Thủ tướng Đức Angela Merkel từng giận dữ khi bị Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) nghe lén điện thoại. Ảnh: Reuters |
Theo đài phát thanh Berlin, danh sách theo dõi của BND bao gồm Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, Tòa Án Công Lý Quốc tế ở The Huage (Hà Lan), Văn phòng Liên bang Mỹ, các cơ quan của Liên Hợp Quốc như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF).
Ngoài ra, hàng loạt công ty của Mỹ và châu Âu cũng trở thành mục tiêu do thám, bao gồm các nhà sản xuất vũ khí như Lockheed (Mỹ).
Bản báo cáo của Edward Snowden cho thấy, BND còn theo dõi cả công dân nước này là Hansjoerg Haber, nhà ngoại giao người Đức, đứng đầu phái đoàn quan sát viên của Liên minh châu Âu (EU) ở Gruzia từ 2008-2011. Một số quan chức EU ở Brussels (Bỉ), Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị theo dõi.
Phương tiện truyền thông Đức trước đây từng tiết lộ thông tin BND hợp tác với Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) để theo dõi tổng thống Pháp, Bộ Ngoại giao Pháp, Ủy ban châu Âu và nhiều mục tiêu khác.
Khi được hỏi về những cáo buộc gần đây, BND từ chối bình luận. Phát ngôn viên chính phủ Đức Christiane Wirtz cam kết sẽ tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ. “Nhiệm vụ của BND không bao gồm việc do thám chính trị chống lại các nước đối tác”, bà Wirtz nói.
Tin tức mới nhất về vụ việc dựa trên các tài liệu mật do cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden cung cấp. Cáo buộc này khiến Thủ tướng Đức Angela Merkel khó xử bởi trước đây bà từng giận dữ khi bị NSA nghe trộm điện thoại.
Theo Hiến pháp Đức, công dân nước này được bảo vệ và không được theo dõi. Bảo mật là vấn đề nhạy cảm ở Đức và được theo dõi bởi lực lượng cảnh sát chìm.