UBND tỉnh Sơn La vừa có văn bản đề xuất Bộ GTVT cho bổ sung sân bay Mộc Châu vào quy hoạch cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Dù đặt tên sân bay là Mộc Châu, đề xuất của tỉnh Sơn La chưa cho biết vị trí dự kiến đặt sân bay nằm tại huyện, xã nào trên địa bàn tỉnh. Văn bản chỉ nêu: "Vị trí cảng hàng không Mộc Châu được lựa chọn tại vị trí thuận lợi, địa hình bằng phẳng, phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo quy mô khai thác, thuận lợi kết nối các tuyến giao thông đường bộ".
Sân bay Nà Sản trên địa bàn tỉnh Sơn La nhiều lần đóng cửa vì ít khách. Ảnh: CAA. |
Văn bản cũng cho biết dự án sân bay nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, khách du lịch và phát huy giá trị Khu du lịch quốc gia Mộc Châu.
Theo đề xuất của tỉnh, Cảng hàng không Mộc Châu sẽ là sân bay cấp 4E, phần kỳ đầu tư làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (đến năm 2030) là cảng hàng không dân dụng khai thác tuyến bay nội địa và một số tuyến quốc tế với công suất 1 triệu khách/năm. Giai đoạn 2 (sau năm 2030) dự kiến công suất là 2 triệu hành khách/năm.
Dự kiến tổng mức đầu tư sân bay Mộc Châu khoảng 6.500 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Tỉnh Sơn La định hướng sân bay này kết nối đường bay đến TP.HCM, Đà Nẵng, Cam Ranh, Buôn Ma Thuật, Pleiku, Phú Quốc...; các đường bay quốc tế đi Đông Bắc Á (Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong) và khu vực Đông Nam Á (Viêng Chăn, Bangkok, KualaLumpur, Jakarta...).
Trước đó, địa phương từng có sân bay Nà Sản được khai thác thương mại nhưng nhiều lần phải đóng cửa vì ít khách, hạ tầng xuống cấp. Bộ GTVT đã thống nhất giao UBND tỉnh Sơn La là cơ quan có thẩm quyền để đầu tư nâng cấp sân bay này theo phương thức đối tác công tư PPP.
Trong bối cảnh nhiều địa phương chưa được đầu tư sân bay, việc tỉnh miền núi Sơn La đề xuất đưa 2 sân bay Nà Sản và Mộc Châu vào quy hoạch khiến nhiều người bất ngờ.
Luận chứng mà tỉnh đưa ra là thống kê khảo sát cho thấy dự báo nhu cầu vận chuyển hành khách, trọng tâm là khách du lịch bằng đường hàng không trên địa bàn huyện Mộc Châu, Vân Hồ và vùng phụ cận sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Đồng thời, sân bay Mộc Châu cũng sẽ phục vụ mục đích an ninh quốc phòng.
Hiện, Bộ GTVT và Cục Hàng không chưa có phản hồi với đề xuất quy hoạch sân bay Mộc Châu. Trong dự thảo quy hoạch cảng hàng không toàn quốc giai đoạn 2030, tầm nhìn 2050 do Bộ GTVT biên soạn cũng không nhắc đến sân bay này.
Tại Việt Nam, việc một tỉnh, thành phố có 2 sân bay là hãn hữu. Cả nước hiện chỉ có Kiên Giang là địa phương duy nhất khai thác cùng lúc 2 sân bay dân dụng gồm Rạch Giá và Phú Quốc. Việc đầu tư 2 sân bay cho địa phương này cũng có tính chất đặc thù do đảo Phú Quốc được ưu tiên phát triển du lịch quốc tế.
Trong tương lai, Đồng Nai có thể trở thành địa phương khai thác 2 sân bay dân dụng nếu sân bay Long Thành đi vào hoạt động và sân bay Biên Hòa được chuyển sang khai thác lưỡng dụng. Thủ đô Hà Nội cũng có thể có 2 sân bay nếu sân bay thứ 2 vùng thủ đô được xác định đặt trong địa giới thủ đô.