Phó thống đốc nói, tổng số nợ xấu đã được xử lý trong năm 2012 và 9 tháng đầu năm 2013 là 101,7 ngàn tỷ đồng, trong đó năm 2012 là 69,2 ngàn tỷ đồng và 9 tháng đầu năm 2013 là 32,5 ngàn tỷ đồng.
Tính đến ngày 21/11/2013, VAMC đã mua được tổng số nợ xấu với số dư nợ gốc là 18.398 tỷ đồng với giá mua là 14.398 tỷ đồng.
Với các giải pháp quyết liệt để xử lý nợ xấu, tính đến cuối tháng 9/2013, tổng nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ngân hàng là 142,33 ngàn tỷ đồng, chiếm 4,62% tổng dư nợ, tăng 20,2% so với cuối năm 2012. Tuy nhiên, tốc độ gia tăng nợ xấu bình quân trong 9 tháng đầu năm 2013 đã giảm đáng kể so với năm 2012, chỉ ở mức 2,2%/tháng so với mức 3,91%/tháng trong năm 2012.
Phó thống đốc Lê Minh Hưng. |
Các kết quả nói trên được ông Lê Minh Hưng coi là “kết quả của việc chủ động sớm triển khai đồng bộ và có hiệu quả nhóm các giải pháp xử lý nợ xấu”.
Phó thống đốc cũng cho rằng với việc nợ xấu được xử lý một bước và tốc độ tăng nợ xấu chậm lại, doanh nghiệp tiếp tục được vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp, “chỉ tương đương các năm 2005, 2006”, từ đó góp phần giảm bớt chi phí cho khách hàng vay không phải chịu lãi suất phạt quá hạn và lãi suất vay ngân hàng đã thấp hơn, có lợi cho cả phía doanh nghiệp và ngân hàng. Đáng chú ý là trước phát biểu của Phó thống đốc Lê Minh Hưng, nhóm công tác ngân hàng thuộc VBF đã đưa ra nhận xét và kiến nghị quan trọng về vấn đề nợ xấu.
Theo nhóm này, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang chịu sức ép lớn về nợ xấu, đòi hỏi một lượng tiền lớn để tái cấu trúc. Theo báo cáo của ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến ngày 31/7/2013, tổng vốn vay toàn hệ thống ngân hàng là 3.256 nghìn tỷ đồng, vốn tự có là 443 nghìn tỷ đồng, tỉ lệ nợ xấu là 4,6%, và tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu là 13.8%.
Nếu Thông tư 02/2013 của ngân hàng Nhà nước về phân loại nợ xấu áp dụng ngay (hiện nay được hoãn thời gian thực hiện đến quý 3/2014), tỉ lệ nợ xấu báo cáo có thể tăng cao. Cuối năm 2012, Thống đốc ngân hàng Nhà nước đề cập đến con số 8,6% nợ xấu trong khi tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch ước tính gấp 3-4 lần con số chính thức 4,6% của Ngân hàng Nhà nước. “Theo ước tính sơ bộ của chúng tôi, giả sử tỉ lệ nợ xấu là 8,6% thì hệ thống ngân hàng cần thêm một khoản tiền tương đương 121 nghìn tỷ đồng (gần 6 tỷ USD) để đem hệ số an toàn vốn tối thiểu về mức hiện tại là 13,8%”, báo cáo viết.
Trong khi đó, đánh giá về VAMC, nhóm cho rằng công ty này vừa mới đi vào hoạt động nên cần phát hành trái phiếu đặc biệt để tài trợ việc mua nợ xấu.
“Việc dùng VAMC là hợp lý, tuy nhiên sẽ mất rất nhiều thời gian để xử lý hết nợ xấu và điều này chắc chắn sẽ làm kinh tế Việt Nam tăng trưởng dưới mức tiềm năng một khoản thời gian dài. Chưa kể đến rủi ro nếu kinh tế không kịp phục hồi thì VAMC sẽ rất khó khăn trong tương lai với những khoản nợ xấu không thể bán được”, báo cáo viết.