Việc toàn bộ chính phủ từ chức sau vụ nổ được cho là bước ngoặt lớn ở Lebanon.
Người dân tại nhiều khu dân cư bị tàn phá của Lebanon đều có chung một cung bậc cảm xúc. Sau cảm giác đau đớn vì bao mất mát trong vụ nổ, họ trở nên phẫn nộ trước và đòi hỏi có một sự thay đổi thực sự từ chính phủ.
Thủ tướng Hassan Diab (phải) trao đơn từ chức cho Tổng thống Michel Aoun tại phủ tổng thống ở Baabda, Lebanon, hôm 10/8. Ảnh: Reuters. |
Tọa lạc tại khu phố lịch sử Gemmayzeh của thủ đô Beirut, nhà hàng The Barn đang đếm từng ngày đến khi khai trương. Suốt nhiều tháng qua, các chủ sở hữu đã đổ bao công sức và tiền bạc để xây dựng The Barn thành một điểm đến cho những người sành ăn.
Chỉ 6 ngày trước khi khai trương, vụ nổ kinh hoàng tại cảng Beirut đã san phẳng phần lớn khu phố Gemmayzeh. Đứng trên đống đổ nát của The Barn, người sáng lập Rabih Mouawad khẳng định vụ nổ cho thấy Lebanon cần phải thay đổi.
“Đây chính là bước ngoặt của đất nước này: Chúng ta mới bị bom hạt nhân đánh sập! Nếu vụ nổ không thay đổi mọi thứ, không điều gì có thể”, ông Rabih Mouawad chia sẻ.
Người dân tại trung tâm thành phố Beirut. Ảnh: The New York Times. |
Lebanon đang chìm trong vũng lầy với nhiều cuộc khủng hoảng đan xen, khiến việc phục hồi là nhiệm vụ bất khả thi. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, nền kinh tế của nước này đã ở trên đà tuột dốc.
Tại đây, đồng tiền trở nên mất giá, người dân không thể vay vốn ngân hàng trong khi việc cắt điện khiến cả xã hội chìm vào bóng đêm. Đường phố tại Lebanon đã chứng kiến nhiều cuộc biểu tình chống chính phủ trong những năm gần đây.
Đến ngày 4/8, một kho chứa 2.750 tấn amonium nitrat đã phát nổ tại khu cảng thủ đô Beirut, khiến 220 người thiệt mạng, khoảng 6.000 người bị thương và hàng trăm nghìn người khác mất nơi cư trú.
Vụ nổ giống như “giọt nước tràn ly”, khiến cơn thịnh nộ của người dân được kéo lên đỉnh điểm. Tại Lebanon, việc cải cách chính phủ bỗng trở thành một vấn đề cấp bách với mọi tầng lớp nhân dân.
Khu phố Gemmayzeh
Nếu bạn từng nhận được một tấm bưu thiếp gửi từ Beirut, nhiều khả năng bức ảnh trên bưu thiếp được chụp tại khu phố Gemmayzeh. Nằm ngay cạnh khu cảng về phía nam, Gemmayzeh là nơi cư trú của cộng đồng người theo đạo Thiên chúa thuộc tầng lớp trung lưu.
Nét đặc trưng của khu vực này là những tòa nhà mái vòm lâu đời, nhiều bức tranh tường graffiti màu sắc và khu phố ẩm thực, vui chơi xuyên đêm. Đây cũng là nơi ông Rabih Mouawad cùng đối tác kinh doanh, Chantal Salloum, thử vận may với nhà hàng The Barn.
Vụ nổ hôm 4/8 đã gây thiệt hại nặng nề cho Gemmayzeh, khiến cảnh quan trong khu vực đều hóa thành đống đổ nát. Trên các nẻo đường, thi thể người nằm la liệt bên cạnh cây cối bật gốc, nhiều căn hộ khang trang bỗng trở nên xiêu vẹo, mất nóc hoặc sụp đổ hoàn toàn.
Vụ nổ hôm 4/8 đã gây thiệt hại nặng nề cho Gemmayzeh, khiến cảnh quan trong khu vực đều hóa thành đống đổ nát. Ảnh: AP. |
Ông Mouawad chia sẻ: “Chúng tôi không muốn bỏ cuộc và không muốn bỏ xứ ra đi”. Với những người dân như ông Mouawad, chính phủ Lebanon không thể trả lời những câu hỏi quan trọng như: Làm thế nào để xây dựng lại mọi thứ? Liệu ngân hàng có cho người dân vay vốn không? Nhập khẩu hàng hóa như thế nào khi cảng bị tàn phá?
Khu phố Cách ly
Khu phố Cách ly giống như một phần bị lãng quên của thủ đô Beirut. Khu vực này được đổi tên từ khi tiếp nhận những người thuộc diện cách ly. Nằm ngay giữa cảng Beirut, khu dân cư này vừa nghèo vừa ô nhiễm với mùi hôi thối bốc lên từ các cơ sở xử lý rác thải.
Cảng Beirut vốn là một trong những tuyến huyết mạch kinh tế trọng điểm của Lebanon. Song người dân sống gần cảng không được lợi từ các hoạt động giao thương. Thông thường, nhiều đảng phái chính trị sẽ giành giật nguồn tiền ở cảng để chia cho những thành viên thân cận.
Ông Fakhrideen Shihadi, một người dân trong vùng, cho biết: “Nhân viên trong cảng đều là dây mơ rễ má”. Theo ông Shihadi, chỉ những người có mối liên hệ với các giáo phái và đảng phái chính trị mới có công việc ổn định.
Một người đàn ông pha cà phê trên đống đổ nát của khu phố Cách ly. Ảnh: The New York Times. |
Một công ty rác thải từng đuổi việc ông Shihadi vào năm 2017 vì không có các mối quan hệ. Từ đó, ông làm những công việc nặng nhọc ở một nhà máy xử lý rác thải khác. Song nền kinh tế suy thoái khiến ông không được trả lương từ ba tháng trước.
Vụ nổ khiến 4 người hàng xóm của ông Shihadi thiệt mạng, phá hủy căn nhà của gia đình ông. “Các tổ chức viện trợ có thể đến đây nhưng chúng tôi không mong đợi gì từ giới chức trách. Chúng tôi phải tự giúp đỡ và hỗ trợ nhau”, ông Shihadi cho biết.
Sau vụ nổ một ngày, hàng trăm tình nguyện viên đã đến dọn dẹp khu phố Cách ly. Tay cầm chổi và xẻng, nhóm tình nguyện quét sạch đống đổ nát và dọn dẹp nhiều căn hộ bị thiệt hại. Họ còn phân phát bữa ăn miễn phí cho người dân.
Trong khi đó, nhiều bệnh viện địa phương cũng chịu thiệt hại nghiêm trọng đến mức phải đóng cửa không tiếp bệnh nhân. Tiến sĩ Michel Matar, chủ tịch hội đồng quản trị của một bệnh viện, đang nghi ngờ khả năng tự vực dậy của Lebanon.
“Chúng ta không tiến về phía trước. Chúng ta đang đi lùi và điều này không thể tiếp tục nữa”, ông Matar nhận xét.
Tại nhiều khu vực khác của Lebanon, người dân đều đang phẫn nộ vì văn hóa “luồn cúi” hay đồng tiền mất giá. Họ biết rằng sự thờ ơ và cách làm việc kém hiệu quả của giới chức trách chính là nguyên nhân dẫn đến vụ nổ bi thảm.
Lebanon đang chìm trong vũng lầy với nhiều cuộc khủng hoảng đan xen. Ảnh: The New York Times. |
Trong bài phát biểu được phát trên truyền hình hôm 10/8, Thủ tướng Diab đã khẳng định chính phủ quyết định chiều theo nguyện vọng của người dân.
"Hôm nay chúng tôi tuân theo ý muốn của người dân với yêu cầu truy cứu những người phải chịu trách nhiệm cho thảm họa này, những người đã trốn tránh suốt 7 năm. Và chúng tôi đáp ứng nguyện vọng về sự thay đổi thực sự của người dân... Tôi thông báo hôm nay toàn bộ chính phủ từ chức", ông Diab phát biểu. Đồng thời, ông nhấn mạnh rằng vụ nổ kho vật liệu dễ nổ cất trữ tại cảng ở thủ đô trong bảy năm qua là “hậu quả của nạn tham nhũng”.