Ngày 17/11, từ chặng công du ở Berlin, ông Obama cảnh báo Tổng thống đắc cử Donald Trump hãy nên nghiêm túc nếu không muốn thất bại trong cương vị ông chủ Nhà Trắng.
Politico trích lời ông Obama nói Trump sẽ thua trong các cuộc bầu cử hoặc sẽ nhiều người bị thiệt mạng nếu ông Trump không gò mình vào kỷ cương trong điều hành.
Lời cảnh báo từ Berlin
Theo ông Obama thì dù ông Trump có chiến dịch tranh cử ấn tượng nhưng điều đó sẽ không tự chuyển hóa sang hoạt động điều hành suôn sẻ của chính quyền.
“Những điều tạo nên hào hứng trong chiến dịch tranh cử có thể không hiệu quả trong việc tạo đoàn kết đất nước và giành niềm tin của cả những người không ủng hộ ông", ông Obama nói với ông Trump trong cuộc gặp riêng vào tuần trước.
Dù rất cẩn trọng để không tạo ấn tượng là can thiệp vào công việc của người kế nhiệm, ông Obama có không ít chỉ trích ngầm đối với Trump.
Trong chuyến công du tới Đức, Tổng thống Obama không quên gửi những lời khuyên tới tỷ phú Trump tại quê nhà. Ảnh: Getty |
“Tổng thống tân cử sẽ thấy rất nhanh là đòi hỏi và trách nhiệm của tổng thống Mỹ không phải là những điều anh có thể coi nhẹ một cách qua loa", ông nói.
"Nếu anh không nghiêm túc với công việc, anh sẽ mất chiếc ghế Nhà Trắng bởi sự thật sẽ được phơi bày”.
Thủ tướng Đức Angela Merkel, người sẽ làm việc với tân tổng thống Mỹ trong thời gian tới, có những thông điệp nhẹ nhàng hơn.
Theo Politico, tình cảm và sự ngưỡng mộ của bà dành cho ông Obama thể hiện sự hoài nghi về những gì sắp xảy tới – “Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng một ngày nào đó, chúng ta sẽ lấy lại những thành tựu đã đạt được".
“Nhiều nhà lãnh đạo tìm kiếm các giải pháp đơn giản để thuyết giáo về các chính sách không thân thiện. Còn chúng ta cần tìm cách thức mới để giải quyết vấn đề con người”, bà Merkel nhấn mạnh.
Bà Merkel được coi là “đối tác quốc tế thân tín nhất” với ông Obama . Ảnh: Telegraph |
Sau nhiều năm căng thẳng với chính quyền George W. Bush về chiến tranh Iraq, ông Obama đã gây dựng lại được lòng tin với người Đức về hy vọng và sự thay đổi.
Lo lắng của người Đức
Trong cuộc họp báo, một phóng viên người Đức đặt ra câu hỏi liệu Trump đang đại diện sự thất bại của lãnh đạo thế giới, khiến cả 2 nhà lãnh đạo trở nên bối rối, vụng về.
Politico nhận định ông Obama có vẻ thờ ơ với các nước châu Âu. Thay vào đó, ông và các cộng sự luôn đẩy mạnh chính sách xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương.
Với nhiều người Đức, bà Merkel được coi là “đối tác quốc tế thân tín nhất” với ông Obama, chuyến thăm này thể hiện tầm quan trọng mối quan hệ song phương.
Công chúng Đức càng ngày có thiện cảm với tổng thống đương nhiệm Mỹ. Theo một cuộc thăm dò của nhật báo Đức, ông Obama được yêu mến rộng rãi như cựu Tổng thống John F.Kennedy, người từng tuyên bố “tôi là người Berlin” trong chuyến thăm tới Đức năm 1963.
Thậm chí, nhiều báo cáo còn cho thấy người dân Đức cảm thấy tiếc nuối nhiệm kỳ của Tổng thống Obama. Bởi lời chia tay với ông Obama nhắc nhở họ về thời kỳ hỗn loạn trong tương lai gần.
Theo Politico, Berlin lo ngại có thể tạo ra xung đột với ông Trump về những chính sách quốc tế, hiện tượng nóng lên toàn cầu, thương mại tự do với Nga.
Trong khi đó, bà Merkel đang phải giải quyết các vấn đề đàm phán Brexit, sự gia tăng chủ nghĩa dân tộc ở châu Âu và tập trung cho cuộc tranh cử tiếp theo của mình vào năm sau.
Bên cạnh đó, ông Obama không ngần ngại thể hiện sự ủng hộ cho Thủ tướng Đức trong mùa bầu cử năm sau: “Nếu tôi là người Đức, tôi sẽ bỏ phiếu ủng hộ bà Merkel”.