Mới đây, Sở NN-PTNN tỉnh Đắk Lắk tổ chức tổng kết mô hình thí điểm "Giải pháp lúa xanh giảm phát thải và tăng năng suất được triển khai trong vụ đông xuân 2023-2024".
Tại hội nghị tổng kết này, Công ty Cổ phần Net Zero Carbon đã mua gần 17 tấn CO2 tương đương đã giảm được từ mô hình trồng lúa của nông dân ở xã Bình Hòa (Krông Ana, Đắk Lắk). Mỗi tín chỉ carbon lúa này được mua với giá 20 USD (1 tấn CO2 tương đương bằng 1 tín chỉ carbon).
Đây là số tín chỉ carbon đầu tiên trên lúa của Việt Nam được bán thành công từ mô hình thí điểm Giải pháp lúa xanh giảm phát thải và tăng năng suất tại Đắk Lắk. Mức giá này cũng cao gấp 2 lần giá tín chỉ carbon mà Ngân hàng Thế giới cam kết chi trả cho đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp tại ĐBSCL.
Trước đó, tại xã Bình Hòa, nông dân đã triển khai mô hình thí điểm sản xuất lúa giảm phát thải. Mô hình được áp dụng quy trình canh tác lúa tưới ướt - khô xen kẽ của Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế và áp dụng quy trình báo cáo xác nhận giảm phát thải của Công ty Cổ phần Net Zero Carbon.
Sau hơn 3 tháng thực hiện, mô hình thí điểm này đã mang lại kết quả tích cực. So với mô hình đối chứng, năng suất lúa tăng gần 1 tấn/ha, chi phí đầu tư giảm được gần 10%, lợi nhuận tăng gần 20%. Đặc biệt, mô hình này giúp nông dân thay đổi phương pháp canh tác truyền thống, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải tạo đất lúa.
Qua thử nghiệm, mô hình giúp giảm lượng phát thải được gần 17 tấn khí nhà kính (carbon), góp phần bảo vệ môi trường, lúa sạch hơn và sản xuất an toàn hơn.
Từ kết quả bước đầu này, Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk sẽ triển khai ra 500 ha lúa trên toàn tỉnh trong vụ Đông Xuân 2024-2025. Qua đó, từng bước góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế về giảm phát thải ròng trong sản xuất nông nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Hà - Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, sở này sẽ vạch ra chương trình cụ thể với các địa phương, khuyến nông, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với cán bộ của công ty để xác định những vùng thực hiện nội dung này, đồng thời hướng dẫn cho người dân, các hợp tác xã thực hiện đúng quy trình để đạt được mục tiêu đề ra.
Bởi việc bán thành công tín chỉ carbon từ mô hình canh tác lúa xanh giảm phát thải tại xã Bình Hòa là cơ sở quan trọng để Đắk Lắk phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo, nhằm gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân, nâng tầm mặt hàng này trở thành thế mạnh của tỉnh. Từ đó, sẽ góp phần cùng ngành lúa gạo Việt Nam chuyển đổi sang con đường phát triển xanh, bền vững.
Đề nghị Australia hỗ trợ Việt Nam phát triển thị trường tín chỉ carbon
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Việt Nam đang xây dựng thị trường tín chỉ carbon và đây là một trong những thế mạnh của Australia nên mong nhận được nhiều hơn sự hỗ trợ.
Câu chuyện thị trường carbon lâm nghiệp tại Việt Nam
Trong tương lai gần, doanh nghiệp có sản phẩm vượt định mức phát thải phải giảm phát thải và phải mua “tín chỉ carbon” để bù lại phần vượt hạn ngạch sau khi đã thay đổi công nghệ.
Việt Nam thu 1.250 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon
Việt Nam vừa chuyển giao 10,3 triệu tấn CO2 cho Ngân hàng Thế giới, việc này nằm trong thỏa thuận chi trả phát thải nhà kính vùng Bắc Trung Bộ.