Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tính toán thành lập Bộ Thanh niên trong tương lai

Theo Chủ tịch Quốc hội, sau bao năm đổi mới, Đoàn thanh niên vẫn không có chức năng quản lý Nhà nước. Phải có cách nhìn khác, cần cho Đoàn thanh niên chức năng quản lý như một bộ.

Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự luật Thanh niên (sửa đổi) tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 20/4, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình tán thành quy định thành lập Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam.

Theo ông, đây tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng tư vấn giúp Thủ tướng về công tác thanh niên. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban này sẽ do Thủ tướng quy định.

tinh toan thanh lap Bo Thanh nien anh 1

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị trong tương lai cần tính đến việc thành lập Bộ Thanh niên. Ảnh: Quochoi.vn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng với điều kiện hiện nay, để Ủy ban quốc gia về thanh niên là phù hợp, nhưng việc thành lập Ủy ban quốc gia về thanh niên mà "lâu lâu mới họp một lần" và không có cơ quản lý Nhà nước thì hiệu quả không cao.

Đặt vấn đề đã có rất nhiều đổi mới trong các cơ quan của hệ thống chính trị, nhưng Đoàn thanh niên vẫn tồn tại là truyền thống của đoàn, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi: “Trong điều kiện hiện nay có cần thiết thành lập Bộ Thanh niên không?".

Bà dẫn chứng Singapore có mấy triệu dân nhưng có Bộ Thanh niên và thể thao, Bộ trưởng là Bí thư thứ nhất Trung ương đoàn.

Theo bà Ngân, thành lập Bộ Thanh niên không phải thành lập cơ quan mới mà nâng cấp từ Đoàn thanh niên lên, trong bộ đó có một bộ phận để làm phong trào Đoàn.

"Thời kỳ này cần quản lý Nhà nước chứ không chỉ vận động. Còn Đoàn Thanh niên không được ra thông tư, quyết định; không được kiểm tra, thanh tra, kỷ luật ai, cũng chẳng đề xuất ra một nghị định gì của Chính phủ”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Bà cho rằng hiện nay trụ sở đã có sẵn, ngân sách chi cho Đoàn đang như chi cho một bộ, cơ quan ngang bộ, cũng không thêm biên chế mới. Vấn đề chỉ là “thay đổi ruột bên trong", tức điều chỉnh chức năng.

“Đất nước giải phóng 45 năm rồi mà thanh niên vẫn là Đoàn Thanh niên, không có chức năng quản lý. Phải có cách nhìn khác về thanh niên, cần cho chức năng quản lý Nhà nước đàng hoàng như một bộ”, Chủ tịch Quốc hội nêu ý kiến.

Nhấn mạnh vấn đề này chưa thể thực hiện được ngay, nhưng Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần tính trong tương lai.

Góp ý vào nội dung khác, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển ghi nhận dự luật lần này đã sửa đổi bổ sung nhiều, nhưng vẫn còn một số quy định chung chung, không rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của thanh niên.

“Tại sao không tổ chức để thanh niên xung phong làm một số lĩnh vực đầu tư công đang cần phải đầu tư. Thanh niên sẽ thành tổ chức, Nhà nước đầu tư, không làm vì lợi nhuận mà để thanh niên rèn luyện, cống hiến”, ông Hiển góp ý.

Theo ông, dự luật cần phải có một số chương trình cho thanh niên, tạo điều kiện để họ thể hiện vai trò xung kích của mình. Chính sách cho thanh niên cũng phải cụ thể, cái nào làm được thì quy định, cái nào chưa chắc thì cân nhắc.

Nói về vai trò, quyền, nghĩa vụ của thanh niên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng làm sao để luật này ra đời sẽ có lực lượng thanh niên xung kích, đi đầu, giao cho thanh niên những công trình đầu tư được đặt hàng của Nhà nước, như vậy sẽ tạo việc làm, thanh niên không bị thất nghiệp.

Nhà nước không cam kết chia sẻ rủi ro, không ai muốn làm dự án PPP

Một số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng chia sẻ rủi ro là điểm nhấn lớn nhằm thu hút đầu tư của Luật Đầu tư theo hình thức PPP.

Hoài Vũ

Bạn có thể quan tâm