“Tôi nghĩ ông Kim Jong Un hiểu trên bán đảo Triều Tiên, nước này chưa đạt được sức mạnh như kỳ vọng về mặt quân sự, kinh tế, ngoại giao và quyền lực mềm. Ngoại lệ duy nhất là sở hữu vũ khí hạt nhân”, ông Ramon Pacheco Pardo - giáo sư quan hệ quốc tế, thuộc Khoa Nghiên cứu châu Âu & Quốc tế, Đại học Hoàng gia London - chia sẻ với Zing.
Ông Pardo đưa ra nhận định trên sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cho biết mục tiêu cuối cùng là đưa Bình Nhưỡng sở hữu lực lượng hạt nhân mạnh nhất thế giới, hãng thông tấn KCNA đưa tin ngày 27/11. Theo giáo sư Pardo, Triều Tiên vẫn sẽ tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân để tăng cường năng lực phòng vệ và răn đe.
“Ngoài ra, tôi tin phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên không phải là mục tiêu thực tế kể từ cuối những năm 2000, khi Triều Tiên thực hiện các vụ thử hạt nhân đầu tiên và mở rộng chương trình tên lửa. Vì vậy, tôi không nghĩ điều đó còn khả thi nữa”, vị giáo sư nhận định.
Ông Ramon Pacheco Pardo là giáo sư về quan hệ quốc tế, trưởng khoa nghiên cứu châu Âu & quốc tế học Đại học Hoàng gia London (Anh). Ông cũng là Chủ tịch KF-VUB Hàn Quốc tại Trường Quản trị Brussels của Vrije Universiteit Brussel. Giáo sư Pacheco Pardo từng phát biểu trước Nghị viện châu Âu, tư vấn cho OECD, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, Bộ Ngoại giao và Phát triển Vương quốc Anh. Ông thường xuyên bình luận trên truyền thông về các vấn đề Đông Bắc Á và quan hệ EU - Đông Á. Ảnh: Flickr. |
Gần đây, Triều Tiên công bố phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Nhà lãnh đạo Kim Jong Un mô tả tên lửa của nước này là “công trình bất hủ được truyền lại cho thế hệ con cháu chúng ta mai sau”. Đồng thời, ông tuyên bố thăng chức cho hơn 100 quan chức quân sự và nhà khoa học phát triển tên lửa.
Loại ICBM Triều Tiên phóng thành công gần đây là Hwasong-17 - thế hệ tên lửa mới nhất của nước này. Ông Kim cho biết Triều Tiên cam kết đáp trả các mối đe dọa hạt nhân của Mỹ bằng vũ khí hạt nhân, theo KCNA.
Tuy nhiên, Wall Street Journal dẫn lời các chuyên gia cho hay công nghệ của Hwasong-17 còn thiếu sót để trở thành loại vũ khí mạnh đối đầu với Mỹ. Ngoài ra, mặc dù Triều Tiên từ lâu khẳng định sở hữu vũ khí hạt nhân và ICBM, câu hỏi đặt ra là liệu nước này có công nghệ phóng tên lửa thâm nhập khí quyển trong khi mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân không.
Thiếu sót của Hwasong-17
ICBM hôm 18/11 phóng theo quỹ đạo nghiêng, đạt độ cao gần 6.000 km và di chuyển quãng đường khoảng 1.000 km. Các quan chức Nhật Bản cho biết ICBM này có phạm vi bao phủ toàn bộ đất liền Mỹ nếu đi theo quỹ đạo thông thường.
Dựa trên chiều dài và đường kính của Hwasong-17, vũ khí này dường như có khả năng mang trọng tải lớn hơn so với thế hệ ICBM trước đây, Hwasong-15.
Triều Tiên hiện chưa chứng minh được khả năng phóng ICBM thành công khi mang theo các bộ phận hạng nặng cho phép tên lửa tấn công nhiều địa điểm cùng lúc.
Chang Young Keun - chuyên gia tên lửa tại Đại học Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc - cho biết để làm được điều đó, ICBM cần lắp bộ phận tăng cường (Post-boost Vehicle - PBV) - thiết bị tách khỏi bộ phận đẩy chính của tên lửa bên ngoài bầu khí quyển của Trái Đất - và phóng nhiều đầu đạn vào các mục tiêu riêng biệt.
Ông cho biết nếu mang theo những bộ phận này, trọng lượng của tên lửa sẽ tăng lên 2 tấn, làm giảm khoảng cách mà tên lửa có thể bay được khoảng 1.900-4.000 km.
“Do đó, những gì Triều Tiên cần làm tiếp theo là thu nhỏ đầu đạn hạt nhân”, ông nhận định với Wall Street Journal.
Vụ phóng ICBM trong bức ảnh được KCNA công bố hôm 19/11. |
Khả năng quân sự và công nghệ liên quan tới ICBM hiện có của Triều Tiên sẽ được củng cố đáng kể nếu Hwasong-17 được trang bị hệ thống cho phép tên lửa này mang bộ phận chiến đấu đa đầu đạn phân hướng (MIRV) - gồm nhiều đầu đạn nhỏ, mỗi đầu đạn có thể tấn công mục tiêu khác nhau.
Triều Tiên chưa chứng minh được nước này có MIRV với khả năng chịu được nhiệt độ cực cao trong quá trình hồi quyển.
Chỉ một số ít quốc gia, như Mỹ, Nga và Trung Quốc, xác nhận có MIRV. Trong bài phát biểu hồi tháng 1/2021, ông Kim nói phát triển đầu đạn đa hướng là một trong những mục tiêu của nước này.
MIRV sẽ làm tăng đáng kể mối đe dọa từ Bình Nhưỡng với Washington và các đồng minh, khi hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của những nước này có thể không đủ khả năng chống lại nhiều đầu đạn tấn công cùng lúc.
Một thách thức khác với Triều Tiên là khả năng triển khai tên lửa mà không bị hệ thống phòng thủ tên lửa của Washington hoặc Seoul phát hiện. Triều Tiên mới chỉ thử nghiệm Hwasong-17 từ khu vực Sunan - ngoại ô Bình Nhưỡng, nơi đặt cơ sở hỗ trợ tên lửa đạn đạo.
Điều này chứng minh ICBM chỉ có thể được bắn từ những địa điểm thiết kế đặc biệt phục vụ phóng tên lửa, chẳng hạn như sân bay Quốc tế Sunan, và không thể vận chuyển đến các địa điểm kín.
Mỹ và Nga sở hữu các hầm chứa tên lửa ngầm nên rất khó phát hiện. Truyền thông nhà nước Triều Tiên lần đầu đề cập đến công tác chuẩn bị cho bãi phóng ngầm vào ngày 27/11.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nếu Bình Nhưỡng bắt tay xây dựng cơ sở tương tự, rất có thể vệ tinh của Washington và Seoul sẽ nhanh chóng phát hiện ra.
Hwasong-17 mới chỉ được phóng lên bầu khí quyển ở góc dốc để tránh bay qua các nước láng giềng. Việc chứng minh khả năng chịu được nhiệt độ cao và tồn tại trong khí quyển trong thời gian dài đòi hỏi phải thử nghiệm ở quỹ đạo thông thường. Tuy nhiên, việc bắn tên lửa với khoảng cách xa hơn và bay qua nhiều quốc gia sẽ là hành động khiêu khích đầy rủi ro đối với Triều Tiên.
Ankit Panda, chuyên gia về tên lửa tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho biết Triều Tiên cũng đang nghiên cứu phát triển các ICBM nhiên liệu rắn phản ứng và hoạt động nhanh hơn, theo Wall Street Journal.
ICBM của Triều Tiên hiện sử dụng nhiên liệu lỏng, khiến chúng không thể được phóng ngay lập tức vì không được dự trữ với nhiên liệu đã nạp sẵn. Các chất đẩy lỏng phải được nạp vào tên lửa trước khi phóng. Quá trình cung cấp nhiên liệu cho ICBM có thể mất hàng giờ, khiến vũ khí có thể bị ngăn chặn.
Kể từ khi tuyên bố hoàn thành việc phát triển lực lượng hạt nhân cách đây 5 năm, chính quyền ông Kim Jong Un đã nâng cao đáng kể khả năng của tên lửa đạn đạo.
Bình Nhưỡng đã phóng hàng chục tên lửa đạn đạo tầm ngắn, sử dụng nhiên liệu rắn trong năm nay với khả năng cơ động cao hơn. Chúng được thiết kế để vượt qua và xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa.
Các nhà phân tích vũ khí cho biết những tên lửa này có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tới các căn cứ quân sự của Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ trong khu vực. Bình Nhưỡng cũng đa dạng hóa các điểm phóng tên lửa, từ bệ phóng di động đến tàu hỏa và silo.
Lựa chọn thực tế duy nhất để giảm căng thẳng
Park Won Gon, giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Ewha ở Seoul, cho biết: “Vụ phóng Hwasong-17 là thông điệp chính trị nhằm gây áp lực buộc Washington phải chấp nhận Bình Nhưỡng là quốc gia hạt nhân trên thực tế”, theo Wall Street Journal.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và con gái chụp ảnh với các nhà khoa học, kỹ sư, quan chức quân sự trong vụ thử Hwasong-17. Ảnh: KCNA. |
Trước nhiều đồn đoán về khả năng Triều Tiên thử hạt nhân lần 7, nhận định với Zing, giáo sư Pardo không nghĩ Mỹ hay Hàn Quốc có thể ngăn chặn vụ thử. Tuy nhiên, ông cho rằng Trung Quốc có thể tác động đến quyết định đó.
Bên cạnh đó, vị giáo sư từ Đại học Hoàng gia London không nghĩ Mỹ và Hàn Quốc có thể làm nhiều hơn nữa trong việc đáp trả các hành động của Triều Tiên.
“Cùng với các đối tác và đồng minh, về cơ bản, họ đã cô lập nền kinh tế Triều Tiên thông qua các biện pháp trừng phạt. Trong khi đó, Hàn Quốc sẽ tiếp tục phát triển quân đội bất chấp vụ thử hạt nhân của Triều Tiên”, ông cho hay.
Tương tự, Mỹ sẽ triển khai thêm khí tài tới bán đảo Triều Tiên và khu vực xung quanh, bất chấp các vụ thử, vị giáo sư nói thêm.
Ông cho rằng trên thực tế Mỹ đã công nhận Triều Tiên là cường quốc hạt nhân, vì hai nước đã có nhiều vòng đàm phán kể từ khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 2006.
“Tuy nhiên, tôi không nghĩ Mỹ sẽ công nhận Triều Tiên là cường quốc hạt nhân trong tuyên bố rõ ràng. Do đó, Washington sẽ tiếp tục kêu gọi đàm phán với Triều Tiên vì đó là lựa chọn thực tế duy nhất để giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và giúp ích cho mọi quá trình hòa giải liên Triều tiềm năng”, ông nói.
“Tôi không nghĩ rằng Bình Nhưỡng có ý định sử dụng vũ khí hạt nhân”, ông Pardo cho biết thêm.
Trước đó, tại cuộc họp với người đồng cấp Hàn Quốc hồi tháng 11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố mọi đòn tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ và đồng minh cũng sẽ dẫn đến những phản ứng mạnh với Triều Tiên.
Bắc Triều Tiên qua 100 câu hỏi
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách về Triều Tiên có tựa đề "Bắc Triều Tiên qua 100 câu hỏi" do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản năm 2021. Cuốn sách giúp bạn đọc có cách nhìn đầy đủ, rõ nét hơn khi tìm hiểu về đất nước, con người Triều Tiên, cũng như cập nhật những thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội Triều Tiên hiện nay.