Lilla Rozgonyi, người phát ngôn của IWF chia sẻ với AP rằng ba trường hợp VĐV Trung Quốc dương tính với chất cấm, bao gồm Liu Chunhong, Cao Lei và Chen Xiexia là quá đủ để kích hoạt án cấm tự động, áp dụng lên toàn bộ VĐV cử tạ Trung Quốc. “Hiện tại, chúng tôi chỉ còn chờ cuộc họp với Ủy ban Olympic Quốc tế và phiên chất vấn các VĐV liên quan là ra quyết định cuối cùng”.
3 VĐV Liu Chunhong, Cao Lei và Chen Xiexia dương tính với GHRP-2 nhằm kích thích sản sinh hormone, mẫu thử của Liu Chun Hong còn bị phát hiện có chất sibutramine.
Liu Chunhong từng giành 2 HCV tại Olympic 2004 và 2008, được IWF xếp trong tốp 100 VĐV cử tạ của thế kỷ. Bên cạnh thành tích ở Thế vận hội, cô cũng giành 2 HCV giải vô địch thế giới (2004, 2005) cùng 2 HCV Á vận hội (2002 và 2010).
Nhà vô địch Cao Lei của Olympic 2008. |
Cao Lei từng đoạt vàng ở Olympic 2008, 2 HCV giải vô địch thế giới và 1 HCV Á vận hội còn Chen Xiexia có 1 HCV Olympic 2008, 1 HCV giải vô địch thế giới.
Đội Trung Quốc thống trị bảng xếp hạng huy chương môn cử tạ ở các kỳ Olympic suốt từ năm 2000. Tại kỳ Thế vận hội vừa kết thúc, Trung Quốc giành 7 huy chương, trong đó có 5 HCV.
Bên cạnh Trung Quốc, các VĐV Ukraine (3 người), Azerbaijan (4), Russia (7), Belarus (6) và Kazakhstan (6) bị phát hiện dương tính trong đợt tái kiểm tra vừa qua đều sẽ bị cấm 1 năm. Nếu án cấm được thi hành, giải vô địch cử tạ thế giới năm 2017 tổ chức ở Malaysia sẽ gần như trống rỗng. Các VĐV thất bại trong cuộc tái kiểm tra đã giành tổng cộng 14 huy chương ở Olympic 2016.
IWF đang gồng mình chống lại cơn khủng hoảng doping. Theo dự báo, sẽ có khoảng 16 HCV Olympic 2008 và 13 HCV Olympic 2012 bị tước sau đợt tái kiểm tra các mẫu thử nhằm phát hiện dối trá mà công nghệ của vài năm trước chưa thể lật tẩy. Tại kỳ Olympic ở Brazil, đã có 1 VĐV bị tước bỏ HCĐ vì dương tính với chất cấm.