Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ tịch Quốc hội: Người trên 60 tuổi nên ở nhà

"Người trên 60 tuổi nên ở nhà nếu không có việc gì cần thiết ra đường. Phục vụ cho dân qua cổng thông tin điện tử Chính phủ, hạn chế gặp gỡ nhau", Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Sáng 23/3, tại phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã thay mặt Chính phủ báo cáo về tình hình phòng, chống dịch Covid-19.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hoan nghênh công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh thời gian qua. Song, ba cũng chia sẻ sự băn khoăn khi số ca nhiễm Covid-19 tăng mỗi ngày. Trong khi đó, một số khách vào Việt Nam đã đi khắp nơi trong nước, một số người ủ bệnh, tiếp xúc với nhiều người khác.

“Đây là vấn đề rất lớn, tôi đề nghị Ban chỉ đạo và các địa phương quan tâm vấn đề này”, bà Ngân nói.

Sẵn sàng tình huống làm việc ở nhà

Chủ tịch Quốc hội khẳng định việc xét nghiệm, cách ly, ứng phó sẵn sàng mọi tình huống là đúng. Nhưng bên cạnh đó, cần chỉ đạo chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật kỷ cương trong bộ máy hành chính như không tập trung đông người và phải đeo khẩu trang.

“Tôi đề nghị khi họp phải đeo khẩu trang. Người trên 60 tuổi nên ở nhà, nếu không có việc gì cần thiết ra đường, phục vụ cho dân qua cổng thông tin điện tử Chính phủ, hạn chế gặp gỡ nhau, tăng cường làm việc trực tuyến”, Chủ tịch Quốc hội quán triệt.

tinh lai ky hop Quoc hoi neu khong het dich Covid-19 anh 1

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý không để xảy ra tình trạng ỷ lại, lấy lý do dịch bệnh làm ảnh hưởng công tác. Ảnh: Q. Khánh.

Bà cũng cho biết Văn phòng Quốc hội đã triển khai các ứng dụng để sắp tới làm việc với ĐBQH chuyên trách chứ không đi họp nữa. Thậm chí, Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc trực tuyến, ngồi tại phòng để họp, không cần tập trung như hiện nay.

“Chúng tôi sẵn sàng cho tình huống này, thậm chí ở nhà làm việc mà công việc vẫn trôi chảy”, bà Ngân nói nhưng cũng lưu ý không để xảy ra tình trạng ỷ lại, lấy lý do dịch bệnh làm ảnh hưởng công tác.

Trong tình huống dịch bệnh kéo dài, Chủ tịch Quốc hội cho rằng phải có giải pháp ổn định kinh tế xã hội, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, bảo đảm đời sống cho nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư, phần tăng thu ngân sách 2019 không chia cho đầu tư (trừ những vấn đề cấp thiết nhất), mà dự phòng cho phòng, chống dịch bệnh và giải quyết những vấn đề thâm hụt ngân sách do sản xuất bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Các cơ quan của Quốc hội sẽ tiếp tục theo dõi, nắm sát tình hình để có đề xuất kịp thời, hỗ trợ Chính phủ thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, theo Chủ tịch Quốc hội, nếu dịch bệnh này không chấm dứt cho đến cuối tháng 4 thì kỳ họp tháng 5 của Quốc hội cũng phải tính toán bởi kỳ họp có gần 500 ĐBQH, hàng trăm nhà báo, hàng trăm khách mời và nhân viên phục vụ kỳ họp.

“Chúng tôi kêu gọi nhân dân chung tay thực hiện các biện pháp phòng dịch có hiệu quả, người người chống dịch, nhà nhà chống dịch, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi nhà là một pháo đài để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh”, Chủ tịch Quốc hội kêu gọi.

Những hình ảnh ấn tượng trong cuộc chiến chống Covid-19

Theo Chủ tịch Quốc hội, ngay từ khi phát hiện ca đầu tiên, Ban Bí thư đã chỉ đạo, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc để phòng chống dịch bệnh. Chính phủ vào cuộc nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch; đề xuất nhiều giải pháp kịp thời, hiệu quả như không tổ chức các lễ hội đông người.

tinh lai ky hop Quoc hoi neu khong het dich Covid-19 anh 2

Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 23/3 hạn chế thành phần tham dự so với các phiên họp trước. Ảnh: Q. Khánh.

Gần đây, dịch diễn biến phức tạp do người nước ngoài vào Việt Nam, người Việt Nam từ nước ngoài trở về. Nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục kiểm soát dịch ở thế chủ động, ngăn chặn lây lan. Mọi thông tin về dịch bệnh được công khai, minh bạch, truyền tải kịp thời đến từng người dân.

“Tối qua 22h, tôi còn nhận được thông tin về các ca nhiễm mới rất nhanh và minh bạch thông qua ứng dụng nCOVI. Điều này thể hiện vai trò, trách nhiệm của Ban chỉ đạo, cả hệ thống chính trị và cộng đồng nhân dân. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận, làm cho người dân tin tưởng thêm vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Bà cũng đề cập đến những con số “ấn tượng” như có 7.000 người Việt Nam ở các tâm dịch được đón trở về nước; 700 tiếp viên hàng không đang làm công việc nguy cơ lây nhiễm cao đăng ký xin không nhận lương, nghỉ không lương 2-3 tháng; gần 300 bác sĩ, y tá về hưu tại Hà Nội xin đăng ký trở lại bệnh viện để góp phần phòng, chống dịch, dù trong độ tuổi “nhạy cảm” với dịch.

Bên cạnh đó, còn có hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ hơn cả tháng nay phải ngủ bạt, ngủ lều giữa rừng để nhường chăn gối cho người cách ly. Trong khi đó, khu cách ly được cung cấp suất ăn miễn phí với tiêu chuẩn cao hơn gấp đôi của chiến sĩ. Hay có những doanh nghiệp tư nhân, khách sạn 4 sao cung cấp miễn phí tiền phòng, tiền ăn cho người nước ngoài bị cách ly. Nhân viên khách sạn xin ở lại để phục vụ.

“Đây là những con số, những hình ảnh rất ấn tượng ở Việt Nam”, bà Ngân nói.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đồng hành sát cánh, sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện cho Chính phủ triển khai tốt nhất biện pháp chống dịch.

Có mặt tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 23/3, trước khi giải trình về dự thảo luật Đầu tư, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chia sẻ trong khoảng thời gian ông cách ly có nhiều người gọi điện thăm hỏi, động viên. Đến nay, tình hình sức khoẻ của ông tốt, đã đi làm trở lại bình thường từ tuần trước.

Bộ trưởng Dũng cũng khẳng định ông và các cán bộ trong đoàn công tác của Bộ không có ai dương tính với Covid-19.

Theo Bộ trưởng KH&ĐT, công việc trong thời gian đoàn được cách ly vẫn được xử lý bình thường. "Hiện chúng tôi đang tập trung nghiên cứu trình Chính phủ giải pháp ứng phó dịch bệnh, duy trì sản xuất, tăng trưởng Quốc hội đề ra", ông nói.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là một trong những người đi cùng chuyến bay (số hiệu VN54 của Vietnam Airlines, hạ cánh xuống sân bay Nội Bài lúc 4h30 sáng 2/3). Chuyến bay có nhiều bệnh nhân nhiễm virus corona.

Phó thủ tướng: Phải tính đến tình huống xấu nhất để nó không xảy ra

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp chống dịch Covid-19. Dù trước mắt còn nhiều khó khăn và rủi ro, chúng ta đang kiểm soát được dịch bệnh.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm