Đối với tôi, J. Krishnamurti là một triết gia. Ông và tôi gặp gỡ qua các tác phẩm - những trung gian câu chữ. Nên tôi tin rằng bản thân mình sẽ chưa thể hiểu hết về ông cũng như những điều ông truyền đạt.
Mặc dù vậy, trực giác đã thôi thúc tôi không chỉ dừng lại ở đọc mà còn cố gắng vươn tới trải nghiệm những điều ông nói. Đó những sự thực bình dị song lại rất thiết yếu với đời người: tình yêu, tự do và thực tại.
Cách chia sẻ của J. Krishnamurti mang dấu ấn của riêng ông: trong tình thương luôn có sự hiểu biết, trong hiểu biết vẫn luôn là tình thương. Nếu bạn đọc yêu mến ông sẽ phần nào cảm nhận ông giống một người thầy, tuy chúng ta mong muốn gần gũi nhưng không bao giờ vị thầy ấy ở quá gần để khiến người học trò lệ thuộc.
J. Krishnamurti là sự kết hợp của tình yêu, tự do và thực tại. Tất cả đều là các giá trị phi thường không thể nắm bắt - vì không thể nắm bắt nên chúng rất sống động.
J. Krishnamurti nói về tình yêu
Tập sách 222 trang này tổng hợp lại tư tưởng của J. Krishnamurti về tình yêu. Nếu chưa biết tình yêu là gì hay đang loay hoay với những câu hỏi “Tại sao?” thì cuốn sách này dành cho bạn.
Đây không phải là cuốn cẩm nang hướng dẫn các kỹ thuật cụ thể trong việc tìm kiếm, chinh phục và chiếm hữu tình cảm. Cuốn sách là ngọn đèn soi sáng chúng ta đến với một tình yêu thực sự trong mối tương giao sâu sắc. Nếu đã từng yêu, tức là bạn và tôi đã từng trải qua cả hy vọng và thất vọng.
Chúng ta cũng đã từng chứng kiến khởi đầu và kết thúc của tình yêu với nước mắt hoặc nụ cười. Nhưng có lẽ, chúng ta chưa từng hiểu vì sao tình yêu có thể khiến cho mối quan hệ giữa người với người vừa là lời nguyền và cũng là phép màu.
Thông qua 3 phần: “Đời sống, tình yêu, và cái chết”, “Con đường tình yêu”, "Tình yêu là thực tại”, J. Krishnamurti đã giúp chúng ta hiểu được mình và hiểu được vì sao tình yêu không dễ nắm bắt và thứ đã nắm bắt được thì chưa hẳn đã là tình yêu. Vì: “Tình yêu chỉ hiện hữu khi không có nhu cầu”
Điều khiến tôi ấn tượng nhất với cuốn sách này là quan niệm thách thức lại thói quen của đám đông, vì đám đông không phải lúc nào cũng đúng: Chỉ có tình yêu thực sự mới tạo nên mối tương giao, không phải những phút gần gũi thể xác hay những bản hợp đồng mực đen, giấy trắng.
J. Krishnamurti nói về tự do
Tập sách 233 trang này tổng hợp những quan điểm của J. Krishnamurti về tự do. Vì vậy nội dung của sách sẽ hữu ích với tất cả những ai đang trên hành trình tìm kiếm hoặc phần nào đó tự nhận thấy bản thân đã tự do.
Nhưng có lẽ nếu so sánh “tự do” thực thụ với “tự do” mà đa phần chúng ta truy cầu, thì giống với việc chúng ta đã đến đúng nhà ga nhưng lại lên sai chuyến tàu. Bởi khi nhắc đến “tự do” không phải ai trong số chúng ta cũng hiểu bản chất của tự do là gì.
Hai cuốn sách của J. Krishnamurti. Ảnh: Hoàng Nam. |
Bản thân tôi cũng đã rất ngỡ ngàng khi lật từng trang sách để theo bước J. Krishnamurti khám phá tự do. Hành trình ấy gồm có 3 phần: “Tự do”, “Con đường của tự do”, “Tự do đầu tiên và cuối cùng”.
Trong tôi đã có những mảng lớn của bức tường quan niệm sụp đổ và quan trọng hơn, tôi thấy mình không còn mong muốn vá víu lại những quan niệm ấy nữa. “Tự do” không nên là điều để chúng ta đạt tới, vì vốn dĩ nó đã có ngay từ đầu.
Cuốn sách là liều thuốc đắng nhưng đã trị tận gốc cố tật bám chấp vào trải nghiệm cá nhân, những kí ức và kiến thức lượm lặt được.
Đọc đến trang cuối cùng của phần “Tự do đầu tiên và cuối cùng”, tôi nhận thấy một nghịch lý là càng cố gắng đạt được tự do thì con người ta càng dễ đánh rơi mất tự do ấy. Bởi con người thường quan niệm rằng tự do chỉ đến sau một loạt những điều kiện nhất định.
Nhưng để đạt được những điều kiện ấy thì cần phải trải qua một quá trình gian khổ, đánh đổi và đau đớn luôn song hành. Tất cả là màn bi kịch do tâm trí dàn dựng nên trong khi trí thông minh thì cố gắng lôi chúng ta ra khỏi màn bi kịch tự tạo với những mâu thuẫn đầy kịch tính ấy. Sự thật là tự do luôn rảnh rỗi, chỉ có con người quá bận rộn.
Tôi đã giật mình bởi sự yên lặng mà cuốn sách này mang lại cho tâm hồn mình. “Tôi không là gì cả nên tôi là tất cả đời sống”.
Điều khiến tôi ấn tượng nhất ở cuốn sách này là bìa sách với màu của bầu trời và những áng mây. Đây là một ví dụ tuyệt vời về sự kết hợp hài hòa giữa nội dung và hình thức, giữa bên trong và bên ngoài để tự do.
J. Krishnamurti thực tại hiện tiền
“Bạn có thể đọc những điều này nhiều lần và mỗi lần, bạn đều thấy mới lạ”.
Đây là những dòng đầu tiên của cuốn sách này. Nếu từng đọc cuốn sách dày dặn Sức mạnh của hiện tại (Eckhart Tolle), bạn sẽ thở phào khi thấy tập sách này dừng ở con số 247 trang. Tác phẩm này không phải là một công trình nghiên cứu thực tại. Tôi thấy sách thiên về những cảm nghiệm cá nhân của J. Krishnamurti về thực tại hơn.
Nhưng ông đã khéo léo đưa vào đó những khoảng trống để giúp bạn đọc đánh bật tâm trí miên man. Khi dòng suy nghĩ chấm dứt, thực tại hiện tiền. Giống như bạn mở toang cánh cửa sổ rồi thư thả đợi làn gió mát ùa vào trong mà chẳng cần vất vả câu kéo.
“Nếu bạn thấy cái đang là thì bạn sẽ thấy vũ trụ, và việc chối bỏ cái đang là chính là nguồn gốc của mâu thuẫn. Vẻ đẹp của vũ trụ nằm trong cái đang là; và sống với cái đang là mà không cố gắng chính là đức hạnh”.
Cuốn sách gồm có 3 phần: “Trước mắt bạn là cái gì?”, “Làm sao để thấy thực tại”, “Thực tại hiện tiền”. Nội dung cuốn sách có đan xen giữa những bài nói chuyện, màn hỏi đáp và đoạn hồi ức ngắn của Pupul Jayakar (tác giả cuốn J. Krishnamurti: A Biography) để làm sáng tỏ con người J. Krishnamurti đã thống nhất giữa lời nói và việc làm ra sao trong thực tại hiện tiền: Ở ông không có những mặt nạ.
Con người thường có thói quen sử dụng mặt nạ để bảo vệ bản thân mà quên rằng chính sự sợ hãi khiến họ xa rời sự sống. Vì người toan tính để được nhiều nhất đôi khi là người mất nhiều nhất, còn người mất nhiều nhất song chẳng hề lo sợ lại là người được nhiều nhất- vì họ được sống thật với con người mình.
Quyền năng của “cái đang là” trôi chảy qua J. Krishnamurti. Để ông giúp những người tiếp xúc với mình gỡ bỏ tấm mặt nạ được họ dày công tạo dựng để bảo vệ và cũng là cầm tù chính mình.
Điều khiến tôi ấn tượng nhất với cuốn sách là tên gọi J. Krishnamurti thực tại hiện tiền. Không còn dòng chữ “nói về” nữa, mà trực tiếp để bạn đọc cảm nhận sự tỉnh thức sâu sắc của một con người can đảm, dám thách thức các bậc thầy, các truyền thống và chỉ rõ sự vô lý của những lớp mặt nạ được tích tụ bên trong mỗi chúng ta.
Thay cho lời kết
J. Krishnamurti (1895 – 1986) là một trong những triết gia, nhà tâm linh vĩ đại nhất mà Thế giới từng biết đến. Ông đã truyền cảm hứng cho các vị thầy nổi tiếng khác như Eckhart Tolle, Joseph Campbell, Alan Watts, … và vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho hàng nghìn người ngày nay.
Nếu bạn cảm thấy những ngôn từ khéo léo và ý tưởng hoạt kê của Osho chưa phù hợp và muốn tìm một người dẫn đường đáng tin cậy, khả kính, có dáng dấp tôn nghiêm, thì tôi nghĩ J. Krishnamurti là bậc thầy ấy.
Mặc dù vậy, cá nhân tôi cảm nhận cách ông nói chuyện không phải như một vị thầy mà như một người bạn, không dựa theo sách vở và lý thuyết, trực tiếp hướng tới người nghe nên tạo ra ảnh hưởng sâu sắc và rộng lớn. Tình thương của J. Krishnamurti là tình thương khích lệ lòng can đảm để từng bước giúp chúng ta hướng về tự do và sự hiểu biết.
Bộ 3 cuốn sách: J. Krishnamurti nói về tình yêu, J. Krishnamurti nói về tự do và J. Krishnamurti thực tại hiện tiền tương đối dễ đọc nếu bạn không đọc một cách quá dễ dãi. Vì theo dõi tư tưởng của một con người khiêm nhường nhưng vĩ đại thì chỉ cần đến sự cởi mở để thưởng thức, để học hỏi và cũng là để nhận ra những điều bản thân đã biết song có lẽ còn chưa hoàn toàn hiểu.
Nội dung của các tập sách được chia thành từng phần, với văn phong chậm rãi, sáng tỏ. Nhưng tôi nghĩ bạn không nên nghĩ vì tập sách này mỏng nên đọc sẽ nhanh. Muốn thưởng thức trọn vẹn một món ngon thì chúng ta không nên vội vàng. Bạn cũng không cần lo lắng về việc J. Krishnamurti sẽ nói điều gì đó khó hiểu hay quá uyên bác. Đọc sách với tâm trí bình yên và để trái tim dẫn lối, bạn sẽ khám phá ra nơi mình cần đến và khoảnh khắc mình thuộc về.
Nếu so sánh với các cuốn sách bàn về chủ đề tình yêu, tự do, sống tỉnh thức, an trú trong thực tại thì tôi thấy bộ 3 cuốn sách: J. Krishnamurti nói về tình yêu, J. Krishnamurti nói về tự do và J. Krishnamurti thực tại hiện tiền có ưu điểm là gần gũi hơn. Vì dù có dùng bao nhiêu trang sách hay câu chữ, chúng ta cũng chưa chắc đã cảm nghiệm được đầy đủ những lĩnh vực này. Tri thức của J. Krishnamurti giống với con người ông, luôn hướng đến sự khai phóng thay vì bó buộc, hạn định trong ngôn từ.
Bài viết của Hoàng Nam, một gia sư tại Hà Nội.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.