Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

"Tổ quốc nhìn từ biển" - chưa bao giờ thiêng liêng đến thế

Ca khúc Tiến quân ca cất vang giữa biển trời huyện đảo Lý Sơn như một lần nữa khẳng định chủ quyền biển đảo và quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của những người con Việt Nam.

Chương trình cầu truyền hình Tổ quốc nhìn từ biển của Đài Truyền hình Việt Nam diễn ra tối 8/6 là một trong những chương trình trọng điểm trong chiến dịch tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, óp phần nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí chiến lược và giá trị tiềm năng to lớn của biển đảo Việt Nam, đồng thời cổ vũ lòng tự hào, tình yêu của nhân dân đối với chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Chương trình được thực hiện tại hai điểm cầu gồm công viên Biển Đông, TP Đà Nẵng và huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Những ngày Biển Đông dậy sóng

40 ngày qua là những ngày giông bão trên Biển Đông khi chủ quyền của Tổ quốc bị xâm phạm, từng phút từng giây, mỗi công dân Việt Nam đều ngóng chờ những bức ảnh, dòng tin, thước phim được gửi về từ Trường Sa, Hoàng Sa.

Trước những diễn biến phức tạp và sự hung hăng, gây hấn, uy hiếp ngày càng gia tăng của Trung Quốc kể từ khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển Việt Nam, các lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư Việt Nam vẫn kiên quyết, kiên trì trụ vững, tiếp tục tuyên truyền, vận động phía Trung Quốc tôn trọng các công ước Quốc tế, tôn trọng luật biển và rút ngay giàn khoan khỏi vùng biển này.

Những con tàu kiểm ngư phải vất vả vật lộn, chống đỡ với những lần đâm húc, chèn ép, xua đuổi bằng vòi rồng áp suất lớn của tàu Trung Quốc. 

Đã có nhiều thiệt hại nặng nề trước sự tấn công của các tàu hải cảnh, tàu ngư chính Trung Quốc. Những con tàu kiểm ngư phải vất vả vật lộn, chống đỡ với những lần đâm húc, chèn ép, xua đuổi bằng vòi rồng áp suất lớn của tàu Trung Quốc. Thế nhưng, có như vậy mới càng thấy rõ được tinh thần quả cảm, lòng quyết tâm và kiên định trên các con tàu thực thi pháp luật của Việt Nam trên biển.

Phóng viên Mạnh Cường hiện có mặt trên tàu cảnh sát biển 4032 đã kết nối được với điểm cầu Đà Nẵng từ vùng biển Hoàng Sa. Phóng viên Mạnh Cường chia sẻ, qua 21 ngày được tác nghiệp trên biển, ê-kíp phóng viên VTV đã được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau bởi họ là nhóm phóng viên phải chuyển tàu nhiều nhất với 9 lần. Trong những ngày tháng tác nghiệp tại Biển Đông, các phóng viên của VTV đã cố gắng phản ánh kịp thời những diễn biến tại khu vực, ghi lại những hình ảnh về sự cố tình tấn công của các tàu Trung Quốc bằng cách đâm, phun vòi rồng vào tàu Cảnh sát Biển và Kiểm ngư của Việt Nam.

Cảm nhận về các cán bộ kiểm ngư và Cảnh sát Biển đang hàng ngày, hàng giờ làm nhiệm vụ thực thi pháp luật, đối với phóng viên Mạnh Cường, đó chính là sự kiên cường và bình tĩnh.

Trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc, hiểm nguy là vậy nhưng những người dân, chiến sĩ trên các tàu kiểm ngư và thực thi pháp luật vẫn kiên cường bám biển, không nghĩ đến lùi bước với một suy nghĩ duy nhất chỉ bởi vì đó chính là Tổ quốc của mình.

Biển đảo là một phần máu thịt không thể tách rời 

Tổ quốc Việt Nam có hình hài ra sao? Câu hỏi đó nằm trong tay những người con đất Việt. Tổ quốc của chúng ta chính là dải đất thiêng liêng hình chữ S, với màu xanh trải dài, được bao bọc bởi biển mà thế hệ cha anh, những thế hệ đi trước đã ngã xuống để bảo vệ, và những thế hệ đi sau sẽ phải tiếp bước, giữ gìn.

Ở điểm cầu Lý Sơn, Biên tập viên Quốc Lê đã có cuộc trò chuyện chân thực với người dân, khắc họa rõ nét cuộc sống của họ trong những ngày Biển Đông dậy sóng. Khi ngư trường Hoàng Sa không còn yên bình, tàu cá của ngư dân liên tục bị tàu Trung Quốc đe dọa, thì những ngày tàu về, điều mà người dân huyện đảo Lý Sơn mong chờ nhất giờ đây không phải là những khoang tàu đầy cá, mà được nhìn thấy người thân của mình trở về bình an.

Để giành lấy mảnh đất chủ quyền của cha ông, để giữ lấy lẽ sống cho mình, nhiều ngư dân Lý Sơn đã phải đánh đổi bằng tiền bạc, nước mắt và thậm chí là cả bằng máu. Thế nhưng, họ không hề sờn lòng. Biển Đông dậy sóng, những người ngư dân chân chất, da mặn mòi muối biển hiểu rõ mình là con dân đất Việt, hiểu biển đảo là một phần gia tài mà cha ông đã để lại từ ngàn xưa, đã không tiếc xương máu, công sức để khai phá, gìn giữ cho con cháu. Những người dân gửi thân nơi sóng và can trường nhờ sóng vẫn kiên trì bám biển và quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

Nhiều nhân chứng lịch sử tại đảo Hoàng Sa đã có mặt ở đây để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hòn đảo này.

Tại điểm cầu ở thành phố Đà Nẵng, khán giả đã có cuộc trò chuyện với nhiều nhân chứng lịch sử từng có mặt tại đảo Hoàng Sa để khẳng định lại một lần nữa từ nhiều thế kỷ trước, Hoàng Sa vẫn nằm trong chủ quyền của Việt Nam.

Quá khứ, lịch sử của đất nước ta là những cuộc đấu tranh, là sự anh dũng của quân và dân ta để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ được quên, không bao giờ được phép lãng quên, bởi vì đó là những điều thiêng liêng nhất, mà bao thế hệ cha anh chúng ta đã đánh đổi bằng máu, bằng nước mắt, bằng tình yêu và cả hạnh phúc riêng tư để giữ gìn. Truyền thống đó đến hôm nay vẫn được chúng ta truyền lại, tiếp nối, hun đúc từng phút từng giây.

Sống quên mình vì biển đảo

Đất nước Việt Nam trải dài trên 3.000km bờ biển cùng với hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, hợp thành một lá chắn thép, bảo vệ đất mẹ Việt Nam trước những hiểm nguy từ phía Đông. Những chiến sĩ, người dân ở đảo, quần đảo nằm trong hệ thống đảo tiền tiêu, giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dù thiếu thốn về vật chất do quanh năm sóng to gió lớn bủa vây, thiếu thốn về tinh thần do khoảng cách quá xa xôi, nhưng vẫn hiên ngang, khí phách, chịu đựng và sẵn sàng hi sinh để đất nước này vững chãi từ những nấm đảo nhỏ trên biển khơi.

Sự hi sinh của người lính vì Tổ quốc, đôi khi không chỉ là mất mát về thể xác, mà còn là những chịu đựng về mặt tinh thần.

Trên hơn 3.000 hòn đảo của Việt Nam, hiện đã và đang có biết bao con người âm thầm sống và chiến đấu để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Sự hi sinh của người lính vì Tổ quốc, đôi khi không chỉ là mất mát về thể xác, mà còn là những chịu đựng về mặt tinh thần. Từ những câu chuyện về người lính canh giữ biển đảo đã đủ để dệt nên những cung bậc cảm xúc giữa đất liền và biển khơi. Những cảm xúc mãnh liệt ấy dường như đã xóa nhòa khoảng cách, sự cách biệt về không gian, địa lý, xóa mờ những vất vả, chịu đựng, sự thiếu thốn tình cảm khi phải xa gia đình, xa quê hương.

Tổ quốc cần có những trái tim Việt Nam chung sức, đồng lòng để cùng nhau giữ gìn, dù trong chiến tranh hay hòa bình hay đứng trước những thử thách cam go, Tổ quốc luôn cần chúng ta cùng nhìn về một hướng.

Chưa bao giờ, ca khúc Tiến quân ca lại thiêng liêng đến như thế giữa biển trời Tổ quốc.

Đứng trước biển hôm nay, hướng về Hoàng Sa, hướng về Trường Sa, hàng nghìn người có mặt tại huyện đảo Lý Sơn và thành phố Đà Nẵng đã cùng hát vang khúc Tiến quân ca giữa biển trời. Cầu truyền hình Tổ quốc nhìn từ biển đã giúp khán giả có thêm thời gian để suy ngẫm, cảm nhận và chia sẻ về truyền thống, về lòng yêu nước và sự cống hiến hy sinh của những người con đất Việt để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Đất nước Việt Nam có hình hài ra sao? Câu hỏi này một lần nữa được nhắc lại - tất cả đều nằm trong tay những người con dân đất Việt, những thế hệ đi trước, những thế hệ theo sau, có những người ngã xuống nhưng vẫn luôn có những người tiếp bước, gìn giữ một Việt Nam độc lập, hùng cường.

http://vtv.vn/Truyen-hinh/Cau-truyen-hinh-To-quoc-nhin-tu-bien-Khac-hoa-ro-net-hai-tieng-To-quoc-thieng-lieng/119327.vtv

Theo VTV

Bạn có thể quan tâm