Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Toàn cảnh 75 ngày Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông

Hành động hạ đặt giàn khoan 981 cùng sự ngang ngược của Trung Quốc trong 2 tháng rưỡi qua đã khiến tình hình thực địa Biển Đông lúc nào cũng nóng bỏng.

Ngày 1/5, Việt Nam phát hiện giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 và 3 tàu dịch vụ dầu khí của phía Trung Quốc di chuyển từ Tây Bắc đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) xuống phía nam.

Một ngày sau, giàn khoan Hải Dương 981 đã hạ đặt trái phép sâu trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý. Hàng chục tàu bảo vệ đi cùng.

Chỉ trong vài ngày, số lượng tàu hộ vệ giàn khoan đã lên gần 100 chiếc, trong đó có nhiều tàu quân sự luôn ở trong trạng thái "mở bạt che vũ khí" cùng với sự yểm trợ của nhiều máy bay trực thăng. Lực lượng Trung Quốc chủ động khiêu khích, phun vòi rồng, đâm va làm 8 tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư của Việt Nam bị hư hại, 6 kiểm ngư viên bị thương.

Hành trình phi pháp của Trung Quốc bắt đầu từ ngày 1/5 - hạ đặt giàn khoan 981 trái phép trong thềm lục địa Việt Nam.

Sau nhiều ngày kiên trì vận động, tuyên truyền trên thực địa và trao đổi qua đường ngoại giao không đạt được kết quả, ngày 7/5, Bộ ngoại giao Việt Nam tổ chức họp báo quốc tế phản đối mạnh mẽ về hành động ngang ngược của Trung Quốc.

Trong khi đó, để biện minh, Trung Quốc cho rằng, họ có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và ngang ngược tuyên bố, sự hiện diện của các nước ở quần đảo Hoàng Sa là “chiếm đóng trái phép”.

Suốt hơn 2 tháng kể từ khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc luôn kêu gọi các nước ngoài khu vực nên giữ thái độ trung lập nhằm duy trì hòa bình và ổn định khu vực, đồng thời yêu cầu Mỹ đứng ngoài tranh chấp biển Đông, để yên cho các nước liên quan tự giải quyết.

Thậm chí, chính những con tàu thường xuyên hung hăng cản phá, đâm húc tàu chấp pháp Việt Nam còn diễn trò căng biểu ngữ hòa bình trên biển.

Tăng cường hành vi ngang ngược

Một trong những đỉnh điểm của căng thẳng trên thực địa là vào 6h ngày 26/5, tàu cá Đà Nẵng mang số hiệu ĐNa 90152 TS cùng 10 ngư dân trên tàu đã bị tàu Trung Quốc mang số hiệu 11209 đâm chìm. Không dừng lại ở đó, các tàu của Trung Quốc còn vô nhân đạo, ngăn cản các tàu của Việt Nam đến cứu hộ ngư dân bị đang chới với giữa dòng nước khi tàu chìm.

Hành động thường xuyên diễn ra trên thực địa 2,5 tháng qua. Ảnh: Cảnh sát biển VN.
Hành động thường xuyên diễn ra trên thực địa 2,5 tháng qua. Ảnh: Cảnh sát biển VN.

Ngày 27/5, Trung Quốc mở rộng phạm vi hoạt động của giàn khoan trái phép Hải Dương 981, di chuyển đến vị trí mới, nằm sâu 60 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.Trung Quốc đồng thời gia tăng tàu hộ tống các loại, có lúc lên tới gần 140 tàu.

5 ngày sau, tàu Trung Quốc đâm thủng tàu CSB 2016 của lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam với vết đâm chỉ thấp thêm chừng nửa mét đã có thể khiến chiếc tàu chấp pháp của Việt Nam gặp nguy hiểm. Ngày 23/6, tàu kiểm ngư 951 của Việt Nam đã bị 5 tàu Trung Quốc vây ép, đâm bẹp khi cách giàn khoan Hải Dương 981 chừng hơn 11 hải lý.

Không chỉ hung hăng đâm va, ngày 21/6, Trung Quốc còn đưa thêm giàn khoan Nam Hải 9 đến hạ đặt tại vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ - vùng chưa phân định và theo luật pháp quốc tế, không bên nào được thăm dò, khai thác - khiến Biển Đông luôn đặt trong trạng thái căng thẳng.

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn duy trì khoảng 40 tàu cá vỏ sắt ra khu vực giàn khoan trái phép với sự hỗ trợ của các tàu hải cảnh, kiểm ngư. Các tàu này không tiến hành khai thác hải sản mà thường xuyên cản trở, uy hiếp, chủ động đâm va các tàu cá Việt Nam đang hoạt động khai thác bình thường, hợp pháp trên các ngư trường truyền thống của Việt Nam.Trong hai tháng rưỡi, Trung Quốc đã thực hiện hàng trăm vụ đâm va, làm hỏng hơn 20 tàu Việt Nam. Tuy nhiên, các chiến sĩ cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư và ngư dân Việt Nam vẫn kiên cường bám biển; bình tĩnh, mưu trí thực hiện nhiệm vụ, bảo vệ chủ quyền.

“Không đánh đổi chủ quyền lấy thứ hữu nghị viển vông”

Ngày 11/5, trong khi cả nước diễn ra nhiều cuộc tuần hành, mít tinh hòa bình phản đối, lên án Trung Quốc thì tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 ở Myanmar, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần đầu tiên công khai tố cáo những hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Và lần đầu tiên sau 20 năm ASEAN đã có một tuyên bố riêng về tình hình Biển Đông.

Hơn 10 ngày sau, trong chuyến thăm và làm việc tại Philippines, Thủ tướng khẳng định: "Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó".

'Tuyên bố của Thủ tướng là bước ngoặt lịch sử'

"Việt Nam kiên trì chính sách hòa bình nhưng tuyệt đối không sợ sệt, mơ hồ", thiếu tướng Lê Văn Cương bình luận về tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Philippines.

Nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng lên tiếng khẳng định, chủ quyền của Tổ quốc là vấn đề thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Đặc biệt, trong các cuộc tiếp xúc cử tri và tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều ý kiến lên tiếng khẳng định Việt Nam không nhân nhượng, không nhún nhường trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền.

Cùng lúc, đại diện ngoại giao của nhiều quốc gia, tổ chức như Mỹ, Nhật, EU, Australia cùng các học giả uy tín trên thế giới cũng lên tiếng phản đối hành vi ngang ngược, đơn phương dùng vũ lực uy hiếp, đe dọa xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc. 

Bất chấp sự lên án của cả thế giới, Trung Quốc ngày càng tăng cường các hành vi ngang ngược trên thực địa. Tuy nhiên, chỉ ít giờ trước khi cơn bão Thần Sấm (tên quốc tế Rammasun) tràn vào Biển Đông, đêm 15/7, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) thông báo kết thúc hoạt động thăm dò dầu khí của giàn khoan Hải Dương 981.

'Đừng nghĩ Trung Quốc di chuyển giàn khoan 981 là bỏ chạy'

'Trung Quốc có thể sẽ kéo một giàn khoan nhỏ hơn, hiệu quả hơn hoặc thậm chí kéo 2-3 giàn khoan vào và ký hợp đồng với nước ngoài cùng khai thác dầu khí”, tướng Cương lo ngại.

Sáng 16/7, giàn khoan Hải Dương 981 cùng tàu hộ tống bảo vệ đã ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Trước động thái này, nhiều chuyên gia đã bày tỏ sự lo ngại và cho rằng Việt Nam cần cảnh giác trước những bước đi nguy hiểm tiếp theo của Trung Quốc trong thời gian tới.

Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an) cho rằng, di chuyển giàn khoan 981 có thể nằm trong kế hoạch.

“Đừng nghĩ Trung Quốc di chuyển nghĩa là bỏ chạy. Trung Quốc có thể sẽ kéo một giàn khoan khác nhỏ hơn, hiệu quả hơn hoặc thậm chí kéo 2-3 giàn khoan cùng một lúc và có thể ký hợp đồng với nước ngoài cùng khai thác dầu khí”, tướng Cương lo ngại.

Bài học Philippines: Mất bãi cạn vì tin Trung Quốc

Thời tiết khắc nghiệt là lý do phù hợp để các căng thẳng trên biển hạ nhiệt. Nhưng Trung Quốc từng lợi dụng thời tiết để qua mặt Philippines và chiếm bãi cạn Scarborough.

Nguyễn Vũ

Bạn có thể quan tâm