Án tù chung thân được tuyên với hai công dân Nga - Igor Girkin và Sergey Dubinskiy, và một người Ukraine - Leonid Kharchenko, sau khi tòa kết luận những người này bắn hạ máy bay MH17 của Malaysia Airlines vào ngày 17/7/2014, Guardian đưa tin ngày 17/11.
Tòa án cũng yêu cầu các nghi phạm bồi thường “hơn 16 triệu euro (tương đương 16,5 triệu USD)” cho các nạn nhân. Ba nghi phạm hiện chưa nhận tội và chưa bị giam giữ.
Oleg Pulatov, một công dân Nga khác bị cáo buộc liên quan đến vụ bắn hạ máy bay MH17, đã trắng án vì thiếu bằng chứng. Cả 4 người nêu trên đều không xuất hiện trước tòa và chỉ có Pulatov chọn chỉ định luật sư.
Tại phiên tòa, Thẩm phán Hendrik Steenhuis cho biết tòa án đã kết luận máy bay MH17 bị tên lửa BUK - do Nga sản xuất - bắn hạ từ một cánh đồng ở miền Đông Ukraine.
Các mảnh vỡ máy bay MH17 được nhóm điều tra ráp lại. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, vào ngày 17/11, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Ivan Nechayev cho biết Moscow sẽ xem xét kỹ lưỡng quyết định của tòa án Hà Lan về vụ tai nạn máy bay MH17, theo TASS.
“Chúng tôi sẽ phân tích quyết định này vì mọi khía cạnh đều quan trọng. Chúng tôi sẵn sàng đưa ra bình luận sau khi xem xét tài liệu pháp lý", ông Nechayev nói.
Các quan chức Nga từng nhiều lần tỏ ra không tin tưởng nhóm điều tra vụ tai nạn, và phê phán lập luận của cơ quan công tố là vô căn cứ.
Hôm 18/11, tờ TASS dẫn lời phát ngôn viên của văn phòng công tố Hà Lan Brechtje van de Moosdijk cho biết một nhóm điều tra chung của hai nước có thể sẽ công bố kết quả mới về vụ tai nạn vào mùa xuân năm 2023.
Ngày 17/7/2014, chuyến bay mang số hiệu MH17 đang di chuyển từ Amsterdam đến Kuala Lumpur thì gặp nạn và rơi xuống một cánh đồng, thuộc khu vực mà quân nổi dậy chống Kyiv kiểm soát. 298 nạn nhân đã thiệt mạng trong vụ việc.
Cạnh tranh Nga - Mỹ về vấn đề Ukraine
Trong cuốn sách “Cạnh tranh địa chiến lược Nga - Mỹ: Tiếp cận từ chủ nghĩa hiện thực và trường hợp khủng hoảng Ukraine”, tiến sĩ Phan Thị Thu Dung nhận định đặt trong tổng thể cạnh tranh chiến lược Nga - Mỹ từ năm 2013 đến nay thì Ukraine là điển hình cho cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt giữa hai cường quốc hàng đầu về quân sự trên nhiều chiến tuyến, từ an ninh, chính trị, kinh tế đến truyền thông, năng lượng.