Người ủng hộ Tổng thống Trump áp sát và chiếm đóng tòa nhà quốc hội ở thủ đô Washington để kêu gọi hoãn kiểm phiếu đại cử tri. Họ vẫy cờ Mỹ và cờ in chữ Trump cùng các khẩu hiệu phản đối gian lận bầu cử. Ảnh: Reuters. |
Biểu tình bùng phát thành bạo lực sau khi Tổng thống Trump có bài phát biểu kêu gọi người ủng hộ chống lại kết quả bầu cử. Ông muốn ngăn chặn Quốc hội Mỹ chính thức công nhận ông Joe Biden đắc cử tổng thống. Ảnh: Reuters. |
Trước tình trạng hỗn loạn, cảnh sát thủ đô được huy động khẩn cấp đến Đồi Capitol. Lực lượng chấp pháp từ Maryland, Virginia và New Jersey cũng được điều động tiếp viện. Lực lượng liên bang bao gồm Vệ binh Quốc gia cũng vào cuộc. Ảnh: Reuters. |
Lãnh đạo cảnh sát thủ đô Washington D.C. cáo buộc người biểu tình của ông Trump sử dụng "hóa chất kích thích" để tấn công cảnh sát. Cảnh sát cũng sử dụng hơi cay để trấn áp người biểu tình quá khích. Ảnh: Reuters. |
Một người biểu tình được điều trị sau khi dính hơi cay trong cuộc đụng độ với cảnh sát ở tòa nhà Quốc hội Mỹ hôm 6/1. Ảnh: Reuters. |
Một nhân viên của lực lượng chống bạo động bị thương trong cuộc đụng độ với người biểu tình ở Điện Capitol. Cảnh sát trưởng Washington D.C. Robert Contee cho biết tổng cộng 4 người thiệt mạng do cuộc biểu tình và 52 người khác bị bắt. Ảnh: Reuters. |
Cảnh sát cũng phát hiện và thu hồi thiết bị nổ ở cả trụ sở ủy ban quốc gia hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Ngoài ra, trên sân của tòa nhà quốc hội, cảnh sát phát hiện một khẩu súng dài và bom xăng. Ảnh: Reuters. |
Người biểu tình vẫn cố tràn vào bên trong tòa nhà Quốc hội Mỹ, nơi diễn ra phiên họp chứng nhận kết quả bầu cử. Ảnh: AP. |
Cảnh sát bắn hơi cay vào một người biểu tình phá cửa để leo vào tòa nhà quốc hội. Ảnh: Reuters. |
Nhóm người ủng hộ Tổng thống Trump lọt được vào Điện Capitol và bắt đầu gây rối. Nhiều người vừa đi vừa quay phim, và truy tìm các nghị sĩ cũng như Phó tổng thống Mike Pence - người chủ trì phiên họp hôm 6/1. Ảnh: AP. |
Hạ nghị sĩ Dân chủ Jim Himes của Connecticut mô tả tình hình lúc đó: "Có lúc cảnh sát chĩa súng và vũ khí vào cửa, rõ ràng họ nghĩ người biểu tình có thể đột nhập qua cánh cửa đó. Họ cũng bảo chúng tôi cúi xuống vì họ sắp nổ súng". Ảnh: AP. |
Trước tình trạng hỗn loạn, các nghị sĩ cùng nhân viên Quốc hội Mỹ được phát mặt nạ phòng độc và yêu cầu sơ tán. Ảnh: AP. |
Wall Street Journal đưa tin một viên chức Hạ viện khuyên các nghị sĩ nấp dưới gầm bàn để tránh đạn lạc. Ảnh: AP. |
Trong khi đó, người biểu tình tiếp tục đi khắp nơi trong tòa nhà quốc hội để gây rối. Ảnh: AFP. |
Lần lượt từng không gian biểu tượng cho nền dân chủ Mỹ phải đầu hàng trước việc người biểu tình chiếm đóng quốc hội. Tại văn phòng của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, một người biểu tình gác chân lên bàn làm việc và tạo dáng chụp ảnh. Ảnh: AP. |
Một người khác ngồi lên chiếc ghế mà ít phút trước Phó tổng thống Mike Pence mới dùng để chủ trì phiên họp kiểm phiếu đại cử tri. Ảnh: AP. |
Sau khi bạo loạn bùng nổ, bất chấp sự lên án từ quan chức chính phủ đương nhiệm lẫn về hưu, và nghị sĩ cả hai đảng, ông Trump từ chối chỉ trích người biểu tình. Sau vài giờ, tuy tình trạng bạo loạn bên trong Điện Capitol được kiểm soát và các nghị sĩ đã nối lại phiên họp, người biểu tình ở bên ngoài vẫn chưa chịu giải tán. Trên Twitter, cựu Tổng thống Barack Obama viết: "Lịch sử sẽ ghi nhớ chính xác vụ bạo lực hôm nay tại Điện Capitol, như một thời khắc vô cùng ô nhục và xấu hổ đối với đất nước chúng ta". Ảnh: Reuters. |