Các lệnh hạn chế tại Indonesia sẽ kéo dài đến ngày 20/7, Reuters dẫn lại lời bộ trưởng cấp cao cho biết.
Với nỗ lực giảm số ca mắc hàng ngày, Indonesia đang đề xuất siết chặt các hạn chế đối với việc di chuyển bằng đường hàng không, cấm người dân ăn uống tại nhà hàng và đóng cửa văn phòng không thiết yếu. Các trung tâm mua sắm cũng được đề xuất dừng hoạt động theo kế hoạch chưa được công bố chính thức.
Nhân viên y tế đang giúp khiêng quan tài của người đã qua đời do Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto hôm 30/6 cho biết nước này sẽ áp dụng các quy định chặt chẽ hơn để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Ông không cung cấp thông tin chi tiết. Tuy nhiên, theo tài liệu mà Reuters thu được, các biện pháp hạn chế sẽ được áp dụng trên đảo Java và Bali.
Cùng ngày, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng nhận định cần có các biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn trước làn sóng dịch lần này. Ông cảnh báo tỷ lệ sử dụng giường bệnh trong các bệnh viện đang tăng đáng kể.
Hiện tỷ lệ lấp đầy giường bệnh trên toàn quốc ở Indonesia đã ở mức 72%. Một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề như Jakarta còn báo cáo tỷ lệ cao hơn nhiều.
Quốc gia đông dân thứ 4 thế giới đã liên tục ghi nhận sự gia tăng kỷ lục các ca mắc Covid-19 trong thời gian gần đây. Hôm 30/6, Indonesia đã báo cáo thêm 21.807 trường hợp nhiễm bệnh, con số cao kỷ lục theo ngày ở nước này.
Tổ chức Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) ngày 29/6 cảnh báo biến thể Delta đang đẩy Indonesia tới bờ vưc "thảm họa". Tình hình tại quốc gia bị dịch Covid-19 tấn công nặng nề nhất Đông Nam Á đang có chiều hướng giống Ấn Độ.
Tổng thống Joko Widodo đang đặt mục tiêu tăng cường triển khai kế hoạch tiêm chủng để ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh. Theo đó, ước tính mỗi ngày, nước này sẽ tiêm một triệu liều cho người dân vào tháng 7 và hai triệu liều vào tháng 8.