Chiều 22/12, tác giả Mạc Thụy ra mắt sách Sài Gòn vẫn hát tại Hội chợ sách Giáng sinh TP.HCM. Do đồng nghiệp Ubee Hoàng đang công tác ở Mỹ nên anh chủ trì buổi giao lưu.
Tập tản văn hơn 200 trang là những ghi chép đầy cảm xúc về một Sài Gòn giàu nhạc tính hay những tiếc nuối trước sự thay đổi từng ngày của thành phố.
Tìm hiểu về Sài Gòn không gì thích hợp hơn là bắt đầu từ đời sống văn nghệ. Trong đó, chắc chắn bolero là món ăn tinh thần không thể thiếu của đời sống thị dân Sài Gòn xưa. Vì thế hầu hết dung lượng cuốn sách tập trung miêu tả, cảm nhận về những giọng ca bolero nổi tiếng như Phương Dung, Giao Linh, Bạch Yến và cả những ca sĩ vô danh nhưng hàng đêm vẫn cất lời ca trên mảnh đất Sài Gòn.
Tác giả Mạc Thụy (phải) và ca sĩ Ánh Nguyệt tại buổi giao lưu. |
So với bản đầu, lần tái bản này, Mạc Thụy đưa vào Sài Gòn vẫn hát thêm hai chân dung ca sĩ gắn bó với phòng trà gồm Ánh Nguyệt và Khánh Hoàng. Nếu ca sĩ có giọng hát liêu trai giống Khánh Ly được ví như đóa hoa sầu giữa đêm khuya thì nam ca sĩ từng tham gia cuộc thi Solo cùng Bolero 2015 được gọi là Gà Tre sơn bản.
Dẫu không đi sâu phân tích, mổ xẻ dòng nhạc mang biểu trưng của Sài Gòn nhưng người đọc sẽ cảm thấy âm vang của bolero qua từng trang sách.
Những gương mặt xuất hiện trong Sài Gòn vẫn hát có thể không sinh ra ở nơi đây nhưng mảnh đất nghĩa tình đã trở thành một phần tâm hồn của họ. Sài Gòn xưa nay vẫn thế, bao dung để chứa trọn những đứa con từ phương xa tới.
Ca sĩ Khánh Hoàng biểu diễn trong buổi giao lưu. |
Với người yêu Sài Gòn xưa, bất kỳ sự thay đổi nào cũng gây tiếc nuối dẫu biết đó là quy luật phát triển tự nhiên. Vì vậy, ở cuối sách, Ubee Hoàng chia sẻ những cảm xúc của chị về sự thay đổi từng ngày của Sài Gòn.
Những góc phố xưa quen thuộc giờ đang dần được thay thế bởi những tòa nhà cao tầng. Chị cầu mong sự thay đổi ấy diễn ra chậm lại để ôm trọn ký ức xưa trong lòng. Có lẽ vì đời sống đang bị "bê tông hóa hàng ngày" nên Ubee Hoàng mới thốt lên: "Sài Gòn cúi mặt xa nhau".