Muhammad Rafieudin Zainal Rasid - 30 tuổi, người đứng đầu Đội quản lý tang lễ Malaysia (SPJM) - cho biết vào thời điểm quan trọng, các gia đình có người thân tử vong vì Covid-19 rất cần được hỗ trợ để tang lễ diễn ra suôn sẻ.
“Rất nhiều người không biết cần rất nhiều thời gian và công sức để tổ chức và điều phối một lễ tang", ông Muhammad nói với Channel News Asia.
“Thực tế là các thân nhân đã gục ngã và quá đau lòng vì mất người thân rồi. Với tâm trạng như thế, họ chỉ muốn gọi đến nghĩa trang xem có thể chôn cất người thân của mình không, hay lại phải vật lộn một loạt các quy định kiểm dịch", anh nói thêm.
Muhammad thành lập SPJM khoảng 5 năm trước. Kể từ đó, tổ chức này thu hút khoảng 2.000 tình nguyện viên trên toàn quốc tham gia.
Một thi thể bệnh nhân Covid-19 được đưa khỏi bệnh viện ở Malaysia. Ảnh: Bernama. |
Theo Muhammad, sau khi một bệnh nhân Covid-19 tử vong, bệnh viện chỉ thông báo cho người thân và không có thêm hỗ trợ nào khác. Đôi khi, một số bệnh viện bày cho thân nhân cách liên hệ với dịch vụ tổ chức tang lễ.
“Với số lượng bệnh nhân và khối lượng công việc mà bệnh viện phải phụ trách, điều này cũng dễ hiểu. Sau khi nhận được tin, gia đình nạn nhân thường không biết phải làm gì tiếp theo", anh nói.
"Và đó là khi chúng tôi tham gia hỗ trợ. Ngay khi một tang gia nào đó liên hệ với chúng tôi, chúng tôi bắt đầu quy trình an táng người thân của họ đúng với quy định kiểm dịch", anh cho biết thêm.
“Tôi phải thú thực là công việc này rất mệt mỏi. Kiệt quệ về thể xác là một chuyện, nhưng còn cả kiệt quệ về tinh thần khi phải tổ chức, tiến hành lễ tang, và khi phải chứng kiến cả những gia đình suy sụp vì không thể ở bên người lúc hạ huyệt. Điều này thật thiệt thòi cho họ, nhưng chúng tôi vẫn phải tiếp tục công việc", Muhammad chia sẻ.
Người chết phải chờ đến lượt được chôn
Trước khi Covid-19 bùng phát, SPJM phụ trách khoảng ba lễ an táng mỗi ngày. Giờ đây, nhóm tiếp nhận hơn 5 trường hợp mỗi ngày.
Tổng số ca bệnh của Malaysia hiện hơn 635.000 người với hơn 3.600 trường hợp tử vong, theo thống kê của Worldometers.
Khi tiếp nhận một trường hợp, SPJM sẽ thu thập tất cả thông tin liên quan, bao gồm cả nơi ở và thông tin chi tiết về người đã khuất. Nhóm này sẽ báo cảnh sát, liên hệ với các nghĩa trang lân cận để đặt mộ và xin giấy phép chôn cất.
Các tình nguyện viên cũng sẽ đến bệnh viện, gặp thanh tra y tế và vận chuyển thi thể đến nghĩa trang.
“Chúng tôi không khuyến khích gia đình đến xem hạ huyệt vì những rủi ro liên quan đến lây nhiễm Covid-19. Nhưng đôi khi, vì họ nhất quyết muốn đến, chúng tôi cho phép vài người đàn ông khỏe mạnh trong gia đình đi cùng", Muhammad nói.
Quá trình an táng đôi khi cũng gặp trục trặc. Trong số khoảng 40 nghĩa trang Hồi giáo ở khu vực thung lũng Klang, chỉ có 8 nơi chấp nhận cho chôn cất người chết vì Covid-19. Ngoài ra, mỗi nghĩa trang cũng bị áp giới hạn số lượng thi thể có thể tiếp nhận mỗi ngày.
Các tình nguyện viên của SPJM cùng với một số thành viên trong gia đình thực hiện quy trình an táng nạn nhân Covid-19. Ảnh: D Kanyakumari. |
“Nếu họ đã hết chỉ tiêu trong ngày, ban quản lý sẽ không chấp nhận yêu cầu chôn cất. Chúng tôi sẽ phải tiếp cận các nghĩa trang khác. Cuối cùng, nếu tất cả nghĩa trang đều không thể nhận thi thể, chúng tôi sẽ phải đợi sang một ngày khác", Muhammad cho biết.
Người đàn ông 30 tuổi này cho biết nếu các nghĩa trang ở thung lũng Klang không thay đổi chính sách này, các nhà xác sẽ sớm bị quá tải.
Trong khi đó, theo truyền thống, lễ an táng của người Hồi giáo thường được thực hiện trong vòng 24 giờ sau khi người quá cố qua đời.
Trả lời Channel News Asia, cơ quan quản lý tôn giáo của Malaysia cho biết 29 nghĩa trang Hồi giáo ở Kuala Lumpur đều có đủ chỗ chôn cất.
“Theo hồ sơ của chúng tôi ghi nhận, các nghĩa trang vẫn còn đủ không gian chôn cất trong ít nhất một thập kỷ nữa", người phát ngôn của cơ quan này cho biết.
Quy trình đặc biệt cho nạn nhân Covid-19
Muhammad cho biết nhóm của anh thường cần khoảng 2-3 giờ để xử lý việc chôn cất một nạn nhân Covid-19.
Tuy nhiên, phần lớn thời gian là dành cho việc chờ thanh tra y tế đến và chấp thuận bàn giao thi thể cho người nhà.
Muhammad cho biết có 20 người giám sát hoạt động của SPJM. Với mỗi thi thể, nhóm triển khai khoảng 4-5 tình nguyện viên phụ trách chôn cất.
“Đội ngũ của nhóm sẽ được trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ cá nhân trong suốt hành trình và khi họ đến mộ, các thành viên gia đình được phép đi cùng cũng phải đeo thiết bị này", Muhammad cho biết.
Theo anh, sự khác biệt trong quá trình an táng thi thể không mắc Covid-19 và nạn nhân Covid-19 là ở bước vệ sinh làm sạch.
Đối với thi thể thông thường, nhóm của Muhammad thực hiện các bước làm sạch cơ bản và cuốn thi thể bằng vải trắng.
Nhưng với thi thể mắc Covid-19, họ dùng cát tinh khiết để làm sạch và dùng túi nhựa bọc thi thể.
Các thành viên trong gia đình người quá cố mặc thiết bị bảo hộ trước khi cùng các tình nguyện viên của SPJM tham gia lễ an táng. Ảnh: D Kanyakumari. |
"Cuối cùng, chúng tôi cầu nguyện ngắn gọn và chôn cất họ", Muhammad nói, và cho biết quá trình này sẽ không kéo dài quá 30 phút.
Sau khi quá trình chôn cất hoàn tất, thanh tra y tế sẽ giám sát người tham gia tháo bỏ thiết bị bảo hộ.
Những gia đình liên hệ SPJM giúp đỡ việc an táng người thân có thể trả mức phí tùy tâm cho nhóm.
Anh Aizat Mohd Khairuddin, 29 tuổi, tình nguyện viên của SPJM, cho biết: "Mặc dù chúng tôi có mức phí tối thiểu nhất định, chúng tôi cũng không bắt các gia đình phải tuân theo. Hiện tại, chúng tôi chỉ lấy mức phí tối thiểu nhất có thể".
"Ban đầu chúng tôi thông báo với gia đình nạn nhân về mức phí tối thiểu nếu họ có thể chi trả. Còn với những người không đủ khả năng chi trả, chúng tôi bảo họ cứ đưa bao nhiêu cũng được. Chúng tôi giúp đỡ với hy vọng họ sớm nguôi ngoai nỗi đau mất người thân", người này nói thêm.
Theo Muhammad, SPJM sẽ cần phải nỗ lực hơn nữa trong bối cảnh Covid-19 đang bùng phát ở Malaysia.
“Tôi luôn theo dõi tình hình dịch bệnh ở các quốc gia khác. Khi số người chết khiến hệ thống y tế và tang lễ bị quá tải, chúng tôi sẽ can thiệp tích cực để hỗ trợ", anh nói.