Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Tình trạng nguy cấp ở nơi bị Covid-19 tấn công nặng nề nhất Đông Nam Á

Làn sóng lây nhiễm và tử vong do Covid-19 lớn nhất từ khi đại dịch bùng phát tại Indonesia đã đẩy hệ thống y tế ở quốc gia này tới giới hạn.

He thong y te tai Indonesia co nguy co sup do anh 1

Indonesia đang phải vật lộn với làn sóng lây nhiễm Covid-19 lớn nhất kể từ khi đại dịch bùng phát ở quốc gia này với số ca nhiễm mới và số người tử vong vì virus liên tục ở mức cao. Chỉ trong ngày 7/7, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận 1.040 người tử vong do đại dịch trong 24 giờ, kỷ lục đáng buồn kể từ khi đại dịch bùng phát. Cùng ngày, Bộ Y tế Indonesia cũng ghi nhận 34.379 ca dương tính mới, cũng là mức cao nhất kể từ đầu đại dịch.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Indonesia Luhut Pandjaitan, số ca nhiễm mới trong một ngày ở nước này dự kiến có thể lên tới 70.000 người.

Việc số lượng người nhiễm và tử vong vì Covid-19 tăng mạnh đang khiến hệ thống y tế tại Indonesia đứng trước nguy cơ sụp đổ. Tình trạng thiếu nhân viên y tế, thiếu giường bệnh và các vật tư y tế như nguồn cung khí oxy đang xảy ra tại các bệnh viện trên cả nước. Theo ông Pandjaitan, chính phủ Indonesia đang liên hệ với Singapore để mua bổ sung khí oxy y tế để điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 tại nước này.

Một trong những nơi chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi tình trạng cạn kiệt tài nguyên y tế chính là đảo Java, nơi sinh sống của hơn 140 triệu người và là hòn đảo đông dân nhất tại Indonesia.

"Tình hình đang rất nguy cấp"

Theo truyền thông Indonesia, hệ thống y tế tại đảo Java đã đến giới hạn khi nhiều bệnh viện đã buộc phải dừng tiếp nhận thêm bệnh nhân Covid-19 do không còn nguồn cung khí oxy hoặc không có đủ nhân viên y tế khi có nhiều bác sĩ và y tá đã nhiễm bệnh.

"Cảnh tượng trước bệnh viện giống như một cái chợ vậy. Kể cả khi bạn có cho thêm 100 giường bệnh cũng là không đủ. Rất nhiều người mắc Covid-19 đang tiếp tục đổ dồn đến bệnh viện của chúng tôi", Syaiful Anwar, người đứng đầu nhóm điều trị Covid-19 tại bệnh viện khu vực Dr Slamet Martodirdjo ở thị trấn Pamekasan, phía đông đảo Java cho biết.

He thong y te tai Indonesia co nguy co sup do anh 2

Một bệnh nhân tử vong do Covid-19 được đem đi chôn cất tại thành phố Tegal, trung tâm đảo Java. Ảnh: Reuters

Đây là cơ sở y tế lớn nhất tại Pamekasan và đang điều trị cho hơn 100 bệnh nhân Covid-19. Số lượng ca mắc Covid-19 lớn đã khiến các bác sĩ tại đây phải thiết lập một phòng cấp cứu tại sân trước của bệnh viện trong khi tòa nhà chính được sử dụng để cách ly các bệnh nhân.

Mặc dù là một trong số ít các cơ sở y tế tại Indonesia có khả năng tự sản xuất khí oxy lỏng, Bệnh viện Dr Slamet Martodirdjo vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt khí này khi điều trị cho các bệnh nhân Covid-19. Bên cạnh việc thiếu hụt khí oxy, nguồn dự trữ thuốc remdesivir, loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh nhân Covid-19, tại cơ sở này đã cạn kiệt.

"Chúng tôi thường dùng remdesivir để điều trị cho các trường hợp mắc Covid-19 đang trong tình trạng nguy kịch. Tuy nhiên, chúng tôi đã không còn nguồn cung cho loại thuốc này trong 10 ngày qua", bác sĩ Syaiful cho biết.

Không chỉ đối mặt với tình trạng thiếu hụt về giường bệnh và nguồn cung vật tư y tế, trong một vài ngày vừa qua bệnh viện này cũng phải đối phó với tình trạng thiếu hụt nhân viên nghiêm trọng sau khi 10 bác sĩ tại đây xét nghiệm dương tính với virus.

Những khó khăn trên đã dẫn đến việc rất nhiều bệnh nhân Covid-19 kể cả khi được nhập viện cũng tử vong sau một thời gian ngắn được điều trị. "Trong tuần vừa qua, đã có 50 bệnh nhân qua đời do Covid-19 tại đây. Phần lớn trong số họ mới chỉ nhập viện trong vòng 24 giờ", bác sĩ Syaiful chia sẻ.

He thong y te tai Indonesia co nguy co sup do anh 3

Tình trạng thiếu hụt không gian để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại một bệnh viện ở thủ đô Jakarta. Ảnh: Reuters.

Theo bác sĩ Syaiful, số lượng các ca tử vong do Covid-19 trong khu vực thậm chí còn cao hơn nhiều so với số liệu thực tế khi nhiều bệnh nhân khi đến bệnh viện của ông đã buộc phải quay về do cơ sở này đã quá tải.

Theo ước tính của Lapor Covid, một nhóm tình nguyên chuyên thu thập các số liệu về tình trạng dịch bệnh tại Indonesia, kể từ tháng 6, đã có ít nhất 311 bệnh nhân Covid-19 tử vong trong tình trạng tự cách ly do tình trạng quá tải tại các cơ sở y tế.

"Tình hình đang rất nguy cấp. Chúng ta không thể chỉ dựa vào các bệnh viện đã có sẵn để đối phó với làn sóng mới này. Chúng ta cần phải thiết lập thêm các bệnh viện dã chiến với đầy đủ nhân viên y tế và trang thiết bị để có thể điều trị cho tất cả các người nhiễm virus", ông Syaiful nhấn mạnh.

He thong y te tai Indonesia co nguy co sup do anh 4

Một bệnh viện dã chiến dành cho bệnh nhân Covid-19 tại thành phố Bekasi, phía tây đảo Java. Ảnh: AP.

Tại những cơ sở y tế khác trên đảo Java, tình hình cũng không khả quan hơn là bao. Ông Banon Sukoandari, giám đốc dịch vụ y tế tại bệnh viện Chữ Thập Đỏ ở thành phố Bogor cho biết, bệnh viên của ông cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế, nguồn cung oxy và các thiết bị dùng trong chẩn đoán và điều trị Covid-19 khác.

Theo ông Banon, thứ mà bệnh viện của ông đang cần nhất vào lúc này chính là khẩu trang y tế N95.

"Chúng tôi phải có sự tính toán chi tiết mỗi khi sử dụng các thiết bị bảo hộ để có thể duy trì nguồn dự trữ các thiết bị này của bệnh viện", ông Banon cho biết.

Các nhân viên y tế là nhân tố không thể thiếu trong việc đối phó với đại dịch ở Indonesia. Tuy nhiên, kể từ khi dịch bệnh bùng phát cho đến nay, họ đã phải đối mặt với vô vàn khó khăn do không có đủ nguồn lực hay sự bảo vệ trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân. Theo Hiệp hội Y khoa Indonesia, cho đến nay, đã có tổng cộng 405 bác sĩ qua đời kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này.

Thêm vào đó, các nhân viên y tế tại Indonesia cũng đã phải chịu nhiều tổn thương về tinh thần và tâm lý khi tham gia chống dịch. "Thật không dễ dàng khi chứng kiến quá nhiều người chết như vậy. Họ không phải ai xa lạ, đó là những bệnh nhân của chúng tôi", bác sĩ Banon cho biết.

Các biện pháp đối phó dịch bệnh của chính phủ

Theo Bộ trưởng Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Pandjaitan, chính phủ nước này đang có những biện pháp giúp giảm nhẹ tình trạng thiếu hụt nguồn lực y tế ở nước này, trong đó có việc tìm kiếm thêm các nhà cung cấp khi oxy và xác định các cơ sở có thể được cải tạo thành nơi điều trị và cách ly bệnh nhân Covid-19.

Trả lời phóng vấn trên tờ Guardian vào hôm 5/7, người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia Siti Nadia Tarmizi cho biết, tình trạng thiếu hụt nguồn cung khí oxy trong điều trị cho bệnh nhân Covid-19 sẽ được cải thiện trong tuần này. Theo bà, một số công ty như Samator Group, Air Liquide và Air Products đã đồng ý cung cấp khí oxy cho các bệnh viện tại Indonesia.

He thong y te tai Indonesia co nguy co sup do anh 5

Các nhân viên đang vận chuyển một bình khí oxy đến một trung tâm cung cấp khí oxy được thiết lập ở thành phố Bogor. Ảnh: Shutterstock.

Bà Nadia cũng cho biết Indonesia có khả năng sản xuất 1,5 triệu tấn oxy mỗi năm. Trong đó chỉ khoảng 30% được sử dụng cho mục đích y tế. "Chúng tôi có khả năng sản xuất đủ oxy. Chúng tôi sẽ đẩy mức oxy dùng cho y tế lên 50% tổng lượng oxy được sản xuất", bà Nadia nói trong cuộc phỏng vấn.

Bà Nadia cũng khuyến khích các bệnh viện cố gắng tận dụng tất cả không gian có thể để không phải từ chối tiếp nhận các bệnh nhân Covid-19 mới. "Những người mắc Covid-19 có nồng độ bão hòa oxy ở mức thấp hơn 95% hay gặp vấn đề về hô hấp phải đến các cơ sở y tế để được chữa trị. Chúng ta có thể sử dụng ghế nếu không còn giường bệnh vì đây là những trường hợp khẩn cấp. Không ai có thể theo dõi những bệnh nhân này nếu họ phải tự cách ly ở nhà", bà Nadia nhấn mạnh.

"Đây không phải một tình huống dễ dàng, chúng tôi đang gặp phải nhiều khó khăn", bà Nadia thừa nhận. Tuy nhiên theo bà, các nhà chức trách hy vọng sẽ có thể kiểm soát được đà lây lan của dịch bệnh thông qua các biện pháp mới này.

Số người tử vong vì Covid-19 ở Indonesia lần đầu vượt 1.000

Số người tử vong vì mắc Covid-19 ở Indonesia ngày thứ năm liên tiếp thiết lập kỷ lục mới và lần đầu vượt ngưỡng 1.000 trường hợp.

Vỡ trận vì Covid-19, Indonesia hạn chế toàn quốc

Indonesia đã áp đặt thêm các biện pháp hạn chế trên toàn quốc từ hôm 7/7 nhằm chống lại sự lây lan của làn sóng Covid-19 chết chóc nhất kể từ đầu đại dịch, theo AFP.

An Bình

Bạn có thể quan tâm