Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (chủ đầu tư metro số 1 - MAUR) cho biết nhà thầu thi công sẽ hoàn tất tháo dỡ rào chắn, tái lập 3 đoạn còn lại trên đường Lê Lợi và khu vực Bến Thành.
Những khu vực bị ảnh hưởng bởi công trình metro được khôi phục nguyên hiện trạng, theo tiêu chí hợp đồng "càng giống với hiện trạng ban đầu càng tốt".
Trong đó, đường Lê Lợi (đoạn từ Nguyễn Trung Trực đến Phan Bội Châu) được hoàn trả mặt đường, dải phân cách, vỉa hè phía bên trái từ hướng Bến Thành đến Nhà hát TP.HCM trước 9/7.
Khu vực vòng xoay Quách Thị Trang được hoàn trả mặt đường, bó vỉa của bồn hoa, vòng xoay và tiểu đảo (tượng đài Trần Nguyên Hãn, cây cảnh, trụ đèn chiếu sáng) theo nguyên trạng ban đầu. Hạn bàn giao vào 2/9.
Khu vực Công viên 23 Tháng 9 dự kiến được hoàn trả vào 2/9 đối với phần mặt đường, vỉa hè.
Vòng xoay Quách Thị Trang (trước chợ Bến Thành, quận 1) trước khi bị tháo dỡ. Ảnh: Lê Quân. |
Trước đó, nhà thầu đã hoàn thành tái lập mặt đường, dải phân cách... trả lại mặt bằng đoạn từ đường Nguyễn Huệ đến Nguyễn Trung Trực (quận 1).
Từ giữa năm 2014, phần lớn mặt đường Lê Lợi (đoạn từ đường Đồng Khởi đến Pasteur) đã được nhà thầu rào chắn để phục vụ thi công ga ngầm Nhà hát TP.HCM. Đến 30/4/2021, một đoạn rào chắn dài 150 m trên đường Lê Lợi (từ đường Nguyễn Huệ đến Pasteur) được tháo dỡ, trả lại mặt bằng nơi này sau gần 6 năm.
Hiện, Sở Quy hoạch Kiến trúc đề xuất thiết kế cảnh quan đường Lê Lợi (đoạn từ Nguyễn Huệ đến chợ Bến Thành) theo 3 giai đoạn sau khi chủ đầu tư tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) hoàn trả mặt bằng. Phương án thiết kế đang được hoàn thiện, tham mưu UBND TP.HCM.
Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM, mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Công trình có 14 nhà ga, gồm 3 ga ngầm (Bến Thành, Ba Son, Nhà hát TP.HCM) và 11 ga trên cao. Hiện, dự án đạt 90,91% khối lượng với toàn bộ 17 đoàn tàu metro đã được đưa về TP.HCM.