Trong ảnh, lãnh đạo 5 cường quốc thế giới trò chuyện cùng nhau trước khi bước vào hội nghị ở Hannover, Đức. Ảnh được chụp bởi nhiếp ảnh gia Pete Souza vào ngày 25/4 và được Nhà Trắng chọn là "bức ảnh của ngày".
Giờ đây, 4 người trong số họ đã hoặc sắp ra đi, chỉ một người ở lại nhưng không hoàn toàn chắc chắn. Những người ra đi hoặc là "mất việc" hoặc là phải đứng nhìn di sản của họ đối diện với nguy cơ sụp đổ giữa làn sóng dân túy đang lên ở phương Tây.
(Từ trái qua) Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Italy Matteo Renzi tại Hannover, Đức, vào ngày 25/4. Ảnh: White House Photo. |
Ông David Cameron đã tuyên bố từ chức thủ tướng chỉ vài giờ sau khi cuộc trưng cầu dân ý lịch sử ngày 24/6 có kết quả. Theo đó, đa số người dân Anh lựa chọn rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) hay còn gọi là "Brexit".
Kết quả bất ngờ là cú giáng mạnh với liên minh kinh tế chính trị lớn nhất thế giới hiện nay với gần nửa tỷ người, chấm dứt mối liên hệ giữa Anh với cựu lục địa suốt 40 năm qua. Hôm 13/7, bà Theresa May kế nhiệm ông Cameron trở thành thủ tướng Anh, bắt đầu chuẩn bị cho tiến trình đàm phán rút Anh khỏi EU.
Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ rời Nhà Trắng vào ngày 20/1/2017, kết thúc 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Điều gây bất ngờ không phải là sự ra đi của ông Obama mà là người sẽ kế nhiệm ông. Tỷ phú Donald Trump đã giành chiến thắng trước cựu ngoại trưởng Hillary Clinton trong buộc cuộc bầu cử tại Mỹ hôm 8/11.
Thắng lợi của ông Trump được xem là đỉnh điểm của phong trào dân túy đang trỗi dậy mạnh mẽ và cả thế giới có lẽ đang hồi hộp theo dõi những diễn biến tiếp theo ở Washington. Vị tỷ phú được cho là sẽ phá hủy những di sản quan trọng nhất mà ông Obama để lại sau 8 năm lãnh đạo nước Mỹ.
Tuần trước, Tổng thống Pháp Francois Hollande tiết lộ rằng ông sẽ không tái tranh cử. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1958, khi nền cộng hòa thứ 5 tại Pháp được thiết lập, một tổng thống đương nhiệm không tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai.
Tuy nhiên, kể cả khi ông Hollande quyết định tái tranh cử, cơ hội ở lại của ông không nhiều bởi tỷ lệ tín nhiệm thấp. Đồng thời, nước Pháp dường như đang chuyển hướng khi các lãnh đạo cánh hữu như bà Marine Le Pen đang được cho là có nhiều ưu thế, thậm chí có thể lặp lại chiến thắng của ông Trump.
Tương tự, cựu Thủ tướng Italy Matteo Renzi đã phải rời khỏi vị trí thủ tướng sau thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 4/12. Với 60% người bỏ phiếu phản đối kế hoạch cải tổ hiến pháp, ông Renzi đã tuyên bố từ nhiệm theo đúng cam kết mà ông đưa ra trước đó.
Việc thủ tướng Italy từ chức làm dấy lên những lo ngại rằng EU sẽ bước vào giai đoạn bất trắc mới. Các phe đối lập ở Italy từng tuyên bố sẽ trưng cầu việc rút nước này khỏi Eurozone (khối đồng tiền chung châu Âu). Đây được xem là cú giáng mạnh tiếp theo với EU sau sự kiện Brexit.
Thủ tướng Đức Angela Merkel là người duy nhất sẽ có thể tiếp tục nắm quyền. Tháng trước, bà thông báo sẽ tìm kiếm nhiệm kỳ thứ tư trong cuộc bỏ phiếu bầu thủ tướng vào năm sau.
Theo Reuters, sau chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử Mỹ, bà Merkel giờ đây trở thành "pháo đài của các giá trị tự do phương Tây". Tuy nhiên, "người đàn bà thép" của Đức đang phải đối mặt với tỷ lệ tín nhiệm sụt giảm do nhiều người dân không hài lòng về chính sách mở cửa đối với người tị nạn mà bà khởi xướng.