Những ngày qua, hành động ngang ngược xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam của Trung Quốc dường như không làm nao núng tinh thần kiên quyết bám biển của ngư dân đảo Lý Sơn. Trái lại họ càng tỏ rõ quyết tâm thắt chặt tình đoàn kết, kiên cường bám biển mưu sinh, góp phần khẳng định chủ quyền, bảo vệ biển đảo và thềm lục địa của Việt Nam.
Tiếp tục vươn khơi
Sáng 12/5, nhiều tàu cá từ Hoàng Sa trở về bến cảng Sa Kỳ (Bình Sơn- Quãng Ngãi). Chuyến ra khơi này, nhiều tàu không nặng cá tôm, nhưng dường như các ngư dân đã không còn toan tính đến thiệt hơn nghề biển. Với họ, có mặt trên vùng biển Hoàng Sa trong những ngày này, vững vàng lái những con tàu mang cờ đỏ sao vàng là nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi ngư dân đối với chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Ngư dân Nguyễn Lộc đưa tàu vào bờ sửa chữa, sẵn sàng tiếp tục vươn khơi bám biển Hoàng Sa. |
Ngư dân trẻ Nguyễn Lộc, thôn Tây, xã An Vĩnh, chủ tàu - thuyền trưởng tàu cá QNg 96416 TS đưa tàu vào triền đà Bình Châu sửa chữa. Tàu của anh Lộc bị Trung Quốc vây đuổi, cản phá, dùng tàu sắt tông mạnh vài ngày trước đó vẫn còn nguyên những miếng kính vỡ, những cánh cửa tàu bung khỏi bản lề, thân tàu loang lổ.
Bức xúc trước hành động ngang ngược của Trung Quốc, nhưng anh Lộc vẫn tỏ rõ bản lĩnh kiên cường đúng chất của một ngư dân đất đảo. Anh Lộc bảo: “Bao đời nay, vùng biển Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của ngư dân Lý Sơn. Nay Trung Quốc ngang ngược đặt giàn khoan trái phép, cản trở không cho ngư dân đánh cá. Dù thế, chúng tôi vẫn không nao núng, quyết tâm bám biển, bảo vệ chủ quyền, bảo vệ biển đảo của quê hương”.
Ngư dân Nguyễn Văn Trung (An Hải, Lý Sơn) với sản phẩm cá “vàng vi” đánh bắt được ở Hoàng Sa. |
Anh Lộc bày tỏ sự vui mừng vì được Quỹ Hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Ngãi trao tặng 400 triệu đồng để sửa chữa tàu, tiếp tục vươn khơi. Sự quan tâm ấy là động lực to lớn, giúp anh Lộc và các ngư dân khác vững tin lái những chuyến tàu thẳng hướng Hoàng Sa. Ở triền đà Bình Châu, hiện nay còn nhiều tàu sau những cản phá của Trung Quốc bị hư hỏng cũng đang được sửa chữa để kịp ra khơi trong những ngày tới.
Ngư dân Lê Hoàng, thôn Tây, xã An Hải (Lý Sơn) trở về từ Hoàng Sa hai hôm trước, nay lại chuẩn bị dầu, lương thực, thực phẩm để vươn khơi. Anh Hoàng quả quyết: “Hoàng Sa là máu thịt của cha ông. Dù Trung Quốc có uy hiếp, nhưng ngư dân chúng tôi vẫn kiên định thẳng hướng Hoàng Sa để đánh cá”.
Những cột mốc chủ quyền
Quảng Ngãi hiện có khoảng 6.000 tàu cá, trong đó gần một nửa là tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ. Ngoài đoàn kết vươn khơi, ngư dân còn đầu tư tiền tỷ đóng tàu công suất lớn để đánh bắt xa bờ an toàn, hiệu quả, đủ sức chống chọi với thiên tai và nhân tai.
Ông Phan Như Huỳnh - Giám đốc HTX đóng tàu Cổ Lũy, cho biết, từ đầu năm đến nay, HTX nhận đóng mới gần 50 tàu cá công suất từ 800 đến 1.200 CV của ngư dân trong và ngoài tỉnh. Trong đó, riêng ngư dân Lý Sơn có đến 20 chiếc. Những người thợ đóng tàu đang cố góp sức mình nhanh chóng hoàn thành những con tàu công suất lớn để kịp bàn giao cho ngư dân hạ thủy thẳng tiến Hoàng Sa…
Với ngư dân Lý Sơn, mỗi chuyến tàu ra Hoàng Sa, Trường Sa ngoài lương thực, thực phẩm, ngư lưới cụ, họ còn mang theo nhiều cờ Tổ quốc làm điểm tựa tinh thần. Tàu xuất bến rẽ sóng, cờ Tổ quốc tung bay. Tàu đến Hoàng Sa, Trường Sa là khẳng định mốc chủ quyền của Tổ quốc. Chuyện ngư dân trẻ Bùi Văn Phải kiên cường đứng trên nóc tàu quấn cờ Tổ quốc lên ngực trong khi tàu của anh bị tàu Trung Quốc bắn cháy cabin đã ghi dấu ấn đẹp về tình yêu biển đảo và nghĩa vụ thiêng liêng đối với Tổ quốc.