Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

​Tình tiết mới có làm 5 triệu yen về với chị Hồng?

Vụ 5 triệu yen xuất hiện tình tiết mới, người mà bà Phạm Thị Ngọt khai là chồng đã sử dụng hộ chiếu giả mạo. Công an phải xử lý số tiền này ra sao?

Qua quá trình phúc tra thông tin, mới đây, thượng tá Phạm Ngọc Tiến - Phó trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh - Công an TP HCM cho biết, đơn vị đã cung cấp thông tin cho Công an quận Tân Bình về hành vi làm giả giấy tờ của ông Afolayan Caleb.

Sự thật về 'ông chủ' của 5 triệu yen Nhật đến từ châu Phi

Ông Afolayan Caleb - người mà bà Ngọt khai là chồng mình, đã dùng hộ chiếu giả vào Việt Nam.

Theo thượng tá Tiến, ông Caleb, người được cho là chồng của bà Phạm Thị Ngọt, đã sử dụng hộ chiếu giả mạo. Ngày 14/6/2013, Caleb về nước và từ đó đến nay không quay lại Việt Nam.

Thượng tá Tiến kết luận: “Người đàn ông này giả mạo các loại giấy tờ mang tên Afolayan Caleb để nhập cảnh Việt Nam”. Đồng thời, giấy kết hôn giữa bà Ngọt với ông Caleb cũng chưa được phía Việt Nam xác nhận.
Chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (ngồi giữa) và các đồng nghiệp ở cùng nhà trọ chia sẻ câu chuyện tìm thấy 5 triệu yen trong thùng loa cũ.
Chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (ngồi giữa) và các đồng nghiệp ở cùng nhà trọ chia sẻ câu chuyện tìm thấy 5 triệu yen trong thùng loa cũ.
Phải trao số tiền khi hết thời hạn một năm

Luật sư Hồ Ngọc Diệp (Đoàn luật sư TP HCM) cho rằng: “Việc điều tra, xác minh những tài liệu mà bà Ngọt cung cấp không chứng minh được gì, chỉ có thể cho biết người mà bà Ngọt gọi là chồng (ông Celeb) có mặt ở TP HCM tại thời điểm đó mà thôi. Do vậy, dù giấy tờ là giả hay thật cũng không chứng minh được chủ sở hữu tài sản”.

Theo luật sư Diệp, khi thời hạn thông báo công khai cho người nhận tài sản đã hết mà vẫn không xác định được chủ sở hữu thì ngay từ thời điểm đó, cơ quan chức năng đã phải giải quyết chứ không cần điều tra, xác minh thêm.

Luật sư Diệp cho rằng, trường hợp này cần áp dụng khoản 2 điều 239, bộ luật dân sự “người phát hiện vật không xác định được ai là chủ sở hữu”.

Luật sư Hà Hải - luật sư đại diện pháp lý miễn phí cho bà Hồng - khẳng định: “Đáng lẽ Công an quận Tân Bình phải bác đơn của bà Ngọt vì các chứng cứ không liên quan, không có giá trị pháp lý nhưng công an lại nhận và xác minh trong khi đã quá thời hạn một năm”.

Theo luật sư Hải, cơ quan công an chỉ có thể xác minh, điều tra, làm rõ khi có đơn tố giác tội phạm. Bộ luật dân sự quy định chị Hồng đem nộp số tiền lên cơ quan chức năng thì cơ quan công an hay UBND phường xã chỉ có nhiệm vụ giữ số tiền đó và công bố trên phương tiện truyen thông đại chúng để người chủ đến nhận lại tài sản.

Trường hợp, không ai nhận hoặc người nhận không chứng minh được tài sản của mình thì quá một năm, tài sản sẽ được giao trả cho người nhặt được.

Luật sư Hà Hải nhấn mạnh, không có quy định nào cho phép công an xác minh đơn của bà Ngọt trong khi không đủ chứng cứ và vụ việc này đã quá thời hạn một năm.

“Bây giờ, không còn lý do nào để cơ quan chức năng không sớm trao lại số tiền cho chị Hồng. Trên tinh thần quy định pháp luật, Công an quận Tân Bình phải trao trả lại 5 triệu yen cho chị”, ông Hải nói.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội Luật gia TP HCM cho biết: “Về mặt pháp lý, cho đến nay đã hơn một năm và bà Ngọt không trưng ra bất kỳ văn bản nào chứng minh ông Celeb là chồng bà. Cụ thể hơn, bà Ngọt và ông Caleb không đủ cơ sở đòi số tiền 5 triệu yen. Do vậy, Công an Tân Bình cần căn cứ vào điều 239 bộ luật dân sự để giao số tiền cho chị Hồng theo đúng quy định pháp luật”.

Ông Hậu cũng cho biết thêm, chị Hồng sẽ được nhận toàn bộ số tiền 5 triệu yen theo đúng tinh thần điều 239 bộ luật dân sự.

“Tôi thấy chị Hồng xứng đáng nhận được số tiền này”, luật sư Hậu nhấn mạnh.
Số tiền 5 triệu yen mà chị Hồng tìm thấy trong thùng loa cũ - Ảnh: tư liệu Tuổi Trẻ.
Số tiền 5 triệu yen mà chị Hồng tìm thấy trong thùng loa cũ.
Cùng quan điểm với luật sư Hậu, luật sư Hồ Ngọc Diệp nói: “Chị Hồng - người phát hiện tài sản phải được trao toàn bộ số tiền.

Sở dĩ chị Hồng được nhận toàn bộ vì trường hợp này là không xác định được chủ sở hữu tại thời điểm nhặt được vật (theo điều 239) khác hoàn toàn so với trường hợp xác định được chủ sở hữu tại thời điểm nhặt (theo điều 241)”.

Với khẳng định của thượng tá Phạm Ngọc Tiến, số tiền 5 triệu yen không còn lý do gì mà không trao cho chị Hồng sau hơn một năm chờ đợi. 

Chưa có cơ sở để xử lý bà Ngọt

Luật sư Hồ Ngọc Diệp cho rằng, cơ quan chức năng chưa có cơ sở để xử lý bà Ngọt vì việc làm giả hộ chiếu và các giấy tờ khác đều do ông Caleb thực hiện. Chỉ có cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh mới có thể xác định được nhân thân của ông này. Bản thân bà Ngọt cũng không liên quan và cũng không biết thực hư về số giấy tờ này.


http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/tieu-diem/20150517/tinh-tiet-moi-co-lam-5-trieu-yen-ve-voi-chi-hong/748041.html

Theo Võ Hương - Mạnh Khang - Tài Phong/Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm