SCMP dẫn lại lời các quan chức tình báo Mỹ hôm 14/4 cho biết Trung Quốc đang trở thành mối đe dọa cạnh tranh với Mỹ trên nhiều lĩnh vực khi nước này cố gắng định hình lại chuẩn mực toàn cầu, sử dụng "sức mạnh cơ bắp" trong tranh chấp với các nước láng giềng và mở rộng khả năng trên không gian mạng.
Tuy nhiên, các vấn đề nội bộ có thể làm giảm mối đe dọa từ nước này với Mỹ.
Giám đốc Văn phòng Tình báo Quốc gia Avril Haines. Ảnh: Bloomberg. |
“Trung Quốc đang triển khai chiến lược toàn diện để chứng tỏ sức mạnh ngày càng tăng và buộc các nước láng giềng trong khu vực phải đi theo”, Giám đốc Văn phòng Tình báo Quốc gia Avril Haines nói. “Bao gồm các tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông và Đài Loan”.
Tuy nhiên, bà cũng nhận định: “Điều đáng chú ý là các điểm yếu về kinh tế, môi trường và nhân khẩu học nước này đối mặt khiến Trung Quốc khó chuyển sang vai trò chi phối mà họ mong muốn trong những thập kỷ tới”.
Lời điều trần này được đưa ra trong bối cảnh các thượng nghị sĩ thảo luận về một dự luật lưỡng đảng nhằm chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh và tham vọng bá chủ về công nghệ của nước này.
Trung Quốc là mối đe dọa an ninh số 1
Báo cáo "Đánh giá mối đe dọa thường niên của cộng đồng tình báo Mỹ năm 2021" được công bố ngày 13/4 đặt Trung Quốc đứng đầu trong các mối đe dọa về an ninh quốc gia với Mỹ.
“Tôi không nghĩ còn quốc gia nào là mối đe dọa nghiêm trọng hơn đối với sự đổi mới, an ninh kinh tế và lý tưởng dân chủ của chúng ta (bằng Trung Quốc)”, Giám đốc FBI Christopher Wray nói.
FBI có khoảng 2.000 cuộc điều tra liên quan đến chính phủ Trung Quốc. Ông cho biết hiện tổ chức cứ mỗi 10 giờ lại mở một cuộc điều tra mới liên quan tới Trung Quốc và thấy các vụ việc về gián điệp kinh tế tăng 1.300% trong những năm gần đây.
Giám đốc FBI Christopher Wray (phải). Ảnh: Reuters. |
Các quan chức Mỹ nhấn mạnh các mối đe dọa liên quan đến Trung Quốc xuất phát từ nhiều lý do trong đó có tham vọng của Trung Quốc trong việc thống trị các thị trường và hệ thống 5G toàn cầu cũng như ảnh hưởng từ công ty Huawei.
Ngoài ra còn có việc cạnh tranh trong không gian và cuộc chiến giành ưu thế trong trí tuệ nhân tạo, máy tính lượng tử, khoa học vật liệu và các công nghệ khác.
Giám đốc CIA William Burns nhận xét: “Cạnh tranh và công nghệ là cốt lõi của quan hệ giữa chúng ta và lãnh đạo Trung Quốc”.
Tuyên bố rút quân khỏi Afghanistan ngày 11/9 của Tổng thống Joe Biden dự kiến cho thấy Mỹ sẽ chuyển nhiều nguồn lực, chất xám và tập trung hơn vào chính sách đối phó Trung Quốc.
Điểm yếu bị bỏ qua
Tuy nhiên, theo các lãnh đạo tình báo Mỹ, Trung Quốc đang đối mặt với một loạt các nguy cơ khác.
Những điểm yếu này bao gồm sự phụ thuộc vào chip nước ngoài cũng như các công nghệ khác. Bên cạnh đó, tình trạng sản xuất trong nước của Trung Quốc còn yếu kém, có thể thấy qua hiệu quả đáng nghi ngại của vaccine Sinovac chống Covid-19.
Những vấn đề khác bao gồm dân số già, mức nợ gia tăng, căng thẳng giữa các dân tộc thiểu số và danh tiếng quốc tế suy giảm .
Ngày 14/4, các quan chức Bắc Kinh đã bác bỏ đánh giá của Mỹ rằng Trung Quốc là mối đe dọa.
“Đó chỉ là một ví dụ khác cho thấy Mỹ đang chạy theo tâm lý Chiến tranh Lạnh, cường điệu sự cạnh tranh từ các quốc gia lớn và chối bỏ trách nhiệm của mình”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói. "Khả năng của chúng tôi không đe dọa bất kỳ ai".
Một tàu tấn công nhanh của Trung Quốc. Ảnh: Truyền thông nhà nước Trung Quốc. |
Trong khi Trung Quốc đứng đầu danh sách về mối đe dọa an ninh, các quan chức tình báo cấp cao Mỹ cũng cho biết còn một hàng dài những rủi ro khác mà nước này đang phải đối mặt.
Những nguy hiểm này đến từ các chiến dịch mạng thù địch của Nga, mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên và Iran, các nhóm cực đoan và phân biệt chủng tộc trong nước gây hại cho các nền dân chủ và mối đe dọa xuyên quốc gia như Covid-19.