Trên Goal, cây viết Ben Hayward nhận định pha kiến tạo của Messi cho Suarez trên chấm phạt đền là một kỳ quan của bóng đá thế giới. Kỳ quan đáng lẽ phải chiêm ngưỡng, không thể hoặc chí ít không nên khinh miệt như một số tờ báo Tây Ban Nha chỉ trích Messi không tôn trọng đối thủ.
Thậm chí họ nâng cao quan điểm, chế giễu Messi không có tinh thần thể thao cao thượng. Vậy người trong cuộc, cụ thể là HLV và cầu thủ Celta Vigo đã nói gì?
HLV Toto Berizzo phát biểu: “Pha phối hợp đó là sự kết liễu đơn thuần, ngoài ra không còn gì khác. Hàng tấn công của Barcelona rất tham lam nhưng họ luôn tôn trọng đối thủ. Luật bóng đá cho phép cách ghi bàn này. Thực ra bàn thắng mới làm tôi tổn thương chứ không phải cách ghi bàn.”
Hậu vệ Gustavo Cabral đồng tình với quan điểm người thầy: “Tôi không hài lòng với bàn thắng vì nó đẩy Celta Vigo vào thế chân tường, không phải vì cách họ phối hợp tạo nên bàn thắng”.
Suarez ghi bàn từ tình huống phối hợp đá phạt với Messi, theo kiểu Johan Cruyff. Ảnh: Goal. |
Đối thủ của Messi - những người đáng lẽ “phải” cảm thấy bức xúc theo lập luận báo giới, thậm chí còn lên tiếng bảo vệ. Vậy thì những người ngoài cuộc còn biết nói gì và làm gì hơn ngoài thưởng thức “tuyệt phẩm kiến tạo” và dành những lời trầm trồ thán phục cho siêu sao Messi.
Nói về tình huống phối hợp kiểu huyền thoại Johan Cruyff cùng đồng đội Jasper Olsen thực hiện năm 1982, Neymar bảo rằng tam tấu M-S-N đã tập đi tập lại nhiều lần.
Ben Hayward nhận định, các “sát thủ” của Barca nếu không nhằm mục đích tri ân huyền thoại Cruyff thì cũng để nhắc nhớ NHM về vị chiến lược gia đặt nền móng cho bóng đá hiện đại nói chung và Barcelona nói riêng đang phải đối chọi với căn bệnh ung thư. Mới đây Cruyff tuyên bố ông đã giành chiến thắng 2-0 trước căn bệnh quái ác. Dù động cơ có là gì thì tình huống phối hợp cũng mang đầy tính nhân văn.
Ben Hayward gọi trận đấu giữa Barcelona và Celta Vigo là “triển lãm bóng đá”. Ở đấy, người họa sĩ Messi – nhân vật chính của triển lãm, đưa công chúng trải qua đa dạng cung bậc cảm xúc. Anh vẽ một đường cong tuyệt đẹp vào không trung mở tỷ số trận đấu. Đây đã là bàn thắng thứ 5 từ cú sút phạt trực tiếp của Messi trong mùa này.
Người lao động nghệ thuật luôn miệt mài sáng tạo để tạo ra kiệt tác cho cuộc đời. Trong một bài viết của JJ Bull trên Telegraph, chỉ vài ngày trước khi Messi giành quả bóng vàng thứ 5, tác giả miêu tả tình huống Messi solo qua cả hàng thủ Bilbao như sau: “Khi bóng đến chân, không ai có thể đoán anh sẽ làm được những gì. Một luồng điện như lan tỏa khắp sân và tạo cho NHM cảm giác cầu thủ vĩ đại ấy sẽ tạo nên điều gì đó rất đặc biệt. Với Messi, anh được sinh ra để hoàn thành những kiệt tác để đời.”
Biếm họa của Goal về pha phối hợp đá phạt đền. |
Messi chứng tỏ anh có thể thao túng trận đấu theo nhiều cách. Anh trích bóng qua đầu 3 hậu vệ để Suarez ghi bàn nâng tỷ số lên 2-1. Anh thực hiện pha solo trong tư thế loạng choạng rồi chuyền bóng cho Neymar, trước khi Suarez đệm bóng cận thành nâng tỷ số lên 3-1.
Rất nhiều cầu thủ sẽ ngã khi ở trong tình huống của Messi. Trên Youtube, khi chúng ta gõ “Messi never dives” – tạm dịch là Messi không ăn vạ, hàng loạt video hiện ra. Nhà báo người Argentina Hernan Casciari – tác giả bài viết “Messi là con chó” từng xem và phân tích một trong các video này.
Ông viết trong bài báo: “Trong hàng trăm pha phạm lỗi ấy, Messi tuyệt đối không ngã, càng không bao giờ ăn vạ hay kêu gào trọng tài hòng kiếm một quả phạt. Đôi mắt anh dán chặt vào quả bóng, đôi chân cố tìm lại thăng bằng và tiếp tục lao đi như chiếc Ferrari. Kéo áo, xoạc bóng, tì đè, ngáng chân… vẫn không thể ngăn anh lại”.
Marco Materazzi, cựu hậu vệ Inter Milan và tuyển Italy, cảnh báo Juventus trước thềm chung kết Champions League hè qua: “Để ngăn chặn Messi, hãy phạm lỗi rồi cầu nguyện”. Cầu nguyện để không bị dính thẻ, cầu nguyện Messi sẽ ngã để phạm lỗi không trở thành công cốc.
Trở lại trận đấu đêm qua, Messi tự mình kiếm một quả penalty. Bước lên chấm phạt đền, anh chấm bút vào lọ màu để thực hiện những nét vẽ cuối cùng cho “bức tranh ngoạn mục nhất của triển lãm” theo lời Ben Hayward. Ngạn ngữ phương Tây có câu: “Save the best for last”, tức giành sự tốt đẹp nhất cho đoạn kết.
Vẽ bức tranh ngoạn mục nhất là vì phải dũng cảm, đồng đội và xuất sắc lắm Messi mới có thể chuyền cho Suarez. Dũng cảm bởi lúc này Messi đang tìm kiếm bàn thắng thứ 300 ở La Liga. Đồng đội thì không cần phải bàn nhiều, vì Barcelona “hơn cả một đội bóng”.
Quay trở lại trận El Clasico hồi cuối tháng 11 năm ngoái, Suarez băng xuống đối mặt thủ môn Keylor Navas ở một góc sút khá thoáng. Anh quyết định không dứt điểm mà trả ngược cho Messi. Barcelona luôn khiến NHM bất ngờ và thán phục bằng sự đồng đội như thế.
Vì sao nói Messi và Suarez xuất sắc trong tình huống phối hợp đá penalty? Năm 2005, Robert Pires và Thierry Henry thực hiện pha phối hợp tương tự. Tình huống tưởng cực kỳ ngon ăn nhưng kết quả là hỏng ăn, họ trở thành trò cười cho báo chí. Khán giả trên sân hát câu hát suốt trận đấu: "Pires và Henry tưởng đây là nhà hát ở Paris."
Như JJ Bull viết trên Telegraph, chỉ khi Messi tự dừng hoạt động thì anh mới bị ngăn cản. Đến bao giờ anh dừng hoạt động? Đó có thể là khi anh không còn niềm vui chơi bóng. Messi trả lời phỏng vấn trên India Times: “Tôi chơi bóng với niềm vui như trẻ thơ chạy trên bãi cỏ. Đến khi tôi không còn niềm vui nữa cũng là lúc tôi ngừng lại”.
Nhưng đó là chuyện tương lai xa. Còn bây giờ, khi niềm vui đang ngập tràn, Messi sẽ tiếp tục tạo nên những kỳ quan của bóng đá, tiếp tục miệt mài trong công cuộc sáng tạo nghệ thuật.
Ben Hayward cho rằng nếu các fan kiên quyết loại trừ và tiếp tục chỉ trích cầu thủ mang lại nhiều cảm xúc nhất của bóng đá đương đại, thậm chí có thể là cầu thủ hay nhất mọi thời đại, họ nên tìm một môn thể thao khác để theo dõi.