Hôm 1/7, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Pandjaitan khẳng định đảo Bali sẽ khó mở cửa trở lại trong bối cảnh quốc gia đông dân thứ 4 thế giới đang đối mặt với sự bùng phát của biến thể Delta, Jakarta Post đưa tin.
“Không thể mở cửa (Bali cho khách du lịch nước ngoài) một lần nữa trước (biến thể) Delta này. Chúng tôi sẽ không nghĩ về điều đó nữa”, ông Luhut cho biết.
Ông không giải thích rõ tuyên bố này có nghĩa kế hoạch mở cửa lại hòn đảo cho người nước ngoài sẽ bị hoãn hay hủy bỏ hoàn toàn.
Hiện chính phủ Indonesia đang tập trung vào việc giảm số ca mắc Covid-19 trong khi chạy đua tiêm chủng cho người dân. Ông Luhut đã được giao nhiệm vụ điều phối chính sách mới của chính phủ, được biết đến là Lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM).
Lệnh khẩn cấp này sẽ được triển khai tại Java - hòn đảo đông dân nhất thế giới - và đảo Bali.
Trong tuyên bố hôm 2/7, Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia Sandiaga Salahuddin Uno đã ủng hộ việc áp đặt lệnh khẩn cấp.
Theo lệnh mới, từ ngày 3/7 đến 20/7, các sự kiện tôn giáo, thể thao, và ngoài trời sẽ không được tổ chức. Các trung tâm mua sắm bị đóng cửa, khu chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa được phép hoạt động ở mức 50% công suất.
Hàng quán đóng cửa trên bãi biển vì ảnh hưởng của Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, hồi đầu tháng 6, Indonesia thông báo kế hoạch thiết lập 3 khu đón du khách đặt biệt được gọi là “vùng xanh”, ở các đảo nghỉ dưỡng Bali, Bintan và Batam.
Theo đó, để thu hút khách du lịch, chính phủ đã đưa ra nhiều chương trình như “Làm việc từ Bali”, biến hòn đảo thành điểm du lịch tiêm vaccine miễn phí. Tuy nhiên, các kế hoạch này đã phải tạm hoãn vì làn sóng dịch bệnh mới.
Trong khi đó, đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng Phuket ở miền Nam Thái Lan đã mở cửa trở lại cho du khách quốc tế vào ngày 1/7 sau khi đóng cửa hơn một năm. Đây là một phần của mô hình du lịch thử nghiệm mang tên "Hộp cát Phuket", được thiết kế để giúp nền kinh tế Thái Lan phục hồi sau đại dịch.