Liên quan đến 3 dự án Saigon One Tower, Lavenue và khu đất số 23 Lê Duẩn nằm bất động trên quỹ đất vàng của thành phố nhiều năm nay, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM, vừa thông tin thành phố đang tiến hành kiểm tra để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án này.
Tòa nhà cao thứ 3 Sài Gòn đắp chiếu vì tranh chấp
Dự án đầu tiên là cao ốc Saigon One Tower, nằm ngay giao lộ Hàm Nghi – Tôn Đức Thắng- Đại lộ Võ Văn Kiệt và hầm Thủ Thiêm (quận 1) đang đầu tư dang dở, hoàn thành 80% khối lượng và bất động hoàn toàn từ 2011 đến nay. Theo Chánh văn phòng UBNDTP.HCM, lý do dự án này bị ngưng trễ là mâu thuẫn nội bộ.
Tuy nhiên, gần đây, việc tranh chấp giữa các chủ đầu tư đã được giải quyết ổn thỏa. Các bên đã thống nhất việc chia sẻ trách nhiệm, quyền lợi. Hiện đã có nhà đầu tư đứng ra tiếp tục theo đuổi dự án này.
Tòa nhà số 34 Tôn Đức Thắng (nằm ở góc đường Tôn Đức Thắng và Hàm Nghi) sẽ được khởi động lại cuối năm 2017. Ảnh: Lê Quân. |
UBND TP.HCM đã chỉ đạo các sở, ngành tạo mọi điều kiện và thúc đẩy chủ đầu tư mới triển khai nhanh dự án. Kỳ vọng của thành phố là dự án có thể sớm đi vào hoạt động ngay cuối năm nay; tránh ảnh hưởng đến bộ mặt của khu vực trung tâm thành phố.
Saigon One Tower có tổng mức đầu tư khoảng 256 triệu USD (tương đương 5.000 tỷ đồng) được khởi công từ năm 2007, dự kiến sau khi hoàn thành vào năm 2009 và sẽ là tòa nhà cao thứ 3 tại TP.HCM. Ban đầu, Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn M&C (liên doanh giữa Công ty cổ phần M&C, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn – Saigontourist, Ngân hàng TMCP Đông Á, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đông Á, và CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận – PNJ) làm chủ đầu tư.
Gỡ khó cho đất đấu giá nghìn tỷ của Tân Hoàng Minh
Dự án thứ hai được đề cập tọa lạc tại số 23 Lê Duẩn (quận 1). Đây là một trong số ít những dự án nằm trên đất vàng của thành phố, với hai mặt tiền đường Lê Duẩn và Nguyễn Du. Khu đất được đưa ra đấu giá từ năm 2015, và đến đầu năm nay đã thuộc về Tân Hoàng Minh, với mức giá 1.430 tỷ đồng.
Theo thông tin từ lãnh đạo thành phố, thời điểm đó, Tân Hoàng Minh cho biết sẽ xây dựng một khu phức hợp văn phòng, trung tâm thương mại dịch vụ cao cấp tại khu đất này. Hiện chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với thành phố; và đã được bàn giao toàn bộ các thủ tục pháp lý liên quan đến khu đất.
Tuy nhiên, trong khi chờ cấp giấy chứng nhận đầu tư, thì Quyết định 09 bị tạm ngưng hiệu lực, nên dự án cũng bị đình lại.
Với những dự án bị ngưng trệ do ảnh hưởng của việc ngừng hiệu lực Quyết định 09, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết thành phố sẽ có văn bản báo cáo Thủ tướng để có giải pháp tháo gỡ cho những nhà đầu tư đã thực hiện đúng quy trình thủ tục.
Dự án Lavenue Crown sau nhiều năm vẫn là bãi giữ xe trên đất vàng đường Lê Duẩn, lãnh đạo thành phố cho biết đang chờ kết quả thanh tra để có phương án giải quyết. Ảnh: Lê Quân. |
Riêng với dự án tại số 23 Lê Duẩn, do việc chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu giá, chứ không phải chỉ định thầu nên thành phố sẽ kiên trì tìm giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư.
Nhưng nếu nhà đầu tư bị chậm trễ vì yếu tố năng lực, thành phố sẽ có giải pháp chế tài, hoặc cho phép chuyển nhượng dự án.
Chờ kết quả thanh tra dự án của Kinh Đô
Dự án thứ 3 là Lavenue Crown ngay cạnh trung tâm thương mại Diamond, đối diện cửa chính UBND quận 1 (số 812 – Lê Duẩn). Theo thiết kế, đây là khu phức hợp căn hộ hạng sang, khách sạn 5 sao và trung tâm thương mại. Đây là dự án có quy mô xây dựng lớn nhất trục đường Lê Duẩn – Hai Bà Trưng với 36 tầng, rộng 4.921 m2.
Lavenue Crown do Công ty CP Đầu tư Lavenue làm chủ đầu tư. Tuy nhiên sau nhiều năm thì khu đất vàng này vẫn là bãi giữ xe.
Chánh văn phòng UBND TP.HCM cho biết với riêng với dự án này, thành phố đang chờ kết quả thanh tra để đưa ra hướng xử lý.
“Mục đích của việc thanh tra, một là thúc đẩy nhà đầu tư làm nhanh. Hai nữa là sẵn sàng chuẩn bị cho dự án đi vào vận hành, thứ ba là xem kết quả thanh tra ra sao, để có hướng xử lý cho rõ”, ông Hoan cho biết.
Lavenue là công ty liên doanh của Công ty Cổ phần Kinh Ðô (50% vốn điều lệ), Công ty Đầu tư Mayflower (Mỹ) và Công ty Quản lý Kinh doanh nhà TP.HCM.
Trong buổi làm việc với các doanh nghiệp hạ tầng và bất động sản mới đây, lãnh đạo TP.HCM tỏ ra không hài lòng với tình trạng các dự án đất vàng đang trong tình trạng dở dang, làm xấu diện mạo thành phố.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, đề nghị Sở Xây dựng rà soát lại tất cả các công trình xây dựng đang triển khai. Dự án nào đang dở dang thì tập trung xử lý, còn dự án nào chưa khởi công thì phải xem lại cụ thể.
Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh các dự án trên đất vàng đang trong tình trạng dở dang là yếu tố làm xấu đi diện mạo thành phố. Ông điểm mặt 3 dự án nằm trên các vị trí đắc địa, nhưng nhiều năm qua vẫn nằm bất động. Cụ thể, là Saigon One Tower, Tòa tháp SJC, Dự án Lavenue.
Số doanh nghiệp thành lập mới chưa đủ chỉ tiêu
Tại buổi báo cáo tình hình Kinh tế - Xã hội 6 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết số doanh nghiệp (DN) thành lập mới của thành phố trong nửa năm qua là chưa đạt chỉ tiêu. Điều này đồng nghĩa với công tác quản lý Nhà nước chưa đạt yêu cầu.
Số liệu của Sở KH-ĐT, trong 6 tháng đầu năm, thành phố có khoảng 18.030 DN đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 227.514 tỷ đồng, tăng 10,5% về số lượng và tăng 57,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ.
Ngoài ra, thành phố còn có 26.137 lượt DN thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, với tổng vốn điều chỉnh bổ sung tăng 265.165 tỷ đồng. Tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung là 492.679 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ 2016.
Thành phố cũng có 8.992 DN tạm ngưng hoạt động, khóa mã số thuế.