo Foreign Policy, việc Nga nhắm vào hạ tầng quốc phòng Ukraine cho thấy Moscow đang muốn chiếm ưu thế trước kịch bản chiến sự sẽ kéo dài - thời điểm năng lực hậu cần và nguồn cung vũ khí sẽ đóng vai trò then chốt.
Sau hai tháng chiến sự và phải rút khỏi Kyiv để chuyển hướng về miền Đông, Nga đang có dấu hiệu tăng cường tấn công vào các hạ tầng quân sự của Ukraine. Tuy vậy, điều này vốn là mục tiêu ban đầu của Nga khi muốn “phi quân sự hóa” Ukraine.
Ukraine từng được ví như “trái tim” của ngành công nghiệp quốc phòng Liên Xô, khi những nhà máy sản xuất xe tăng, chiến đấu cơ hay vũ khí chống tăng xuất hiện nhiều tại nơi đây và hoạt động từ thời Chiến tranh Lạnh đến nay.
Ngăn dòng chảy vũ khí từ phương Tây
Ông Oleksiy Arestovych, cố vấn chính trị cho Tổng thống Volodymyr Zelensky, nhận định Ukraine ít khả năng tiến hành phản công trước giữa tháng 6 - thời điểm nước này nhận thêm nhiều vũ khí viện trợ từ đồng minh.
Trong ngày qua, lực lượng Nga đã sử dụng tên lửa dẫn đường để phá hủy các cơ sở năng lượng tại 5 ga đường sắt trên khắp Ukraine. Một số cuộc tấn công tập trung trong và xung quanh thành phố Lviv ở miền Tây, gần biên giới với Ba Lan, vốn là cửa ngõ để NATO cung cấp vũ khí, AP đưa tin.
Nhìn từ góc độ quân sự, hệ thống đường sắt có vai trò quan trọng trong việc vận chuyển các lô vũ khí của phương Tây.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov khẳng định các cuộc tấn công đường sắt nhằm mục đích làm gián đoạn việc vận chuyển vũ khí của phương Tây trong lãnh thổ Ukraine.
Vũ khí phương Tây đổ vào Ukraine giúp lực lượng nước này phòng thủ trước những đòn tấn công của Nga. Những lô hàng này chắc chắn đóng vai trò trung tâm trong cuộc chiến tại mặt trận Donbas ở miền Đông Ukraine khi Moscow nói họ đang tập trung vào khu vực này.
"Chúng tôi coi bất kỳ chuyến vận tải nào từ NATO đến lãnh thổ (Ukraine) chở vũ khí hoặc thiết bị dành cho quân đội đều là mục tiêu cần tiêu diệt”, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết hôm 4/5.
Con mèo ngồi bên cạnh binh sĩ của lực lượng thân Nga tại Mariupol. Ảnh: Reuters. |
Toan tính của Moscow
Các quan chức Mỹ và châu Âu nói rằng Moscow dường như đang rất thận trọng trong những tuần gần đây, khi có những bước tiến chậm rãi ở miền Đông Ukraine, cũng như tránh những hành động có thể làm leo thang căng thẳng với NATO.
Việc Moscow có thay đổi chiến thuật và “tăng nhiệt” tại Ukraine hay không được tranh luận trước thềm lễ diễu binh mừng Ngày Chiến thắng 9/5 của Nga.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nhận định Nga có thể tuyên chiến và tổng động viên quân đội trong ngày 9/5. Điện Kremlin bác bỏ thông tin này, nói đây là điều “hoàn toàn vô lý”.
Các quan chức Mỹ và châu Âu nói rằng họ chưa thấy bất kỳ động thái trên thực địa nào cho thấy Nga tăng cường lực lượng và sẽ đẩy mạnh giao tranh trong hoặc sau ngày 9/5. Dù vậy, họ cũng không phủ nhận một khả năng chiến sự sẽ mở rộng sau bài phát biểu của ông Putin trong Ngày Chiến thắng 9/5, theo New York Times.
"Đây là cuộc xung đột đặc biệt và kỳ lạ", Dmitri Trenin, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Carnegie Moscow, nhận định.