Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng: Trong đại dịch, cả xã hội cần thay đổi thói quen

Theo Thủ tướng, cần vận động xã hội thay đổi thói quen, giao dịch trực tuyến nhiều hơn, ít giao tiếp để tránh lây nhiễm. Một số tôn giáo nên tu hành, làm lễ tại gia...

Chiều 20/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Nhắc lại nội dung cuộc họp sáng cùng ngày của Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Bộ Chính trị đã đánh giá, biểu dương sự cố gắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong phòng chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên, còn nhiều lỗ hổng, nhiều khuyết điểm, tồn tại, khả năng lây nhiễm ra cộng đồng rất cao, khả năng dịch bùng phát rất lớn, cho nên không được chủ quan, thỏa mãn mà phải thấy khuyết điểm, tồn tại để khắc phục tốt hơn.

Hạn chế người vào Việt Nam từ đường không, đường bộ, đường biển

Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu ngăn chặn đỉnh dịch ở mức tối đa, không được để lây lan rộng ra cộng đồng. Theo đó, ông đề nghị hạn chế mọi đối tượng vào Việt Nam, kể cả từ đường hàng không, đường bộ, đường biển. Cùng với đó, cơ bản dừng các đường bay đón khách nước ngoài để hạn chế khách vào Việt Nam.

ca nhiem Covid-19 o Viet Nam anh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu dừng các đường bay đón khách nước ngoài để hạn chế khách vào Việt Nam. Ảnh: VGP.

Nhấn mạnh yêu cầu dừng cấp visa cho mọi đối tượng vào Việt Nam, Thủ tướng lưu ý Bộ Ngoại giao, các đại sứ quán phải vận động, khuyến cáo bà con không về nước nếu không thực sự cần thiết. Trường hợp bà con Việt kiều, lưu học sinh có nguyện vọng thiết tha về nước thì tập hợp nhu cầu, có kế hoạch cụ thể. Đại sứ quán nắm tình hình để thông tin về cho ngành giao thông tổ chức các chuyến bay chở bà con về theo đợt và có kiểm soát.

Thủ tướng nhắc lại, tất cả người vào Việt Nam phải cách ly quyết liệt 100% và xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm, trốn cách ly.

Ngành y tế và các cơ quan chức năng chủ động, phát hiện sớm các ca dương tính để cách ly khỏi cộng đồng kịp thời hơn, chống lây lan. Người đứng đầu Chính phủ cho rằng việc xét nghiệm sớm, điều trị tích cực, trách nhiệm, hạn chế tử vong là yêu cầu đối với ngành y tế. Nhưng bên cạnh đó, phải có phương án bảo vệ bác sĩ, nhân viên y tế tốt hơn nữa.

Đánh giá cao vai trò của truyền thông, Thủ tướng lưu ý không tạo nên sự bi quan trong xã hội mà củng cố niềm tin cho người dân. "Phải truyền thông mạnh mẽ các biện pháp dự phòng hiệu quả, giảm kỳ thị và sợ hãi của xã hội. Chủ động thông tin những ca nặng, có khả năng tử vong để người dân không hoang mang…", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng đồng ý đề xuất giao Bộ Quốc phòng mua 10 xe xét nghiệm lưu động phục vụ xét nghiệm tại cộng đồng.

ca nhiem Covid-19 o Viet Nam anh 2

Một trạm lấy mẫu xét nghiệm lưu động ở Hàn Quốc. Ảnh: AFP.

Ông nhấn mạnh cả hệ thống chính trị vào cuộc, chủ động tích cực, trách nhiệm hơn nữa, nắm chắc tình hình, báo cáo xử lý kịp thời, phát hiện sớm mọi ca, cách ly nhanh và điều kiện tích cực.

Thủ tướng cũng lưu ý bảo đảm nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm đầy đủ để phục vụ người dân, không để tình trạng găm hàng, thổi giá, đầu cơ tích trữ.

Giải quyết công việc như thời chiến, không trình qua trình lại

Đề cập đến ý kiến cho rằng giai đoạn vàng vẫn còn một tuần nữa, Thủ tướng nhấn mạnh nếu chúng ta ngăn chặn được thì thành công, còn không thì thất bại.

Theo Thủ tướng, cần vận động xã hội thay đổi thói quen, đó là giao dịch trực tuyến nhiều hơn nữa, sử dụng điện thoại nhiều hơn trong công việc, ít giao tiếp để tránh lây nhiễm. Một số tôn giáo nên tu hành, làm lễ tại gia; đám giỗ, đám cưới đông người cần hạn chế.

Cùng với đó, tiếp tục yêu cầu không tụ tập đông người; khuyến cáo người dân ít ra nơi công cộng. Với những hình thức giải trí như karaoke, giao lưu khác cần dừng lại, thậm chí yêu cầu đóng cửa.

ca nhiem Covid-19 o Viet Nam anh 3

Cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 20/3. Ảnh: VGP.

Các cấp, các ngành, đặc biệt là Bộ Y tế và thành viên Ban chỉ đạo có cơ chế giải quyết thuận lợi hơn, thông thoáng hơn. Các bộ chức năng phải giải quyết công việc như “thời chiến”, không phải trình qua, trình lại, chậm trễ vấn đề đặt ra. Các cấp, các ngành phân cấp, giao quyền mạnh mẽ hơn cho cấp dưới thực hiện.

"Lãnh đạo phải bình tĩnh, cương quyết và kịp thời xử lý các tình huống đặt ra. Quân đội là cơ quan điều hành các cơ sở cách ly tập trung", Thủ tướng chỉ đạo.

Ông yêu cầu cả hệ thống chính trị tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ với tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, ra đến tận nơi, đến từng đoàn viên, hội viên của mình trong công cuộc thống kê, nắm tình hình các ca nhiễm, hoặc các đối tượng đi trên các phương tiện dễ lây nhiễm.

Theo Thủ tướng, tổ dân phố, chính quyền cơ sở là “pháo đài” chống dịch thì cần làm tốt khâu thống kê, nắm tình hình trong khu vực của mình, không để tình trạng “tìm kim đáy biển”.

Phó thủ tướng nói về sức mạnh của nhân dân khi chống dịch

“Bài học lớn nhất trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua là dưới sự lãnh đạo của Đảng, tất cả lực lượng vào cuộc. Đặc biệt là sự tham gia của người dân”, Phó thủ tướng nói.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm