Vào 17h ngày 3/1, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, thông tin đơn vị thi công vẫn sử dụng phương pháp khoan guồng xoắn để mang đất đá bên trong ống trụ ra ngoài.
Theo đơn vị thi công, đến 14h30 đã làm sạch lượng bùn đất sâu 23/35 m bên trong lòng ống. Công tác khoan guồng xoắn vẫn sẽ tiếp tục thực hiện đến độ sâu 27 m, sau đó tiến hành tròng cáp vào 3 đoạn ống bê tông. Đơn vị thi công tiếp tục khoan sâu đến cuối đầu cọc, khi không còn ma sát thì nhổ cọc lên.
Dựa trên ý kiến từ các chuyên gia, đội cứu hộ cứu nạn tỉnh Đồng Tháp đang nghiên cứu phương án phụ là khoan xoáy nước để hỗ trợ cho việc cứu hộ, cứu nạn được nhanh hơn.
"Đội vẫn ưu tiên phương án khoan bằng guồng xoắn bởi đây là biện pháp ổn định, đem lại hiệu quả. Còn khoan xoáy nước vẫn là phương án dự phòng, chưa được triển khai", lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp thông tin thêm.
Theo ông Bửu, quá trình thi công đoạn còn lại đang gặp khó khăn do kết cấu đất chặt, tuy nhiên đơn vị thi công vẫn giữ các nhóm, tổ thực hiện xuyên đêm rút ngắn thời gian để nhanh chóng cứu hộ cháu bé.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết trong tối 3/1, ở hiện trường khả năng có mưa. Do đó, đội cứu hộ đã đào sẵn mương, rãnh dẫn nước tạo đường thoát. Đồng thời, đội cũng chuẩn bị các loại máy bơm chuyên dụng để bảo vệ hiện trường không bị ngập úng.
Dự kiến, đội cứu hộ cứu nạn tỉnh Đồng Tháp làm việc xuyên đêm đến sáng 4/1 tiếp tục dùng khoan guồng xoắn, khi nào đủ điều kiện sẽ tiến hành rút ống cọc bê tông lên.
Sau khi cọc được kéo lên, đội công binh Quân khu 9 sẽ chia ra hai nhóm cùng làm, dùng chuẩn bị cưa cắt chuyên dụng để rút ngắn thời gian cứu bé Hạo Nam.
Trưa 11h30 ngày 31/12, Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) cùng ba bạn hàng xóm tới công trình cầu Rọc Sen (xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) để nhặt sắt. Không may, Nam rơi xuống ống cọc bê tông rỗng, đường kính 25 cm, đã đóng xuống đất sâu khoảng 35 m.
Phương án giải cứu bé Nam được đưa ra là dùng xe đóng cọc bê tông khoan nhồi, lay động để làm loãng bùn đất xung quanh cọc. Sau đó, đơn vị thi công đóng ống vách thép có đường kính 1,5 m xuống sâu lòng đất, vây quanh cọc bê tông có em Nam bên trong. Khi đủ điều kiện, đội cứu hộ cứu nạn sẽ tiến hành kéo ống cọc bê tông lên.
Phương án giải cứu bé Nam là làm loãng địa chất xung quanh để tiến hành nhổ ống cọc bê tông. Đồ hoạ: Duy Anh. |
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.