Các luật sư của nguyên đơn và các tổ chức phi chính phủ đều nói phiên tòa ở Pháp có thể "đi vào lịch sử" nếu tòa kết luận bị đơn có tội. Đây sẽ là lần đầu tiên một công dân gốc Việt được tòa thừa nhận là nạn nhân của chất dioxin, theo Telegraph.
Vụ kiện xoay quanh bà Trần Tố Nga 78 tuổi, từng là nhà báo và nhà hoạt động xã hội ở Việt Nam ở độ tuổi 20.
Năm 2014, bà đã đệ đơn kiện 14 công ty sản xuất hoặc bán chất độc da cam, bao gồm Monsanto - công ty hiện thuộc sở hữu của tập đoàn Bayer (Đức), và Dow Chemical. Phiên tòa diễn ra từ hôm 25/1 tại tòa án ở Ervy, ngoại ô Paris.
Bà Trần Tố Nga. Ảnh: Julien Falsimagne. |
Là một phần trong chiến dịch Ranch Hand nhằm ngăn chặn bước tiến của quân đội miền Bắc Việt Nam, quân đội Mỹ đã rải khoảng 76 triệu lít chất độc da cam từ năm 1961 đến năm 1971.
Theo phía Mỹ, mục tiêu của chiến dịch là làm cho đối phương không còn chỗ ẩn nấp và phá hủy mùa màng.
Song các tổ chức phi chính phủ cho rằng ngoài việc phá hủy cây cối, làm ô nhiễm đất đai và đầu độc động vật, chất độc da cam còn gây ra các vấn đề về sức khỏe như ung thư và dị tật cho hơn ba triệu người ở Việt Nam, Campuchia và Lào.
Cho đến nay, chỉ mới có các cựu binh ở Mỹ, Australia và Hàn Quốc được bồi thường vì hậu quả của loại hóa chất có độc tính được ước tính cao gấp 13 lần so với chất diệt cỏ thông thường như glyphosate.
Năm 1984, 7 công ty hóa chất đã bồi thường cho các cựu chiến binh Mỹ tổng số tiền 250 triệu USD, sau khi 16.000 người khiếu kiện, nói việc tiếp xúc với chất độc da cam đã gây ra các dạng ung thư hiếm gặp, tổn thương thần kinh, rối loạn gan và các vấn đề về da. Các nguyên đơn cũng nói hóa chất này khiến vợ họ bị sảy thai hoặc gây ra dị tật bẩm sinh ở con cái của họ.
Tuy nhiên, các vụ kiện dân sự cho đến nay vẫn không thành công.
"Việc công nhận các nạn nhân là dân thường người Việt sẽ trở thành một tiền lệ pháp lý", chuyên gia luật quốc tế Valerie Cabanes nói với AFP.
Các tổ chức phi chính phủ cũng hy vọng phiên tòa sẽ giúp củng cố động lực thúc đẩy các nước công nhận "chất hủy diệt sinh thái" là tội ác. Gần 20% rừng của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi chất dioxin.
Phát biểu trước phiên tòa hôm 25/1, bà Nga nói: "Tôi không đấu tranh cho bản thân mình mà cho các con tôi và hàng triệu nạn nhân".
Bà đã phải chịu đựng các tác động điển hình của chất độc da cam, bao gồm bệnh tiểu đường type 2 và một dạng dị ứng insulin cực kỳ hiếm gặp. Bà cũng mắc bệnh lao hai lần, bị ung thư và một trong các con gái của bà đã qua đời vì dị tật tim.
"Tôi là thế hệ đầu tiên hứng chịu thương tích, con gái tôi cũng là nạn nhân và giờ cháu gái tôi mắc bệnh. Riêng gia đình tôi, ba thế hệ đã đau khổ", bà nói.
"Tôi đã gần 80 tuổi. Tôi là người duy nhất có thể làm được điều này. Nếu tôi chết đi, mọi thứ cũng biến mất theo tôi. Điều tôi thực sự mong muốn là hàng triệu nạn nhân có thể có hy vọng sau phiên tòa này".
Các công ty đa quốc gia nói họ không thể chịu trách nhiệm về cách quân đội Mỹ sử dụng sản phẩm của họ vào thời điểm chiến tranh. Họ cho rằng các nhà chức trách Mỹ, không phải nhà cung cấp, mới cần phải chịu trách nhiệm.
Tại tòa, ông Jean-Daniel Bretzner, luật sư của Bayer-Monsanto, nói thân chủ của ông đã hành động "theo lệnh của một nhà nước và thay mặt một nhà nước", và do đó sẽ được hưởng quyền miễn trừ truy tố.
Cuối cùng, ông cho rằng tòa án Pháp không đủ thẩm quyền để đưa ra phán quyết về vụ việc.
Nguyên đơn dự kiến đưa ra lập luận rằng những người tạo ra chất độc da cam đã đánh lừa chính phủ Mỹ về độc tính thực sự của nó.
Phiên tòa tiếp tục diễn ra trong những ngày tới.