Liên minh châu Âu (EU), Canada và các nước phát triển khác đã ký thỏa thuận mua hàng trăm triệu liều vaccine Covid-19 và thuốc tăng cường trong hai năm tới. Wall Street Journal nhận định điều này càng nới rộng hố sâu ngăn cách giữa các nước giàu và nước nghèo trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
Theo các thỏa thuận gần đây, Pfizer/BioNTech đồng ý cung cấp cho EU tới 1,8 tỷ liều vaccine Covid-19 cho đến năm 2023, đồng thời đồng ý cung cấp cho Canada 125 triệu liều.
Trong khi đó, Australia, Thụy Sĩ và Israel sẽ nhận được vaccine của Moderna trong năm tới.
Pfizer - BioNTech ký thỏa thuận cung cấp hàng tỷ liều vaccine Covid-19 cho EU cho tới năm 2023. Ảnh: Getty. |
Những thỏa thuận này đảm bảo rằng các quốc gia nói trên có đủ nguồn cung vaccine để tiêm chủng cho người dân, bảo vệ họ khỏi các biến thể virus SARS-CoV-2 có thể xuất hiện về sau, đồng thời mang lại lợi nhuận cho các nhà sản xuất vaccine.
Tuy nhiên, các thỏa thuận này một lần nữa bỏ lại phía sau các quốc gia đang phát triển. Nhiều nước trong số đó tụt hậu trong việc triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19 cho người dân, và đang phải vật lộn để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Doanh thu khổng lồ của các hãng vaccine
Moderna coi cơ chế COVAX - sáng kiến y tế toàn cầu nhằm cung cấp vaccine Covid-19 cho các nước thu nhập thấp - là phương tiện chính để đưa vaccine đến các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Vào tháng 5, công ty này cho biết sẽ cung cấp 34 triệu liều vaccine Covid-19 trong quý IV năm 2021 cho COVAX.
Trong khi đó, Pfizer cam kết cung cấp 2 tỷ liều vaccine cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trong 18 tháng tới. Một phát ngôn viên của Pfizer cho biết công ty này cũng đồng ý cung cấp 40 triệu liều cho COVAX trong năm nay.
Theo số liệu mới nhất từ Trung tâm Đổi mới Y tế Toàn cầu của Đại học Duke, khoảng 20 quốc gia phát triển và EU mua khoảng 6 tỷ liều vaccine Covid-19, trong khi các quốc gia còn lại trên thế giới mua tổng cộng hơn 3 tỷ liều.
Australia, với khoảng 25 triệu dân, vào tháng 5 tuyên bố Moderna sẽ cung cấp 10 triệu liều vaccine Covid-19 trong năm nay và 15 triệu liều tiêm nhắc lại vào năm 2022. Trước đó, quốc gia này đặt hàng 40 triệu liều giao trong năm nay.
Theo dự báo của công ty nghiên cứu và môi giới Bernstein Research, doanh số bán vaccine Covid-19 trong năm tới của Pfizer sẽ đạt tổng trị giá 70 tỷ USD, còn của Moderna là 27 tỷ USD.
Một lô vaccine Covid-19 của Moderna đến sân bay Pearson ở Toronto, Canada, vào tháng 3. Ảnh: Reuters. |
Bernstein ước tính Pfizer/BioNTech bán vaccine với giá từ 18 USD đến 19,5 USD/liều cho các nước phát triển, và 7,5 USD cho các nước đang phát triển.
Giá vaccine của hãng Moderna là 17-20 USD/liều cho các nước phát triển, và 8 USD/liều cho các nước đang phát triển.
Doanh số bán vaccine của Pfizer/BioNTech sẽ khiến vaccine này trở thành một trong những dược phẩm bán chạy nhất mọi thời đại. Trước đó, thuốc chống viêm Humira của công ty AbbVie là thuốc bán chạy nhất, đạt doanh thu gần 20 tỷ USD trong năm 2018.
Các thỏa thuận này cũng cho thấy vaccine của Pfizer và Moderna được các quốc gia phát triển ưu tiên lựa chọn.
Pfizer dự kiến sản xuất 3 tỷ liều vaccine trong năm nay và ít nhất là 4 tỷ liều trong năm tới. Moderna cho biết đang nhắm mục tiêu sản xuất lên đến 3 tỷ liều trong năm 2022.
Bất cập trong phân bổ vaccine toàn cầu
Một số quốc gia đang phát triển đã đạt được thỏa thuận với các nhà sản xuất vaccine Covid-19 mRNA; tuy nhiên, số vaccine này có thể sẽ không đủ để tiêm chủng cho toàn bộ dân số.
Paraguay, với dân số hơn 7 triệu người, ký hợp đồng mua 1 triệu liều vaccine Covid-19 của Pfizer/BioNTech. Vào tháng 4, Botswana cho biết Moderna sẽ cung cấp cho nước này 500.000 liều.
Theo số liệu của Trung tâm Đổi mới Y tế Toàn cầu thuộc Đại học Duke, trong số khoảng 50 hợp đồng cung ứng vaccine giữa Pfizer/BioNTech với các quốc gia và tổ chức như COVAX, khoảng một nửa số hợp đồng là với các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đến thăm nhà máy sản xuất vaccine Covid-19 của hãng Pfizer vào tháng 4. Ảnh: Wall Street Journal. |
Pfizer cho biết họ sẽ giảm giá vaccine cho các quốc gia có thu nhập trung bình, đồng thời cung cấp vaccine giá rẻ cho các quốc gia nghèo hơn.
Moderna cũng tuyên bố sẽ định giá vaccine ở mức thấp nhất cho các nước thu nhập thấp.
Nhiều quốc gia đang phát triển vẫn đang đàm phán với Pfizer và Moderna, đồng thời chờ nguồn viện trợ từ COVAX. Các nước này cũng kêu gọi chính phủ Mỹ tài trợ vaccine dư thừa.
Tuy nhiên, theo Wall Street Journal, COVAX hiện gặp vấn đề trong việc đảm bảo nguồn cung và vận chuyển vaccine.
Để tăng cơ hội tiếp cận vaccine Covid-19, một số nước đang phát triển yêu cầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ bỏ chính sách bảo hộ bằng sáng chế cho loại vaccine này.
Chính quyền Mỹ ủng hộ việc miễn trừ bản quyền vaccine Covid-19, trong khi Đức và một số nước phát triển phản đối.
Ngành công nghiệp dược phẩm đang vận động hành lang để phản đối đề xuất này. Các công ty dược cho rằng việc dỡ bỏ bảo hộ bằng sáng chế sẽ không giúp các quốc gia khác sớm tiếp cận vaccine, vì nguồn nguyên liệu thô đang khan hiếm.
Một số chuyên gia về vaccine và y tế công cộng cho biết các nước đang phát triển cần nhiều nguồn cung vaccine hơn để tiêm chủng cho người dân.
Các quốc gia phát triển sẽ không thể mở cửa trở lại hoàn toàn, trừ khi những nước đang phát triển có thể tiêm chủng cho một lượng dân số đủ để đạt miễn dịch cộng đồng.
Prashant Yadav, thành viên cấp cao tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu, cho biết: "Trong khi các nước phát triển mua vaccine nhằm đảm bảo nguồn cung cho vài năm tới, các nước thu nhập thấp và trung bình có thể sẽ bị phụ thuộc vào việc các nước giàu chia sẻ hoặc phân bổ lại liều lượng vaccine cho họ".
Theo chuyên gia này, nếu hố sâu ngăn cách ngày càng bị nới rộng và tồn tại trong dài hạn, nhiều quốc gia có khả năng sẽ ký thỏa thuận vaccine Covid-19 với Trung Quốc và Nga. Hai quốc gia này đang tích cực thúc đẩy mua bán vaccine do các công ty trong nước sản xuất.