Voice TV, website một phần thuộc sở hữu của gia đình cựu thủ tướng, là một trong 4 tổ chức truyền thông bị yêu cầu đóng cửa vì đưa tin về phong trào biểu tình do thanh niên lãnh đạo, theo Business Times.
Hàng nghìn người đã xuống đường ở thủ đô Bangkok trong cuộc biểu tình đến nay đã bước sang ngày thứ sáu liên tiếp. Họ phớt lờ lệnh cấm được ban hành cuối tuần trước - không cho phép tụ tập nhiều hơn 4 người.
Phong trào biểu tình, bắt đầu từ cách đây 3 tháng, yêu cầu cải cách hoàng gia và muốn Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha phải từ chức. Vị tướng lần đầu lên nắm quyền sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014 và tiếp tục tại vị trong cuộc bầu cử gây tranh cãi năm 2018.
Biểu tình ở Bangkok, Thái Lan, hôm 18/10. Ảnh: Reuters. |
"Một số hãng truyền thông đã xuyên tạc thông tin, kích động tình trạng bất ổn", ông Prayuth nói với các phóng viên sau khi tòa án ở Bangkok ra lệnh đóng cửa 4 tổ chức truyền thông hôm 20/10.
Theo Bộ Kinh tế và Xã hội Số Thái Lan, các tổ chức truyền thông này bị cáo buộc xuất bản và phát tán tài liệu "vi phạm luật về tội phạm máy tính và sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp".
Giám đốc điều hành của Voice TV, Makin Petplai, phủ nhận việc tin tức của họ gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.
Nhà bình luận chính trị Virot Ali của Voice TV cho biết đài sẽ tiếp tục phát trực tuyến cho đến khi họ nhận được lệnh của tòa bằng văn bản.
Câu lạc bộ Phóng viên Nước ngoài của Thái Lan bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan đang điều tra Voice TV, cùng với Prachatai, The Reporters và The Standard. Bốn tổ chức truyền thông này đã phát trực tiếp (livestream) trên Facebook về các cuộc biểu tình.
Phán quyết của tòa được đưa ra một ngày sau khi Bộ Kinh tế và Xã hội Số cho biết họ đã tập hợp được hơn 325.000 thông điệp trên các nền tảng mạng xã hội vi phạm Đạo luật Tội phạm Máy tính.
Tòa án vẫn chưa công bố quyết định về việc có đóng cửa 3 cơ sở truyền thông khác hay không. Trong khi đó, quốc hội Thái Lan dự kiến tổ chức một phiên họp đặc biệt vào tuần tới để thảo luận về những yêu cầu của người biểu tình.