Cái lạnh của tháng 12 dường như không ảnh hưởng đến ông Joe Biden và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Washington D.C. ngày 30/11-1/12.
"Bởi vì trái tim của chúng tôi ấm áp", ông Biden nói. Trong khi đó, Tổng thống Macron đã gọi "Cher Joe" (Joe thân mến, theo tiếng Pháp - PV) với ông chủ Nhà Trắng.
Cả hai nhà lãnh đạo cùng phu nhân đã có bữa hẹn hò đôi thân mật, khi tài khoản Twitter của Tổng thống Biden chia sẻ hình ảnh cả hai đang tận hưởng những ly kem.
Tuy vậy, mọi chuyện không chỉ dừng lại ở những cử chỉ xã giao.
Tổng thống Biden đã nói việc chủ trì quốc yến đầu tiên trên cương vị tổng thống cho ông Macron đơn giản là vì "ông ấy là bạn của tôi".
Song, giới quan sát cho rằng chuyến thăm lần này của tổng thống Pháp là cơ hội hai bên giải quyết những khác biệt trong nhiều vấn đề, nổi bật là đàm phán chấm dứt xung đột ở Ukraine và Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ, theo New York Times.
Hai nhà lãnh đạo cùng phu nhân đã có bữa tối thân mật hôm 30/11. Ảnh: Tổng thống Biden. |
"Tình anh em" xuyên Đại Tây Dương
Hai nhà lãnh đạo, với hai lập trường khác biệt về khả năng đàm phán chấm dứt chiến sự ở Ukraine, đã cùng đồng thuận sẽ tiếp tục hỗ trợ Kyiv.
Hôm 1/12, cả hai có cuộc gặp riêng kéo dài 30 phút, trước khi dự phiên họp song phương 90 phút, một quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho biết.
Quan chức giấu tên nói mối quan hệ mà cả hai chia sẻ là “chân thật”, được tạo dựng từ khoảng 30 cuộc điện đàm kể từ khi ông Biden trở thành tổng thống, những lần gặp mặt trực tiếp hay trao đổi thư từ. Mới đây, Tổng thống Macron đã gửi thư tay chúc mừng sinh nhật 80 tuổi của vị lãnh đạo Nhà Trắng.
Hình ảnh hai nhà lãnh đạo Pháp và Mỹ được cho là gắn kết và chân thật hơn so với chuyến thăm gần nhất của ông Macron tới Washington D.C., gặp cựu Tổng thống Donald Trump.
Vào thời điểm đó, cả hai đã có những cử chỉ thân mật, song cựu Đại sứ Pháp tại Mỹ Gérard Araud nói rằng đó không phải sự gắn kết lâu dài.
"Ông Macron tập trung vào việc xoa dịu tổng thống vì ông Trump là người quyền lực nhất", ông Araud nhận định về chuyến thăm của tổng thống Pháp vào năm 2018.
“Hầu hết tổng thống có xu hướng phóng đại tầm quan trọng của các mối quan hệ cá nhân”, Richard N. Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Quốc tế (Mỹ), cho biết. “Sự kết nối cá nhân có thể giảm rủi ro biến những khác biệt trở thành khủng hoảng, nhưng điều đó không đột nhiên biến những khác biệt thành đồng thuận".
Trái ngược với người tiền nhiệm, Tổng thống Biden được cho là có sự gắn kết hơn với nhà lãnh đạo Pháp. Cả hai đã có thời gian gặp nhau khi cùng tới dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia cách đây ít tuần.
Tổng thống Biden tổ chức quốc yến tiếp người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron hôm 1/12. Ảnh: Reuters. |
Truyền thông đã ghi lại việc hai vị tổng thống luôn đi cùng và trò chuyện với nhau trong các sự kiện bên lề hội nghị. Có lúc, cả hai được hỏi có phản ứng gì trước việc ông Trump tuyên bố tái tranh cử tổng thống năm 2024, hai nhà lãnh đạo nhìn nhau và nở nụ cười nhạt, theo New York Times.
Hồi tháng 9, cả hai đã gặp nhau tại New York bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Một cuộc họp được lên kế hoạch khoảng 15 phút đã kéo dài gần một tiếng.
Những lần rạn nứt
Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Pháp không thường có những bất đồng về thế giới quan, song vẫn có những thời điểm nổ ra tranh cãi gay gắt.
Người đứng đầu Điện Elysee đã trách đồng minh bên bờ Đại Tây Dương “đâm sau lưng” sau khi Australia hủy hợp đồng mua tàu ngầm trị giá 40 tỷ USD của Pháp để chọn tàu ngầm hạt nhân của Mỹ.
Sự việc thời điểm đó đã khiến Paris rút đại sứ khỏi Washington. “Niềm tin cũng giống như tình yêu vậy. Tuyên bố thì tốt, nhưng bằng chứng thì tốt hơn”, ông Macron nói với nhà lãnh đạo Mỹ vào năm 2021. Bản thân ông Biden khi đó đã thừa nhận đã “vụng về” trong vấn đề ngoại giao với Pháp và Australia, Reuters cho hay.
Trong chuyến thăm Mỹ lần này, ông Macron cũng bày tỏ quan ngại từ châu Âu về Đạo luật Giảm lạm phát trị giá 430 tỷ USD mà Mỹ vừa phê chuẩn.
Đạo luật này khuyến khích người tiêu dùng trong nước sử dụng các sản phẩm sản xuất tại Mỹ như ôtô điện, từ đó gây ra lo ngại rằng hàng hóa châu Âu sẽ mất tính cạnh tranh so với sản phẩm tương tự của Mỹ.
Ông Biden và ông Macron gặp nhau tại hội nghị G7 ở Đức hồi tháng 6. Ảnh: Reuters. |
Tổng thống Biden nhấn mạnh dự luật nhằm thúc đẩy năng lượng tái tạo và công nghiệp chất bán dẫn ở Mỹ có những "trục trặc" có thể giải quyết. Ông Biden cho biết có thể điều chỉnh một số điều khoản trong đạo luật nhằm tháo gỡ các vướng mắc cho EU.
Ở chiều ngược lại, ông chủ Nhà Trắng cũng không đồng ý về kế hoạch “tự chủ chiến lược” của Tổng thống Macron, nhằm giúp châu Âu giảm sự phụ thuộc vào quân đội Mỹ.
Vào cuối buổi họp báo hôm 1/12, một phóng viên đã hỏi về câu ngạn ngữ phổ biến của Pháp, với ý nghĩa “không có tình yêu, chỉ có bằng chứng của tình yêu”.
“Ông có nghĩ rằng người bạn ở Pháp sẽ về nhà với tâm trạng yên tâm không?”, người phóng viên hỏi.
Tổng thống Macron đã có đoạn phản hồi dài, nói rằng sự đồng thuận không đến từ tình yêu, mà đến từ chiến lược và sự rõ ràng.
Trong khi đó, nhà lãnh đạo Mỹ chỉ trả lời ngắn gọn: “Tôi tự tin. Đó là câu trả lời”.
Joe Biden: Hành trình kéo dài năm thập kỷ
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Joe Biden: Hành trình kéo dài năm thập kỷ" do Nhà xuất bản Thế giới phát hành. Sách khắc họa sự nghiệp của ông Biden tại Thượng viện Mỹ, những điều đã xảy ra trong 8 năm ông đảm nhiệm vai trò phó tổng thống, lý do ông rút khỏi cuộc bầu cử năm 2016 và vì sao ông quyết định trở lại, cạnh tranh cùng ông Donald Trump trong cuộc đua trở thành tổng thống Mỹ.
G20 Indonesia
Tổ chức quy mô lớn Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024
Bộ Quốc phòng Việt Nam sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 với quy mô và tầm vóc lớn, gồm nhiều hoạt động nổi bật.
Thủ tướng chia sẻ về năm tháng tuổi trẻ tại Romania
Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân thăm chính thức Romania từ ngày 20-22/1. Nhân dịp này, Thủ tướng đã trả lời phỏng vấn Tập đoàn truyền thông Clever Group, Romania.
Thủ tướng: Việt Nam kiên trì chính sách để trở thành điểm đến hàng đầu
Thủ tướng cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược gồm xây dựng hạ tầng chiến lược để giảm chi phí logistics, chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.
Tổng thống Indonesia kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới VN
Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Indonesia đã kết thúc tốt đẹp; qua đó, thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống, Đối tác Chiến lược VN-Indonesia đi vào chiều sâu và hiệu quả.
Phấn đấu đưa kim ngạch thương mại Việt Nam-Indonesia sớm đạt 15 tỷ USD
Tại buổi hội đàm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt 15 tỷ USD hoặc cao hơn.