Trong buổi điều trần diễn ra tại nhà tù Torah ở miền nam Cairo, các thẩm phán cho rằng không có lý do gì để giam giữ ông Mubarak. Tuy nhiên, tổng thống bị lật đổ của Ai Cập vẫn phải có mặt tại phiên tòa tái thẩm, nhằm làm rõ những liên quan của ông trong vụ sát hại hàng trăm người biểu tình chống chính phủ năm 2011.
Tổng thống bị lật đổ Honsi Mubarak. |
Các thẩm phán cho biết, ông Mubarak được tại ngoại khi thời gian tạm giam - cho những cáo buộc liên quan tới vụ sát hại người biểu tình - đã hết hạn. Tuy nhiên, ông Mubarak không được trả tự do ngay lập tức mà còn phải chờ hoàn tất những thủ tục cần thiết không kéo dài quá 48 giờ, luật sư của ông khẳng định.
Ngay sau khi rời nhà tù chiều qua, luật sư riêng của cựu Tổng thống Honsi Mubarak, Fareed El-Deeb cho biết: “Tòa án đã quyết định thả ông Mubarak”. Khi trả lời câu hỏi của phóng viên về thời điểm nhà lãnh đạo bị lật đổ được phóng thích, El-Deeb nói ngắn gọn: “Có thể là ngày mai”.
Ông Mubarak bị bắt giữ tháng 4/2011 sau khi chạy chốn khỏi Thủ đô Cairo vì làn sóng giận dữ của những người biểu tình. Sau hai tháng ở quê nhà Sharm el-Sheikh, ông Mubarak bị bắt giữ và đưa về Cairo để xét xử những liên quan của ông tới vụ thảm sát 846 người biểu tình chống Chính phủ. Hàng loạt phiên xử đã tiến hành trong hơn 2 năm qua nhưng thẩm phán Ai Cập chưa thể đưa ra phán quyết cuối cùng cho nhà lãnh đạo bị lật đổ.
Trong một diễn biến khác, vài giờ sau khi quyết định phóng thích cựu Tổng thống Mubarak, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định đình chỉ hợp đồng cung cấp vũ khí và thiết bị an ninh cho Chính phủ Ai Cập. Lý giải về hành động này, bà Catherine Ashton, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU cho biết: “Chúng tôi lên án mọi hành vi bạo lực và cho rằng, những hành động của quân đội thời gian gần đây không hợp lý”.
Cũng theo bà Ashton, EU kêu gọi “tất cả các bên” kiềm chế để ngăn chặn bạo lực đồng thời đạt được một thỏa thuận toàn diện nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị, đang ngày càng đẫm máu trên đất Ai Cập. “Chúng tôi sẽ xem xét hỗ trợ cho Ai Cập nhưng chỉ dành cho những người cần chúng nhất – người nghèo”, bà Ashton nói thêm.